70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ở lại dựng Điện Biên - Kỳ 3: Biến từ không thành có

06/05/2024 06:31 GMT+7

"Trở thành nông trường viên, mới thấy đánh nhau còn… sướng hơn", ông Nguyễn Văn Khả (94 tuổi, hiện đang ở đội CN2, xã Thanh Xương, H.Điện Biên) cười rồi giải thích: "Đa số anh em không biết cày cấy, nuôi trồng. Từ cán bộ cho đến tài liệu hướng dẫn đều không có. Phải mày mò tìm hiểu, rất cơ cực".

Trồng, cấy từ… sách

Khi quay lại Điện Biên, ông Khả là thượng sĩ - tiểu đội trưởng (thuộc Đại đội 628, Tiểu đoàn 790, Trung đoàn 176, Sư đoàn 316) nên thường xuyên được… đi học.

Ông kể ban tham mưu chuyển thành ban kế hoạch và chỉ đạo chung chung là "phải gieo lúa, trồng cây, chăn nuôi". Chỉ huy các đội đề nghị cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật để anh em học tập, nhưng không có. Xin tài liệu hướng dẫn, nông trường cũng không có, phải cử người về tận Hà Nội cầu cứu. May mắn là thời điểm ấy mới thành lập Học viện Nông Lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và giáo sư Bùi Huy Đáp (khi ấy là Phó giám đốc Học viện) vừa in một số cuốn sách liên quan đến nông nghiệp, nên lãnh đạo nông trường phải bằng mọi cách tìm gặp, xin được mấy cuốn như Hoa màu lương thực (in năm 1957), Cây ăn quả nhiệt đới (1960) và nhất là cuốn Cây lúa miền Bắc (1962)… mang về đánh máy, viết tay và chuyển xuống các đội để làm "Cẩm nang kỹ thuật sản xuất".

Đồng bào Điện Biên cấy lúa trên những mảnh ruộng do bộ đội Trung đoàn 176 khai phá

Đồng bào Điện Biên cấy lúa trên những mảnh ruộng do bộ đội Trung đoàn 176 khai phá

Tư liệu

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Phó giám đốc nông trường) nhớ lại: "Tôi đề nghị tổ chức hội nghị cố nông để bàn cách trồng lúa. Hóa ra chẳng ông nào biết làm. Hỏi thì ai cũng trả lời: toàn đi làm thuê cho địa chủ, có ruộng đâu mà biết cách trồng cấy trọn vẹn?". Ông Hùng kể: "Lại mang sách của ông Bùi Huy Đáp ra xem. Ông ấy viết 1 sào Thái Lan là thế này, sào Nhật Bản là thế kia. Mình cứ áng chừng, lấy trung bình tính ra cần khoảng 50 tấn lúa giống cho cả cánh đồng Mường Thanh".

"Muốn làm lúa nước như dưới xuôi thì phải ngâm giống. Muốn ngâm thì phải có sọt. Lại kêu gọi bộ đội lên rừng lấy tre và phân công cả tiểu đoàn bộ binh ngồi đan sọt. Anh này hướng dẫn anh kia, nên chậm cả tháng so với quy định. Cấy xong thì lại vắt óc nghĩ ra cách tưới lúa. Nước từ sông Nậm Rốm được đưa vào. Lẽ ra phải đắp thành mương, nhưng không có kinh nghiệm, chỉ vun đất thành rãnh, đến khi nước lên vỡ sạch, ruộng ngập hết", ông Hùng nhớ lại.

Sau những ngày bỡ ngỡ, các nông trường viên tìm mọi cách trồng cây ăn quả và nuôi gia súc, gia cầm. Đầu tiên là đi học kinh nghiệm từ những nông trường bạn. Học đủ cả, từ làm dao quắm, lấy mẫu đưa về thành lập xưởng tiểu tu, vừa sửa chữa ô tô máy kéo, vừa rèn dao, dụng cụ cho các đơn vị.

Một số anh em tranh thủ về quê, vừa học hỏi vừa mang cây con đặc sản lên trồng. Điển hình như ông Nguyễn Mạnh Hùng về quê Thái Bình, tìm đến làng La Vân (xã Quỳnh Hồng, H.Quỳnh Phụ) năn nỉ xin cho được bí quyết và giống bèo hoa dâu, mang lên Điện Biên thả vào ruộng, làm phân bón hữu cơ, tạo dinh dưỡng cho cây lúa.

Đài kiểm soát không lưu của sân bay Điện Biên Phủ, nằm giữa cánh đồng Mường Thanh hiện nay

Đài kiểm soát không lưu của sân bay Điện Biên Phủ, nằm giữa cánh đồng Mường Thanh hiện nay

Thắng Nguyễn

"Thấy trên Mường Pồn (H.Điện Biên) có giống cam ngọt thơm, nhiều nước, cán bộ nông trường đi bộ cả ngày lên xin giống. Mang về mới té ngửa là không ai biết trồng. May là có ông Ân (nguyên Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 176) quê ở vùng cam Bố Hạ (Bắc Giang). Chỉ huy phải yêu cầu ông ấy xuống từng đội giảng giải và hướng dẫn cách chiết cây cam", ông Nguyễn Văn Khả cười và nhớ lại: "Hồi ấy ai cũng phải tăng gia, kể cả chỉ huy. Mỗi người phải trồng từ 5 - 10 cây ăn quả. Nếu kiểm tra không đạt thì sẽ bị phê bình. Lợn giống thì chở dưới xuôi lên. Bò nuôi tập trung ở Mường Phăng. Năm 1962, nhân dân Mông Cổ tặng nông trường 50 con ngựa, nhưng chỉ nuôi một thời gian thì số ngựa này chết dần chết mòn. Nguyên nhân là không hợp thổ nhưỡng và nông trường viên không biết nuôi".

