Nhà xuất bản của tác giả, Penguin Random House Canada, xác nhận trên trang web của mình rằng Alice Munro đã qua đời vào tối thứ hai tại nhà riêng ở Port Hope, Ontario. Nguyên nhân cái chết không được tiết lộ, mặc dù tác giả đã có sức khỏe yếu sau khi trải qua ca phẫu thuật tim vào năm 2001.
Kristin Cochrane, Giám đốc điều hành của Penguin Random House Canada, đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Munro trong một thông cáo. Vị này chia sẻ: “Alice Munro là báu vật quốc gia - một nhà văn có chiều sâu, sự đồng cảm và tính nhân văn vô cùng to lớn. Tác phẩm của bà được độc giả trên khắp Canada và trên toàn thế giới quan tâm, ngưỡng mộ, yêu mến.
Thông cáo tiếp tục: "Tác phẩm của Alice đã truyền cảm hứng cho vô số nhà văn và để lại dấu ấn khó phai mờ trong nền văn học của chúng ta. Tất cả chúng tôi tại Penguin Random House Canada cũng như ở Mỹ, Anh và toàn thế giới đều thương tiếc sự mất mát này, qua đó bày tỏ lòng biết ơn đối với di sản của bà".
Được nhiều người nhìn nhận là nhà viết truyện ngắn hay nhất trong thế hệ của mình, Munro đã nhận giải Nobel Văn chương 2013 chỉ vài tháng sau khi xuất bản tuyển tập truyện ngắn Cuộc đời yêu dấu mà bà cho là cuối cùng của mình. Ngoài ra, bà cũng đã nhận được giải Man Booker, giải thưởng của Hội phê bình Sách quốc gia Mỹ và mọi giải thưởng văn học hàng đầu được trao ở quê hương Canada, bao gồm cả giải thưởng danh giá nhất - giải thưởng của Toàn quyền.
Nói về Alice, nhà văn Cynthia Ozick đã so sánh bà với bậc thầy truyện ngắn Nga thế kỷ 19: "Alice Munro là Chekhov của chúng ta, và sẽ tồn tại lâu hơn hầu hết những người cùng thời". Giới phê bình thường liên kết tên hai nhà văn, một phần vì cả hai đã thành thạo việc bóc tách tâm lý nhân vật một cách sâu rộng.
Munro thường xuyên viết về những người dân quê biết cách mổ gà tây, nuôi cáo, nhưng cũng viết về tình yêu không đáng tin cậy, bạo lực gia đình và những nỗ lực thất bại trong việc thăng tiến trong xã hội. Những câu chuyện của bà thường diễn ra ở các thị trấn hư cấu Jubilee hoặc Hanratty, với sự đơn giản trong cốt truyện kết hợp khéo léo với sự tỉ mỉ trong việc phơi bày nội tâm nhân vật. Bà không giấu giếm việc phải mất hàng tá bản nháp để hoàn thành một truyện ngắn nào đó.
John Updike, nhà phê bình văn học của tờ The New Yorker, nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2001 với tờ Montreal Gazette rằng "Alice đã trở thành một nghệ sĩ điêu luyện. Bà ấy có thể thâm nhập vào sau làn da của các nhân vật mà không tỏ vẻ mình đang làm vậy hay là tỏ ra đao to búa lớn".
Một số tuyển tập của Munro được tạo thành từ những câu chuyện liên kết với nhau, trong đó các nhân vật được khắc họa qua nhiều thập kỷ của cuộc đời mình. Bà từng giải thích về mối quan tâm của mình với cuộc sống giản dị, rằng: "Sự phức tạp của mọi thứ, những thứ ẩn tàng bên trong dường như là vô tận. Ý tôi là không có gì dễ dàng, không có gì là đơn giản cả, kể cả với một cuộc sống mà mọi người cho là nhàm chán".
