Tôi đi phỏng vấn Ngoại trưởng Mỹ

13/02/2007 15:36 GMT+7

Năm ngày trước Tuần lễ cấp cao APEC, tôi nhận được một cú điện thoại từ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với nội dung vắn tắt: "Anh được chọn là một trong 5 phóng viên sẽ được phỏng vấn Ngoại trưởng Condoleezza Rice khi bà đến thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao APEC".

Tôi háo hức vào Google đánh vào ô search chữ "Condoleezza Rice" và đọc ngấu nghiến tất cả những gì liên quan về nữ ngoại trưởng thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ, để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn đặc biệt này.

Bà Rice đến dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao Kinh tế APEC với lịch trình phải cắt ngắn lại một ngày, vì tình hình Iraq đột nhiên căng thẳng và bà phải ở lại Washington để giải quyết một số vấn đề. Chuyên cơ chở bà đến Hà Nội lúc 2 giờ sáng ngày 16.11, bà được chở thẳng về khách sạn Sheraton, nơi đoàn Mỹ "đóng đô" để sáng sớm hôm đó kịp dự Hội nghị liên Bộ trưởng APEC đã bước sang ngày thứ 2. An ninh Mỹ đã không cho phép bất kỳ một ai tiếp cận bà ở cả sân bay và ở cả khách sạn Sheraton. Giới phóng viên săn ảnh chuyên nghiệp của AP, AFP, Reuters ở Hà Nội đã không có lấy một bức ảnh trong suốt 8 tiếng đồng hồ kể từ khi bà đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Và cũng chỉ khi đến sát cuộc phỏng vấn, nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội mới cho chúng tôi biết lịch hẹn chính xác với Ngoại trưởng Mỹ: 8 giờ 30 phút ngày 17.11, tại khách sạn Sheraton, chưa đầy hai tiếng đồng hồ trước khi Tổng thống Bush đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Chúng tôi không được phép biết thông tin gì thêm.

Đúng 8h tôi có mặt ở sảnh khách sạn để làm thủ tục vào, tôi quan sát thấy Đại sứ Mỹ tại VN Michael Marine cũng đi vào và ông cũng phải qua máy soi an ninh và làm các thủ tục kiểm tra an ninh bình thường để vào trong khách sạn, mọi thủ tục không khác chúng tôi là mấy.

Chúng tôi có thẻ phóng viên APEC, có thẻ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và có nhân viên phụ trách báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ đứng đón ở cửa nhưng vẫn không được phép vào. Chỉ tới khi đích thân một quan chức cao cấp hơn phụ trách báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ ra đọc tên và nhận diện từng người qua ảnh, lúc đó chúng tôi mới được phép làm thủ tục kiểm tra an ninh để vào bên trong. Đứng ở cửa ra vào của khách sạn là nhân viên an ninh của Nhà Trắng, nhân viên an ninh của Bộ Ngoại giao Mỹ và nghe nói còn có mật vụ của Liên bang nữa. Ngoài ra còn có cả lực lượng an ninh Việt Nam. Phía Mỹ giải thích là vì lý do Tổng thống Mỹ sắp có mặt tại khách sạn nên họ phải làm mọi thủ tục an ninh cần thiết để đảm bảo an toàn cho Tổng thống.

Những nguyên tắc chung, riêng

Trong phòng có một chiếc bàn tròn đặt ở giữa dành cho cuộc phỏng vấn, quanh bàn có 6 chiếc ghế, riêng chiếc ghế của Ngoại trưởng Rice lớn hơn và chỗ ngồi của bà quay lưng về phía bức tranh lớn đặt giữa phòng. Trước mặt mỗi chiếc ghế ngồi đều được ghi tên riêng của chúng tôi. Ánh sáng trong phòng được chiếu hội tụ vào chỗ chiếc bàn nơi chúng tôi ngồi để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn.

Thư ký riêng của Ngoại trưởng Rice, Josie Duckett, là một phụ nữ nhỏ nhắn và nhanh nhẹn, chỉ cho chúng tôi chỗ ngồi rồi bắt đầu kiểm tra tên họ của từng người trong chúng tôi, và yêu cầu mọi người cung cấp danh thiếp. Các nguyên tắc nho nhỏ bắt đầu được người nữ thư ký này xác lập. Cô thông báo chúng tôi chỉ có 20 phút để phỏng vấn ngoại trưởng. Cô có vài yêu cầu. Thứ nhất, không được hỏi về các vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên, Iran, Iraq và cả... APEC nữa ! Thứ hai, sẽ không ai được chụp bất cứ một bức ảnh nào trong căn phòng này. Mọi máy ảnh đều vô hiệu, sẽ chỉ có một nhiếp ảnh gia của Bộ Ngoại giao Mỹ được phép chụp. Và cuối cùng Ngoại trưởng sẽ chụp chung với các phóng viên duy nhất một tấm ảnh kỷ niệm, và đích thân nữ thư ký Ngoại trưởng sẽ chụp. Thứ ba, khi cô nói "câu hỏi cuối cùng" tức là báo hiệu 2 phút nữa sẽ hết giờ, và nhắc lại "sẽ không có phút thứ 21".

Ấn tượng về người đàn bà quyền lực nhất nước Mỹ

Đúng 10 giờ người phụ nữ quyền lực nhất nước Mỹ xuất hiện, tất cả chúng tôi đều đứng dậy. Bà lần lượt thân mật bắt tay từng người: "Xin chào các bạn, rất vui được gặp các phóng viên Việt Nam".

