Trao toàn quyền cho "Tướng quân tại ngoại"
Nhìn lại 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có thể thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò trung thành và là người thực hiện xuất sắc nhất tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội nhân dân, về chiến tranh nhân dân.
Ông cũng là người trực tiếp hiện thực hóa tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, phát huy tài thao lược, cách đánh giặc của dân tộc trong thời đại mới, góp phần quan trọng phát triển hoàn thiện một Học thuyết quân sự Việt Nam.
Truyền thống thao lược và nhân văn của cha ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm tỏa sáng đã tạo nên sức mạnh to lớn, dẫn dắt quân và dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng.
Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Ngày 5.1.1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp từ Việt Bắc lên đường tới mặt trận Điện Biên Phủ. Khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với ông: "Tổng tư lệnh mặt trận, "Tướng quân tại ngoại"! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau...". "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". Không phụ lòng tin đó, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó.
Có câu chuyện kể rằng khi một học giả nước ngoài nêu câu hỏi: "Tại sao một nhà giáo về sử học, về luật pháp, được Pháp đào tạo, không qua một trường quân sự nào lại là Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược?", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời: "Câu hỏi này xin hỏi lại Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Câu trả lời đó đã nói lên nhiều điều nhưng lại làm nảy sinh thêm một câu hỏi: Tại sao Chủ tịch Hồ Chí Minh khi cần lựa chọn một "võ tướng", lại giao trách nhiệm "cầm quân" cho một nhà sử học, một nhà văn hóa? Câu trả lời còn bỏ ngỏ, song lịch sử đã cho thấy rằng sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn xác đáng.
Cuốn Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp Đại tướng của nhân dân của hòa bình cho biết Thủ tướng Ấn Độ Chandra Shekhar nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thế nào. Theo đó, ông cho rằng: "Là học trò và bạn chiến đấu của Hồ Chí Minh, Đại tướng đã thể hiện tài năng chiến thuật, sự táo bạo và sáng tạo tuyệt vời. Các chiến dịch do ngài chỉ huy đã trở thành kinh điển, được các nhà quân sự cũng như các học giả nghiên cứu".
Cũng theo Thủ tướng Ấn Độ Chandra Shekhar: "Chiến thắng mà ngài giành được ở Điện Biên Phủ chống lại những thế lực mạnh hơn mình gấp nhiều lần đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Mỗi khi người ta ca ngợi những hành động quả cảm và chủ nghĩa anh hùng thì Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được nhắc đến".
Trả lời phỏng vấn trong bộ phim tài liệu truyền hình dài tập về cuộc chiến tranh 30 năm ở Đông Dương Apokalyse Vietnam của Đài Phát thanh và Truyền hình Trung Đức (MDR), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giải thích cho điều này: "Cuối cùng thì chúng tôi đã chiến thắng, đạt được điều mà thế giới cho rằng không thể. Chúng tôi chiến thắng vì chúng tôi đã đứng ở phía của chân lý, vì người dân chúng tôi đã tâm niệm câu nói của Hồ Chí Minh: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" và cuối cùng thì chúng tôi cũng chiến thắng là nhờ vào học thuyết quân sự độc nhất vô nhị về chiến tranh nhân dân của chúng tôi".
Chủ tịch Hồ Chí Minh am tường và tin tưởng
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thấy phẩm chất tài năng và tin tưởng giao nhiệm vụ cho Võ Nguyên Giáp dựa trên cả quá trình đồng hành cống hiến cho lý tưởng giải phóng dân tộc của ông. Không phải ngay lập tức Võ Nguyên Giáp đã là Tướng Giáp lừng danh sử sách - từ tháng 1.1948 ông mới được phong cấp hàm đại tướng.
Trước khi trở thành nhà quân sự lỗi lạc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là nhà giáo, nhà báo. Ông trở thành cán bộ cách mạng chuyên nghiệp từ những năm 1936 - 1939 khi Đảng Cộng sản còn chưa giành được chính quyền. Ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tháng 6.1940 ở Côn Minh (Trung Quốc) nhưng trước đó đã đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu. Ông trở thành học trò, là đồng chí gần gũi, là cán bộ quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm cuối của cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam (1941 - 1945).
Sau ngày độc lập, Võ Nguyên Giáp là một chính khách trong Chính phủ cách mạng lâm thời, giữ cương vị Bộ trưởng Nội vụ, sát cánh cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền nhân dân non trẻ.
Võ Nguyên Giáp chuyển dần sang đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo quân đội và chỉ huy cuộc chiến đấu không cân sức của quân và dân Việt Nam với đội quân viễn chinh hùng hậu của Pháp khi cuộc xâm lược Đông Dương lần thứ 2 được các thế lực thực dân hung hăng ở Pháp thổi bùng. Càng ngày các phẩm chất tài năng quân sự của Võ Nguyên Giáp càng được khẳng định và vai trò của ông trở nên không thể thay thế.
Võ Nguyên Giáp cũng còn là nhà sử học. Ông là giáo sư giảng dạy môn lịch sử ở trường Thăng Long (Hà Nội). Ông nghiên cứu lịch sử nhiều cuộc chiến tranh của cha ông và trên thế giới, nghiền ngẫm nhiều tác phẩm quân sự của các tác giả lớn như Tôn Tử và Carl von Claudewitz…
Theo bộc bạch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời: tư duy sử học đã giúp ông rất nhiều trong khi chỉ huy cuộc kháng chiến. Sự gặp nhau giữa sử học và quân sự là phải tôn trọng sự thật cho dù đó là sự thật đau đớn và phải xem xét sự vật trên quan điểm lịch sử trong quá trình vận động biện chứng của nó.
Sự am tường sử học cũng cung cấp cho nhà cầm quân tài ba nhiều tri thức quý báu từ truyền thống đánh giặc của cha ông, những bài học kinh nghiệm của sự nghiệp giữ nước. Ông đã vận dụng nhuần nhuyễn những tri thức, kinh nghiệm đó trong suốt quá trình chỉ huy xây dựng quân đội nhân dân và nghệ thuật quân sự của mình.
Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và khối bộc phá ngàn cân trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Bình luận (0)