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Hạt gạo Điện Biên

Sau 3 năm đầu, nông trường đã khai hoang được 1.108 ha đất, trồng được 38 ha cà phê, 830 ha cây lương thực và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ cho bộ đội, công nhân viên nông trường. "Vụ gặt đầu, anh em được ăn cơm tẻ thoải mái, tuy rằng thức ăn chỉ có mắm ruốc, nhưng anh nào cũng rưng rưng nước mắt, vì thoát… cơm nếp nát", ông Khả hồi tưởng.

Giai đoạn 1965 - 1969, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Tại Điện Biên Phủ, các đội của nông trường bị máy bay Mỹ đánh phá liên tục, khiến 13 cán bộ, công nhân hy sinh, nhiều tài sản bị phá hủy, gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong giai đoạn ác liệt đó, nhiều cán bộ, công nhân nông trường đốt đuốc sản xuất ban đêm cho kịp thời vụ. Nông trường đã lai tạo thành công giống lúa Điện Biên 1, Điện Biên 2 - là những giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo giống tại chỗ cho nông trường, hỗ trợ đồng bào địa phương sản xuất và gửi tặng đất nước Cuba anh em.

"Từ lau lách hoang vu, ngổn ngang vết tích chiến tranh đến cánh đồng Mường Thanh mênh mông thuận lợi cho canh tác lúa nước hôm nay, là quá trình đi từ không đến có và đánh đổi bằng bao công sức, sự hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, công nhân nông trường", ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định. (còn tiếp)

Đại thủy nông Nậm Rốm - công trình của thanh niên

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu (nay là các tỉnh Điện Biên và Lai Châu) vẫn còn nhiều khó khăn, lương thực của tỉnh lúc ấy chủ yếu do Trung ương trợ cấp. Trước tình hình đó, Trung ương - Khu ủy Tây Bắc quyết định đầu tư xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm để mở rộng khai hoang, canh tác trên cánh đồng Mường Thanh.

Ngày 3.10.1963, công trình chính thức được khởi công, với lực lượng nòng cốt là hơn 2.000 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong. Quá trình thi công rất khó khăn, bị máy bay Mỹ ném bom đánh phá ác liệt, nhưng với tinh thần lao động quên mình, lực lượng thanh niên xung phong đã đào đắp hàng ngàn mét khối đất đá, hoàn thành các hạng mục: đập tràn dài 127 m qua sông Nậm Rốm; tường chắn bằng bê tông cốt thép dài 68 m, cao 17 m; hệ thống cống lấy nước, cống xả cát và hơn 34 km mương dẫn nước dọc 2 bên phía đông và phía tây của cánh đồng Mường Thanh…

Sau gần 7 năm xây dựng, năm 1969, công trình hoàn thành, đưa vào khai thác và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển sản xuất, phát triển thủy sản, thâm canh tăng vụ từ 1 vụ lên 2 vụ lúa và trồng cây vụ đông. Nhờ đó, năng suất lúa tăng từ 20 tạ/ha lên trên 60 tạ/ha như hiện nay, diện tích tưới tiêu khu vực vùng lòng chảo Điện Biên được mở rộng từ 2.000 ha lên đến gần 6.000 ha.

Công trình đại thủy nông Nậm Rốm là sự kết tinh của sức trẻ, sự đoàn kết, lòng quả cảm, nhiệt huyết và thái độ hăng say làm việc của thế hệ thanh niên.

(UBND tỉnh Điện Biên)

18 đoàn viên thanh niên hy sinh

Bắt đầu thi công thủy nông Nậm Rốm năm 1963, tôi được giao là tổng chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong hơn 2.000 người (40% nữ). Thanh niên tuyệt vời lắm, lao động toàn thủ công nhưng không ai kêu ca. Lúc ấy khó nhất là không đủ ăn, 4 tháng trời phải ăn ngô răng ngựa luộc. Chị em nữ, nhất là con gái Hà Nội, lao động vất vả, về bê bát ngô, bỏ từng hạt vào miệng.

Quá trình thi công, đã có 18 đoàn viên thanh niên hy sinh. Người đầu tiên là cô Phạm Thị Ngọ (sinh năm 1943, ở Từ Liêm, Hà Nội) hy sinh tháng 12.1963 khi vừa tròn 20 tuổi. Tên của cô Ngọ được đặt cho quả đồi nơi cô hy sinh.

Những năm 1965 - 1966, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt Điện Biên, toàn nhằm vào đập đầu mối, đánh cả dọc theo con kênh đoàn viên đang làm. Nhờ mình bố trí rất cẩn thận nên hạn chế tổn thất, nhưng vẫn có 7 đoàn viên thanh niên hy sinh. Ngoài ra còn mất 10 anh chị em khác bị tai nạn trên công trường thủy nông Nậm Rốm.

Ông Ngô Xuân Khôi, cựu Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong tỉnh Điện Biên

Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và khối bộc phá ngàn cân trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.