Cũng giống những gì tôi được thấy trên truyền thông Mỹ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ ăn mặc tương đối giản dị, lịch lãm, chiếc áo khoác màu cam, cổ đeo một chuỗi ngọc trai lớn, đôi hoa tai đính hai hạt ngọc trai trắng làm tôn thêm vẻ quý phái. Bà Rice khá cao (khoảng 1m73), dáng đi nhanh nhẹn và duyên dáng. Bà tỏ ra rất thân thiện với các phóng viên Việt Nam ngay từ đầu: "Chúng ta sẽ bắt đầu ngay chứ, ai sẽ bắt đầu nhỉ, bắt đầu từ bên trái à ? Tốt rồi...". Còn chúng tôi, có lẽ vì căng thẳng và không muốn để mất thêm một giây quý báu nào cho phần xã giao nữa nên tất cả đều im lặng và bắt đầu cho cuộc chạy đua với thời gian. Đồng nghiệp Báo Lao Động "khai hỏa" đầu tiên bằng một câu "mềm": "Ấn tượng của bà khi lần đầu đến Việt Nam?". Cựu hiệu trưởng, giáo sư của Stanford bằng một phong cách ngoại giao chuyên nghiệp bắt đầu say sưa nói về cảm nhận của bà về đất nước và con người Việt Nam. Bà Rice có một phong cách nói khá nhanh và lưu loát, đặc biệt là khi nói về chủ đề chính trị, ngoại giao. Trong suốt cuộc phỏng vấn, người phụ nữ từng được mệnh danh là "người đàn bà thép", cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ luôn nở nụ cười rất tươi, và tỏ ra không hề quan cách. Đặc biệt khi nói về các sở thích và cuộc sống riêng của bà, bà rất hào hứng.

Đang nói chuyện bỗng bà quay sang thân mật hỏi chúng tôi: "Ở đây có ai chơi nhạc không?". Mọi người đều nhìn nhau lắc đầu, đồng nghiệp Báo Tiền Phong khoe là con gái của anh cũng chơi piano, Ngoại trưởng Mỹ tỏ vẻ rất thích thú và rất quan tâm: "Thật tuyệt, năm nay cháu bao nhiêu tuổi? Thế thì rất hay, bây giờ cháu vẫn tiếp tục chơi đấy chứ ?". Dường như chúng tôi đều cảm nhận được sự chân thành và không có khoảng cách.

Hình như bà cũng cảm nhận được 20 phút "vàng ngọc" của chúng tôi và sức ép phải có một bài phỏng vấn chất lượng nên nữ Ngoại trưởng Mỹ đã gần như không trả lời câu hỏi nào theo dạng trả lời "cho có". Trái lại bà đều trả lời cặn kẽ từng ý một, và mỗi ý bà đều đưa ra các ví dụ sinh động, bà nói những gì chân thành nhất, những gì thuộc về cảm xúc của bà.

Thực ra chúng tôi không có nhiều thời gian nên không dám mạo hiểm sa đà vào những câu chuyện bên lề, nhưng vì phong cách gần gũi của bà khiến đôi lúc chúng tôi cảm thấy không còn khoảng cách và cảm thấy như đang trò chuyện chứ không phải đang thực hiện cuộc phỏng vấn. Bà xúc động khi kể về cuộc sống, sự nghiệp của bà, về quê hương bà - tiểu bang Alabama nghèo khó. Và chúng tôi rất xúc động khi bà liên hệ và tỏ ra rất quan tâm, đồng cảm và hiểu biết rất rõ về cộng đồng người Việt sinh sống tại quê hương bà. Đồng nghiệp Báo Lao Động đã dũng cảm "hy sinh" để hỏi một câu về sở thích chơi piano của bà, và một lần nữa bà lại kể về sở thích này rất say sưa. Bà trả lời các câu hỏi rất nhanh, rất chính xác và tự tin, dí dỏm.

Tôi ngồi ở vị trí gần cuối, cuối cùng rồi cũng đến lượt tôi hỏi câu đầu tiên, tôi hỏi một câu ngoài dự kiến vì không hiểu tại sao đồng nghiệp trước tôi lại hỏi một câu hơi "cứng". Vì vậy tôi bắt đầu hỏi bà về thế hệ trẻ Việt Nam và về lời khuyên của một phụ nữ thành đạt đối với họ. Bà sôi nổi hẳn lên khi bày tỏ thiện cảm ban đầu của mình với Việt Nam, về thế hệ trẻ Việt Nam, về một đất nước mà nền kinh tế và cuộc sống diễn ra sôi động khác hẳn tưởng tượng của bà.

Phong cách lịch lãm, duyên dáng và dễ gần của bà Ngoại trưởng Mỹ khiến tôi tin rằng, những gì bà ca ngợi Việt Nam không phải là "lịch sự", mà là tình cảm chân thực nhất của bà.

"Câu hỏi cuối cùng!", giọng dứt khoát của nữ thư ký Ngoại trưởng vang lên, chúng tôi cảm giác thời gian trôi quá nhanh.

Nhưng có lẽ 20 phút với người phụ nữ được coi là quyền lực nhất với thế giới đối với chúng tôi thế là quá đủ. 

Xuân Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.