Giảm hàng trăm vụ liên quan đến nghi cầm đồ thuốc độc ở miền núi Quảng Ngãi

Phạm Anh
Phạm Anh
15/05/2024 20:57 GMT+7

Sau 10 năm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trên địa bàn miền núi, tỉnh Quảng Ngãi đã giảm được hàng trăm vụ việc đánh nhau, gây thương tích và cả chết người.

Ngày 15.5, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30 ngày 13.3.2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trên địa bàn miền núi Quảng Ngãi.

Đây là tệ nạn mang tính mê tín dị đoan của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Ngãi, từng gây ra nhiều vụ việc đau thương do đánh nhau gây thương tích và cả chết người.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi

N.ĐỨC

Theo thống kê của tỉnh Quảng Ngãi, khoảng từ năm 2003 - 2014, ở miền núi Quảng Ngãi xảy ra 164 vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, làm 7 người chết, 14 người bị thương. Công an các địa phương đã khởi tố 4 vụ với 12 bị can.

Cũng trong giai đoạn này, tình trạng nghi cầm đồ thuốc độc có xu hướng tăng lên trong cộng đồng của đồng bào thiểu số. Ngay cả cán bộ, đảng viên ở cơ sở, biết vụ việc diễn ra cũng không thể ngăn chặn được tình trạng này, nên xảy ra việc đánh gây thương tích, chết người.

Giai đoạn từ 2014 đến nay, nhờ huy động các lực lượng như công an, người có uy tín… tuyên truyền, vận động nên tình trạng nghi cầm đồ thuốc độc giảm hàng trăm vụ. Thời gian này, miền núi Quảng Ngãi xảy ra 57 vụ, trong đó đã hòa giải được 55 vụ và khởi tố 2 vụ (5 bị can) do đánh người gây thương tích, làm chết người.

Ông Phạm Văn Bắp (bên trái), người dân tộc Hrê ở xã Ba Trang, H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) từng bị người làng nghi cầm đồ thuốc độc, đã được chính quyền vận động, tuyên truyền, giải quyết êm đẹp, không bị thiệt hại về người

Ông Phạm Văn Bắp (bên trái), người dân tộc Hrê ở xã Ba Trang, H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) từng bị người làng nghi cầm đồ thuốc độc, đã được chính quyền vận động, tuyên truyền, giải quyết êm đẹp, không bị thiệt hại về người

P.A

Để ngăn chặn và đi đến xóa bỏ tệ nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc trên miền núi Quảng Ngãi, ngày 13.3.2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Chỉ thị số 30, qua đó đã phát huy được hệ thống chính trị tham gia, giảm đáng kể tình trạng nghi kỵ cầm đồ thuốc độc, giảm về số người chết, bị thương, số vụ khởi tố hình sự, số bị can và cả tài sản bị thiệt hại do các vụ việc này gây ra.

Theo ông Đặng Ngọc Huy, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi, việc ngăn chặn, hạn chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc là một nhiệm vụ chính trị quan trọng lâu dài, cần đưa vào chương trình, kế hoạch công tác để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.

Theo đó, cần định hướng công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống mê tín dị đoan, nghi kỵ cầm đồ thuốc độc; phân tích rõ tác hại của tệ nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc; phát huy những phong tục, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiến tới xóa bỏ tập tục lạc hậu, phản khoa học.

Lực lượng công an các cấp, nhất là ở miền núi Quảng Ngãi, cần tích cực nắm tình hình liên quan đến các vụ việc nghi kỵ cầm đồ thuốc độc để kịp thời ngăn chặn, xử lý không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, gây mất trật tự, an toàn xã hội…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.