Quảng Nam yêu cầu kiểm tra lại tính pháp lý của hợp đồng trùng tu chùa Cầu

Mạnh Cường
Mạnh Cường
15/05/2024 09:16 GMT+7

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu TP.Hội An kiểm tra lại tính pháp lý của hợp đồng thi công mà Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An ký kết với nhà thầu trong việc trùng tu chùa Cầu.

Sáng 15.5, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản thống nhất cho TP.Hội An được gia hạn 6 tháng thời gian thi công dự án tu bổ chùa Cầu.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu chủ đầu tư là TP.Hội An kiểm tra lại tính pháp lý của hợp đồng thi công mà Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An ký kết với nhà thầu.

Căn cứ các nội dung đã nêu trong hợp đồng, chính quyền kiểm tra và xác định nguyên nhân vì sao tiến độ hợp đồng bị kéo dài; thực hiện xử phạt vi phạm tiến độ hợp đồng nếu có nguyên nhân chủ quan của nhà thầu.

Quảng Nam yêu cầu kiểm tra lại tính pháp lý của hợp đồng trùng tu chùa Cầu- Ảnh 1.

Chùa Cầu được hạ giải để trùng tu

MẠNH CƯỜNG

Chủ đầu tư cũng phải thương thảo, ký kết phụ lục hợp đồng để điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Nguyên tắc là phải đảm bảo không vượt thời gian thực hiện dự án, không làm phát sinh chi phí xây dựng. Ngoài ra, tính toán, lập kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện các nội dung công việc, khối lượng còn lại và đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ được gia hạn để nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng, quyết toán dự án hoàn thành theo quy định của pháp luật.

Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát UBND TP.Hội An trong quá trình triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, đúng quy định.

Như Thanh Niên đã thông tin, dự án tu bổ chùa Cầu có tổng kinh phí 20,2 tỉ đồng, thời gian thi công 360 ngày. Dự án khởi công từ ngày 28.12.2022, đến nay đã hoàn thành quét 3D toàn bộ di tích, hạ giải hệ mái ngói âm dương, hạ giải hệ khung gỗ. Đồng thời, đã gia cố hệ móng, mố, trụ, tu bổ hệ đà sàn, khung và mái; gia cố hệ móng, mố, trụ (phần còn lại); các hạng mục phụ trợ, tôn tạo cảnh quan...

Quá trình khảo sát, đào thám sát, khảo cổ dự án tu bổ di tích chùa Cầu đã ghi nhận nhiều phát hiện có giá trị. Trong đó, phát hiện nhiều vỏ hến tại vị trí hố đào phần sau chùa và miếu Ngũ Hành; nhiều đá tại các vị trí giữa móng cầu và đường kiệt; có một khối lớn vữa vôi, đất sét, gạch xây tại đầu cầu phía đường Trần Phú.

Tại phần móng còn phát hiện 3 viên đá nghi là những viên đá chọn để đặt đầu tiên trong lễ trí thạch (làm phép) của người Hoa khi xây dựng phần chùa trên cầu…

Điều đáng nói, quá trình trùng tu đã vấp phải sự phản ứng của nhiều người về lịch sử của công trình hàng trăm năm tuổi này.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng hiện nay không có căn cứ nào để khẳng định lòng chùa Cầu cong hay thẳng, nhưng lại triển khai trùng tu trước khi hạ giải là chưa đảm bảo cơ sở khoa học. Nguyên tắc quan trọng, lớn nhất của việc trùng tu là làm sao phải tiệm cận "phiên bản gốc".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.