"Bếp chay từ thiện Trương Hải", tên gọi của nhóm mang tên chủ nhà và cũng là "thủ lĩnh" - bà Trương Thị Thanh Hải, một cựu thanh niên xung phong (TNXP), dù đã "giải nghệ" nhưng ngọn lửa thiện nguyện vẫn không hề suy giảm.
Bà Hải "bao đồng"
Nhiều người trong khu vực đã quý mến gọi bà Hải như vậy vì tấm lòng nhân hậu đậm sâu của bà. Thời còn nhận lương hưu bằng tiền mặt, có lần vào cuối buổi chiều, trên đường từ UBND P.Trường Thọ về nhà, thấy một chị khuyết tật bán vé số dạo còn xấp vé khá dày trong khi giờ quay thưởng đã cận kề, bà không do dự mua ngay 7 vé và gọi điện rủ người quen ở gần đó mua ủng hộ.
Ngày ấy, các đại lý chưa nhận lại vé số còn thừa, bà Hải đã khóc khi nghe lời cảm ơn và tâm sự của người phụ nữ vừa được giúp: "Nếu phải "ôm" mấy chục tờ vé số, chắc tối nay tôi ăn mì gói trừ cơm". Nhờ tính "bao đồng" của bà Hải nên những tờ vé số ế của chị đã được "giải cứu". Bản thân không dư dả gì nhưng đức tính trượng nghĩa "giữa đường thấy người khó khăn chẳng bỏ qua" của bà Hải khiến bà tự nguyện làm việc thiện như một phản xạ tự nhiên.
Xung quanh nhà bà Hải tập trung khá đông sinh viên ở trọ, có nhiều em buổi sáng ôm cái bụng rỗng đi học. Biết được hoàn cảnh của các em, bà chủ động bàn với người nhà và một vài bạn thân tìm cách giúp đỡ. Ý tưởng nấu thức ăn tặng người nghèo bắt đầu hình thành từ đó.
Vạn sự khởi đầu nan, bắt tay vào làm mới thấy phát sinh muôn điều trở ngại. Vậy nhưng, chưa có khó khăn nào ngăn được quyết tâm của nữ TNXP một thời trèo đèo, lội suối, băng rừng. Từ con số 20 suất/lần những tháng đầu đã tăng dần đều. Giờ đây, người lao động và sinh viên khó khăn đã quen thuộc với địa chỉ nhận thức ăn miễn phí mang "thương hiệu" Trương Hải, gần ngã ba đường số 4 - Đặng Văn Bi, P.Trường Thọ.
Cầm hộp xôi còn nóng hổi trên tay, ông Nguyễn Văn Cường, 59 tuổi, ở trọ tại P.Linh Đông (Thủ Đức), hằng ngày mưu sinh bằng xấp vé số trên chiếc xe lăn, xúc động kể: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhờ có nhóm từ thiện của cô Hải mà tôi tiết kiệm được một khoản chi, để dành trả tiền thuê phòng trọ. Mỗi hộp xôi này tương đương với số tiền tôi phải bán 20 tờ vé số nếu mua ở ngoài".
Lan tỏa yêu thương
"Mình may mắn có cơm ăn nên đừng quên nhiều người phải chạy ăn từng bữa", câu nói thấm đẫm tình người của bà Hải khiến ai nghe được cũng ấm lòng. Tiếng lành đồn xa, nhiều người nghe tiếng thơm của bếp ăn từ thiện Trương Hải đã lặng lẽ tìm đến để tận mắt chứng kiến. Khi cảm thấy thật sự tin tưởng, họ tình nguyện gia nhập mong được "góp gió thành bão".
Là giáo viên Trường tiểu học Từ Đức (P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức), thầy Châu Ngọc Quang tham gia bếp yêu thương này từ rất sớm, khiến nhiều đồng nghiệp hưởng ứng. Từ con số 6 thành viên lúc thành lập, nay "quân số" của nhóm đã lên đến gần 40 người. Bằng cái tài, cái tầm và tâm của một vị "chỉ huy trưởng", bà Hải luôn gia tăng chất lượng cùng với số lượng. Hiện nay, mỗi lần tặng đã đạt đến 350 suất ăn nhưng bà vẫn muốn tăng hơn nữa.
Anh Phạm Lê Thanh Tú, 23 tuổi, cựu sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, mang ơn bếp ăn tình nghĩa từ thời còn đi học. "Những bữa cơm no cái bụng, ấm cái lòng của "mẹ Hải", đã đồng hành với tôi đi qua bao năm tháng trong quãng đời sinh viên". Anh Tú cùng nhiều bạn học khác, đã tri ân và kính trọng gọi bà Hải bằng mẹ đầy cảm mến.
Đền đáp ân tình của mẹ Hải và nhóm thiện nguyện, giờ đây anh Tú đã có việc làm ổn định, đều đặn hằng tuần trở về phụ giúp chuẩn bị bữa ăn cho người nghèo. Học tập tấm lòng nhân ái của mẹ Hải, anh và các bạn thân cũng siêng năng làm thiện nguyện.
