Nhàn đàm: Chợt nhớ cây bằng lăng trong rừng chiến khu

12/05/2024 08:30 GMT+7

Các bạn trẻ Hà Nội đang nao nức đổ về một phố nhỏ ven hồ Hoàng Cầu để chụp ảnh check-in hoa bằng lăng nở rộ. Màu tím hoa bằng lăng đẹp tới nao lòng, không mê sao được.

Tôi cũng là người rất mê hoa bằng lăng, nhưng những cây bằng lăng này có vị trí rất đặc biệt trong ký ức của tôi. Đó là những cây bằng lăng trong rừng chiến khu Tây Ninh. Những cây bằng lăng cổ thụ, hoa màu tím nở tít trên cao, và cũng nở vào thời điểm chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa ở Nam bộ.

Ngày đó chúng tôi ở trong rừng. Mà rừng thì có biết bao loài cây, nhưng sao tôi vẫn rất ấn tượng với cây bằng lăng. Dáng vóc những cây bằng lăng trong rừng Tây Ninh có phần vượt trội hơn nhiều loài cây khác. Thân to, gốc lớn, vút cao, cây bằng lăng thuộc hàng "anh cả" trong rừng.

Ngày đi trên Trường Sơn, chúng tôi đã qua những vùng rừng nguyên sinh mọc toàn một loại cây, từ cây bằng lăng, tới cây thông cổ thụ, rồi tới cây dầu… Với những vùng rừng "độc một loại cây" như thế, thì những loài cây khác giống khác dòng không thể chen vào được.

Còn ở những khu rừng già Tây Ninh bên sông Vàm Cỏ Đông hồi đó, thì các loài cây mọc chen vai thích cánh với nhau, bây giờ gọi là rừng đa chủng, trong đó cây bằng lăng tuy mọc cùng nhiều loại cây khác, nhưng lại có vẻ khác biệt.

Nhiều lúc, ngửa cổ ngắm tán rộng cao vút cây bằng lăng, ngắm những con sóc con chồn con gõ kiến con cù lần… bay qua nhảy lại cũng thấy vui ra phết. Huống chi tới mùa, lại được ngắm hoa bằng lăng màu tím nở lặng lẽ trên cao. Mấy anh em dân Nam bộ cùng cơ quan binh vận với tôi nói, cây bằng lăng không chỉ cho lấy gỗ mà dân ven sông còn lấy cả thân cây đục thành xuồng độc mộc, chuyên ngược xuôi trên sông vào ban đêm để phóng chĩa tôm càng xanh hay thả lưới bắt cá. Người dân ven sông Vàm Cỏ thường lục đục cả đêm trên mặt sông, mùa nào kiếm thức nấy, sau mỗi đêm mỗi chiếc xuồng ba lá làm từ cây bằng lăng cũng chở về nhà họ những phẩm vật dưới sông có thể ăn hay bán được. Dù trong chiến tranh, chuyện bán cá tôm hơi khó, thì gia đình để ăn hay cho con cháu, cho bà con làng xóm "lấy thảo".

Vì thế, không chỉ là bạn bè thân thuộc và rất được việc cho dân ven sông nước, mà những cây bằng lăng cổ thụ soi mình bên sông tới mùa trổ bông còn làm cho cảnh sông nước đẹp một cách dịu dàng mà thấm thía.

Ngày ở chiến khu đó, đêm đêm tôi thường một mình ra rẫy cũ ven sông, những đêm trăng cứ đứng lặng ngắm trăng và ngắm cây bằng lăng cổ thụ soi mình xuống sông Vàm Cỏ. Những lúc ấy tự nhiên lòng đầy những cảm xúc mà sau này viết được thành thơ.

Ngày đó tôi cũng hay nghe những bài hát của các nhạc sĩ Sài Gòn ca ngợi hoa bằng lăng màu tím, loài cây hoa mộc mạc mà dễ khiến người nghệ sĩ xúc động.

Bây giờ thì cây bằng lăng được trồng ngay trong phố, trong những thành phố lớn như Sài Gòn hay Hà Nội. "Hoa bằng lăng trong phố" vẫn một màu tím hết sức dễ thương ấy, thu hút biết bao nhiêu bạn trẻ trong phố tìm đến đánh bạn, chụp ảnh, chia sẻ cho nhau những bức ảnh thật đẹp.

Chợt nhớ ngày xưa ấy trong rừng chiến khu, chúng tôi đâu biết chụp ảnh, máy ảnh đâu mà chụp, nhưng cũng biết thưởng thức vẻ đẹp hoa bằng lăng.

Ngày ấy tôi cũng còn trẻ mà, hơn các bạn trẻ bây giờ vài ba tuổi thôi, nên nghe bài hát Đường tím bằng lăng của nhạc sĩ Hoài Yên cũng cảm động lắm: "Hàng cây xanh thắm màu/Trên con đường ngày xưa/Hai ta chung lối mộng/Em thương sắc tím bằng lăng/Anh thương màu áo trắng/Tan trường hoa áo tung tăng/Tình bao năm thắm nồng/Nhưng chưa một lời yêu/Chưa trao câu ước nguyện"…

Hồi ấy, chưa biết bài hát đó thuộc dòng nhạc bolero, nhưng "lính ta" nghe "hạp", nghe thích. Bây giờ thì bolero quá quen thuộc với người Việt mình rồi. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.