Để làm tốt công tác cấp phát thẻ bảo hiểm y tế

28/07/2017 08:00 GMT+7

Thực tế cho thấy cần tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành để khắc phục những hạn chế, bất cập và thực hiện tốt hơn hoạt động cấp phát thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng,

Cấp phát thẻ BHYT số lượng lớn
Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, nhóm đối tượng tham gia BHYT được ngân sách nhà nước đóng bao gồm: người có công với cách mạng, cựu chiến binh; thân nhân của người có công với cách mạng; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, ngành BHXH đã phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB-XH trong việc lập danh sách, in và cấp phát thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác do ngân sách nhà nước đóng. Năm 2016, toàn tỉnh Đắk Lắk có đến 1.060.411 người thuộc đối tượng này được cấp thẻ BHYT với kinh phí gần 600 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm 2017 có 925.846 người được cấp thẻ (chiếm 66% số người có thẻ BHYT toàn tỉnh). Cùng với việc giao thẻ BHYT kịp thời, BHXH tỉnh cũng đã phối hợp với Sở Y tế triển khai khám chữa bệnh BHYT tại tất cả trạm y tế tuyến xã, tạo thuận lợi cho việc khám chữa bệnh của các đối tượng trên.
Ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Khai thác - thu nợ BHXH tỉnh Đắk Lắk, cho biết trong quy trình lập danh sách các đối tượng hưởng BHYT, các đơn vị BHXH cấp huyện đã chuyển danh sách của năm trước cho UBND các xã, phường, thị trấn để rà soát, đối chiếu; căn cứ tình hình thực tế có thể cắt giảm, bổ sung, sửa đổi danh sách. Cách làm này nhằm tiết kiệm thời gian, hạn chế sai sót khi nhập dữ liệu về đối tượng hưởng BHYT.
Tuy nhiên, theo ông Khánh, vẫn còn một số khó khăn trong hoạt động cấp phát thẻ BHYT. Đó là việc lập danh sách tại các xã, phường còn chậm, còn sai sót về họ tên, năm sinh, giới tính, thiếu ngày tháng sinh, nhiều nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Việc lập danh sách trùng lặp tuy có giảm nhưng vẫn còn hiện tượng một người nhưng lập danh sách nhiều đối tượng đề nghị cấp thẻ BHYT. Một số Phòng LĐ-TB-XH, UBND xã, phường sau khi nhận thẻ BHYT đã không chuyển đến tay đối tượng kịp thời, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đối tượng khi đi khám chữa bệnh.
Gia hạn sử dụng thẻ BHYT
Trung tuần tháng 7, tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa 9, một đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn về tình trạng cấp thẻ BHYT năm 2017 cho các đối tượng hưởng BHYT thuộc diện do ngân sách nhà nước đóng diễn ra chậm. Theo lý giải của ngành LĐ-TB-XH, việc cấp thẻ chậm trước hết do những nguyên nhân khách quan. Ông Lê Văn Dần, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk, cho biết năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện việc rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều theo hướng dẫn mới của Bộ LĐ-TB-XH. Tháng 9.2016, Bộ LĐ-TB-XH mới có hướng dẫn quy trình rà soát; theo đó ngày 13.10.2016, Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk có tờ trình và ngày 21.11.2016 UBND tỉnh ban hành kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; do đó việc xác định người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa kịp thời. “Có địa phương rà soát hộ nghèo kéo dài qua quý 1 năm 2017, kéo theo việc lập danh sách để cấp thẻ BHYT chậm, có trường hợp chậm hết quý 1”, ông Dần nói.
Mặt khác, theo ông Dần, một số địa phương thiếu quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong công tác rà soát hộ nghèo, lập danh sách chưa kịp thời để cấp thẻ trước ngày 31.12.2016 theo hướng dẫn của Sở LĐ-TB-XH. Trước tình hình đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ra văn bản cho phép đối tượng người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được gia hạn thẻ và sử dụng thẻ BHYT năm 2016 từ ngày 1.1.2017.
Về vấn đề này, ông Lê Xuân Khánh cho biết thêm, đến ngày 28.4.2017 Chính phủ mới có quyết định phê duyệt danh sách xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Do đó, các đối tượng có thẻ BHYT là người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được UBND tỉnh cho phép gia hạn sử dụng thẻ đến ngày 30.6.2017. Trong khi đó, đến tháng 7.2017, Chính phủ vẫn chưa phê duyệt danh mục các xã vùng khó khăn nên mới đây, UBND tỉnh cũng cho phép người dân tộc thiểu số vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được gia hạn sử dụng thẻ BHYT năm 2016 đến hết năm 2017. “Có những trường hợp người dân tộc thiểu số có thẻ BHYT vùng khó khăn phải chuyển lên tuyến trên ngoài tỉnh để khám chữa bệnh, cơ quan BHXH linh động cấp thẻ BHYT năm 2017 cho họ để thuận lợi trong các thủ tục thanh toán”, ông Khánh nói.
Tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp
Theo ông Khánh, do đối tượng tham gia BHYT được ngân sách nhà nước đóng chiếm tỷ lệ khá lớn trên địa bàn tỉnh nên việc cấp phát thẻ BHYT cho đối tượng này có nhiều ý nghĩa trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho một bộ phận quan trọng dân cư. Do đó, ông Khánh cho rằng để làm tốt công tác cấp thẻ, các xã, phường cần thực hiện đầy đủ hướng dẫn của cấp trên (BHXH tỉnh, Sở LĐ-TB-XH) về quy trình, thời hạn lập danh sách cấp thẻ; hạn chế sai sót, phối hợp tốt với cơ quan BHXH trong việc in ấn, cấp thẻ. Đồng thời, các ngành chức năng cũng cần đôn đốc đơn vị nhận thẻ BHYT tổ chức cấp phát kịp thời cho đối tượng thụ hưởng…
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trường, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk, cũng nhấn mạnh việc nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là UBND cấp xã, cơ quan chịu trách nhiệm rà soát, lập danh sách tham gia BHYT; cần đối chiếu thông tin khi lập danh sách và khi cấp thẻ BHYT để đảm bảo chính xác, đúng với các giấy tờ liên quan khi đi khám chữa bệnh. “UBND cấp huyện cũng cần quan tâm hơn nữa đối với công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và lập danh sách, cấp thẻ cho đối tượng. HĐND và UBND cấp huyện cần tăng cường giám sát, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND các xã, phường, thị trấn trong việc xác định và quản lý đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chính xác theo đúng hướng dẫn của ngành LĐ-TB-XH”, ông Trường đề nghị.
Ngoài ra, theo ông Trường, một giải pháp quan trọng khác là các ngành có liên quan cần tăng cường nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về BHYT để người dân hiểu rõ, kê khai kịp thời, chính xác thông tin.
Cẩn trọng, chính xác khi lập danh sách cấp thẻ BHYT
Liên quan ý kiến chất vấn của đại biểu HĐND về công tác cấp phát thẻ BHYT tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa 9 vừa qua, ông Y Biêr Niê, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã yêu cầu chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường chỉ đạo, giám sát việc thực hiện của cấp cơ sở về rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; lập danh sách đối tượng nhận thẻ BHYT do ngân sách nhà nước đóng. Ông Y Biêr Niê cũng lưu ý các địa phương khi lập danh sách cần tiến hành đối chiếu cẩn thận, chính xác; nhất là đối với người dân tộc thiểu số, vì chữ viết, cách đọc có thể khác nhau, gây nhầm lẫn; một người có thể sử dụng nhiều tên không trùng khớp với giấy tờ tùy thân…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.