Dĩ nhiên không bao giờ thiếu những cựu TNXP từng đồng cam cộng khổ với bà Hải. Là Chi hội trưởng Chi hội cựu TNXP P.Trường Thọ, ai sống neo đơn, ai mắc bệnh hiểm nghèo, mãn tính bà đều nắm rõ. Bà đề xuất với các đoàn thể hỗ trợ, đồng thời tự mình vận động nhà hảo tâm tiếp sức. Lòng nhiệt thành của bà trở thành liều thuốc tinh thần, giúp nhiều đồng đội cụ thể như bà Hoàng Thị Ngọc Vân, 66 tuổi, cư trú tại KP.9, bị ung thư thận, bền bỉ chiến đấu với bệnh tật. Tựa như thời họ từng chung lưng đấu cật, chia ngọt sẻ bùi nơi núi rừng gian khổ ở Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) ngày trước.
Noi gương bà Hải, những cựu TNXP luôn sát cánh với bà trên "mặt trận" mới mang tên thiện nguyện. Tôi vừa đến nhà bà Hải vài phút thì có một người đi xe gắn máy chở 50 kg gạo đến. Bà Hải cho biết: "Đó là quà ủng hộ của cô Lưu Kim Huệ, 68 tuổi, ngụ tại P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức. Tháng nào cô Huệ cũng tặng gạo hoặc thực phẩm cho bếp ăn". Ngay cả bộ áo đồng phục màu đỏ in "thương hiệu" của nhóm từ thiện, cũng được một nhà hảo tâm tài trợ từ nhiều năm nay.
"Tôi còn thở thì còn làm việc nghĩa"
Bà Hải nhiều lần khẳng định mạnh mẽ như vậy bởi có những giai đoạn bếp ăn tưởng chừng như phải "đứng hình" do ảnh hưởng từ tình hình chung. Song, cũng từ đó bà nhận ra rằng sẽ có nhiều người lao động còn chật vật hơn. Với quyết tâm của một người lính "khó khăn nào cũng vượt qua", tuần nào ít lương thực, bà vẫn cố gắng duy trì lượng suất ăn được vài chục phần. "Lịch phát bữa ăn đã ấn định lâu rồi, cứ đúng 6 giờ ngày cuối tuần nhiều người đến chờ nhận, mình để họ ra về tay không sao đành. Tôi xin hứa rằng sẽ còn làm việc thiện đến hơi thở cuối cùng", những lời gan ruột của bà khiến ai cũng cảm kích.
Không phải ngẫu nhiên mà cô Lê Thị A Lan - trưởng KP.5, P.Trường Thọ, chia sẻ: "Bà Hải say mê làm việc nghĩa như thể là ngấm vào máu thịt từ lâu. Giúp người khác dù hoàn cảnh của bà cũng không phải dễ dàng".
"Hoàn cảnh" được cô A Lan nhắc đến là việc ông Mai Thanh Sơn, 66 tuổi - người bạn đời của bà Hải - mắc bệnh. Ông Sơn trước kia là thợ xây, sau lần phải mổ mật và đặt stent tim ông phải nghỉ việc sớm. Dẫu vậy, ông vẫn động viên bà không bỏ cuộc. Ông Sơn trải lòng chính những việc làm ý nghĩa nhân văn của người vợ hiền, đã giúp ông có thêm nghị lực chống chọi với bệnh tim. Quả nhiên, "thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn", ngôi nhà nhỏ của hai ông bà không bao giờ ngớt niềm vui.
Trong muôn vàn cách làm việc nghĩa, bà Hải có phương pháp riêng của mình. Không chỉ tặng suất ăn, những trường hợp đặc biệt còn được nhóm thiện nguyện của bà chuẩn bị sẵn một ít nhu yếu phẩm, đóng gói cẩn thận gọi là chút quà mang về. "Của cho không bằng cách cho", ngoài những hộp cơm phát trực tiếp bên đường Đặng Văn Bi, nhóm còn phân công những thành viên trẻ mang đến phòng trọ, trao tận tay người cao tuổi, người đang ốm đau hay chở đến Bệnh viện TP.Thủ Đức tặng bệnh nhân nghèo.
Trước đây, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện sáng tác bài hát Ngọn lửa trái tim ca ngợi tinh thần cống hiến, xông xáo của tuổi trẻ. Những ca từ đậm chất TNXP ngày ấy đã thôi thúc cô gái Thanh Hải hăm hở khoác lên người màu áo xanh tình nguyện, từng bắt đá phải nở hoa. Ngày hôm nay, mặc áo đỏ của bếp ăn từ thiện, nữ cựu TNXP Thanh Hải vẫn rực cháy trong lồng ngực ngọn lửa hồng "mình vì mọi người", sưởi ấm bao mảnh đời khó khăn, cơ nhỡ.
Bình luận (0)