Hôm 11.4 vừa qua, TAND TP.HCM phạt bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mức án tử hình về 3 tội danh "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "tham ô tài sản" và tội "đưa hối lộ", trong vụ án gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 673.800 tỉ đồng. Đặc biệt, tòa còn tuyên phạt bị cáo phải đóng hơn 673 tỉ đồng án phí dân sự và 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Bản án cũng được TAND TP.HCM niêm yết công khai vào ngày 8.5.
Số tiền hơn 673 tỉ đồng án phí dân sự là không hề nhỏ. Vậy tôi muốn hỏi khi nào bị cáo trong vụ án hình sự lại phải chịu án phí dân sự, cách tính ra sao? Việc tính án phí dân sự này có khác so gì với án phí dân sự trong các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại không?
'Núi' tài sản liên quan Trương Mỹ Lan bị xử lý như thế nào?
Trường hợp nào được miễn, giảm án phí? Nếu bị cáo không có đủ khả năng để đóng án phí thì có ảnh hưởng đến việc xem xét giảm án trong quá trình xét xử phúc thẩm và trong giai đoạn thi hành án không?
Bạn đọc Minh Hà.
Luật sư tư vấn
Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), khoản 3 điều 21 Nghị quyết số 326 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định các loại án phí trong vụ án hình sự bao gồm:
- Án phí hình sự sơ thẩm
- Án phí hình sự phúc thẩm
- Án phí dân sự sơ thẩm đối với trường hợp tòa án giải quyết cả phần dân sự trong vụ án hình sự, bao gồm án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch
- Án phí dân sự phúc thẩm đối với trường hợp có kháng cáo về phần dân sự trong vụ án hình sự.
Như vậy, khi giải quyết vụ án hình sự trong đó có cả phần dân sự thì ngoài phải chịu án phí hình sự ra (200.000 đồng), bị cáo còn phải chịu cả án phí dân sự với mức án phí tính giống như vụ án tranh chấp về dân sự.
Cách tính án phí dân sự
Theo Nghị quyết 326 mức án phí sơ thẩm dân sự tính dựa trên giá trị tài sản tranh chấp. Cụ thể giá trị tài sản tranh chấp tính theo các mức án phí như sau:
- Từ 6 triệu đồng trở xuống thì mức án phí là 300.000 đồng
- Từ trên 6 triệu đến 400 triệu đồng, án phí là 5% giá trị tài sản
- Từ trên 400 triệu đến 800 triệu đồng, án phí là 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng
- Từ trên 800 triệu đến 2 tỉ đồng, án phí là 36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng
- Từ trên 2 - 4 tỉ đồng, án phí là 72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2 tỉ đồng
- Từ trên 4 tỉ đồng, án phí là 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỉ đồng.
Ai được miễn án phí?
Khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326 quy định những trường hợp sau đây được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí:
Thứ nhất, người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Thứ hai, người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
Thứ ba, người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Thứ tư, người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Thứ năm, trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.
Để được miễn án phí, thì người có nghĩa vụ nộp án phí phải có đơn đề nghị miễn giảm kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm gửi cho tòa án.
Khi nào được giảm án phí?
Nếu người phải nộp án phí không thuộc đối tượng được miễn, nhưng là người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí tòa án, lệ phí tòa án có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú thì được tòa án giảm 50% (khoản 1 điều 13 Nghị quyết 326).
Giai đoạn thi hành án được xét miễn thế nào?
Theo điều 61 luật Thi hành án dân sự, người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án, hoặc không có thu nhập, hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng.
Thứ hai, hết thời hạn 5 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2 triệu đồng, hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2 triệu đến dưới 5 triệu đồng.
Đối với người phải thi hành án đã tích cực thi hành được một phần án phí, tiền phạt nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục thi hành được phần nghĩa vụ còn lại, hoặc lập công lớn thì được xét miễn thi hành phần nghĩa vụ còn lại…
Bình luận (0)