Những tác phẩm hay nhất của bà có thể so sánh với bi kịch kinh điển được viết dưới dạng văn xuôi. Bà từng nói trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1998: "Tôi muốn kể một câu chuyện theo cách cổ điển - điều gì xảy ra với ai đó. Nhưng tôi muốn người đọc cảm thấy có điều gì đó đáng kinh ngạc. Không phải là 'chuyện gì xảy ra' mà đó là 'cách' mọi thứ diễn ra". Không có nhiều kết thúc có hậu trong truyện Munro, nhưng hầu hết các nhân vật của bà đều bộc lộ ra tính chất thiện lành.
Munro thu hút sự chú ý của quốc tế mà không hề rời khỏi quê hương mình. Bà sống phần lớn cuộc đời ở vùng nông thôn Ontario, được bao quanh bởi rừng cây và đất nông nghiệp. Bà từng chia sẻ khi còn là một cô gái trẻ mình đã nóng lòng muốn thoát khỏi cuộc sống đó. Nhưng nhiều năm viết truyện ngắn lấy bối cảnh ở những thị trấn nhỏ đã thay đổi quan điểm của bà. Ở quê hương mình, bà được ca ngợi ngang với người bạn Margaret Atwood cũng như Carol Shields và Timothy Findley - những nhà văn hàng đầu của Canada, cùng thời với nhau.
Bà viết mỗi ngày và đặt ra những mục tiêu cao nhất. Khi mới bắt đầu sự nghiệp vào đầu những năm 1950, bà đã gửi tác phẩm của mình cho tờ The New Yorker và bị từ chối hết lần này đến lần khác. Tác phẩm đăng báo đầu tiên đã được xuất bản vào năm 1979. Sau đó bà đã trở thành cộng tác viên thường xuyên. Daniel Menaker, biên tập viên của Munro tại tờ The New Yorker và sau này ở NXB Random House, đã gọi bà là “một nhà văn hiện đại và thích thử nghiệm trong lớp vỏ của một nhà văn cổ điển”.
"Mỗi câu chuyện là một chiến thắng với bản thân tôi"
Sinh ra vào năm 1931 và lớn lên trong một trang trại nuôi chồn và cáo, sau khi rời nhà để theo học tại Đại học Western Ontario, Alice đã gặp người chồng tương lai của mình là James Munro và kết hôn vào năm 1951.
Khi các con còn nhỏ, Munro đã tận dụng các giấc ngủ của con cái mình để viết tiểu thuyết. Do hạn chế thời gian, bà dần hướng đến truyện ngắn. Bà chia sẻ rằng: “Tôi đã viết từng chút một. Có lẽ tôi đã quen với việc sáng tạo theo cung cách đó".
Những trách nhiệm với gia đình đã làm chậm lại sự nghiệp viết văn của Munro. Bà phải mất gần 20 năm để hoàn thành đủ số câu chuyện cho tuyển tập đầu tiên vào năm 37 tuổi. Cuốn sách đã giành giải thưởng văn học của Toàn quyền Canada năm 1969. Munro lại giành được giải thưởng này một lần nữa vào các năm 1978, 1979 và 1987.
Ở tuổi 60, Munro bắt đầu viết những câu chuyện về những người cùng thời khi họ nhìn lại quá khứ. Năm 1998, khi đang ở đỉnh cao thành công, bà đã giành được giải thưởng của Hội phê bình Sách quốc gia Mỹ. Tập truyện cuối cùng của Munro, Cuộc đời yêu dấu, được xuất bản vào năm 2012. Một năm sau đó bà đoạt giải Nobel Văn chương.
Nói về lý tưởng sáng tác, Munro cho biết: “Tôi viết ra những truyện ngắn mà mình muốn đọc. Tôi không cảm thấy có trách nhiệm với độc giả hoặc di sản của mình. Tôi biết thật khó để làm được điều gì đó đúng đắn nên mỗi câu chuyện là một chiến thắng với bản thân tôi".
Bình luận (0)