Hành động thiết thực vì bà con vùng hạn mặn

06/05/2016 08:00 GMT+7

Hơn 600 kiệu chứa nước do Công ty TNHH Nhựa Miền Tây và Công ty CP Nhựa Cần Thơ trao tặng là món quà thiết thực giúp bà con vùng ĐBSCL giảm bớt khó khăn do thiếu dụng cụ trữ nước sạch trong mùa khô hạn năm nay.

Hành động thiết thực vì bà con vùng hạn mặn
Bà con xã Hòa Chánh, H.U Minh Thượng (Kiên Giang) vui mừng được nhận kiệu chứa nước Ảnh: Ánh Diệu
Hỗ trợ kịp thời
Chưa bao giờ người dân vùng ĐBSCL rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trầm trọng như năm nay. Tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang... người dân phải đi bộ vài ba cây số mang từng bình nước về xài; nhiều nơi phải mua nước ngọt với giá hơn 100.000 đồng/m3. Ở những vùng đặc biệt khó khăn, người dân còn thiếu cả dụng cụ chứa nước.
Thấu hiểu khó khăn của người dân, Công ty TNHH Nhựa Miền Tây và Công ty CP Nhựa Cần Thơ đã phối hợp Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ ĐBSCL phát động chương trình “Nhựa Miền Tây - Đong đầy yêu thương” tặng dụng cụ chứa nước cho bà con vùng bị ảnh hưởng hạn mặn. Khởi động từ đầu tháng 4.2016, chương trình đã tặng 210 kiệu chứa nước, 10 bồn chứa nước (dung tích 2.000 lít) cho bà con các huyện Giồng Trôm, Bình Đại và TP.Bến Tre (Bến Tre); 216 kiệu, 13 bồn chứa nước (1.500 lít/bồn) cho người dân TX.Vĩnh Châu và H.Trần Đề (Sóc Trăng). Trong 3 ngày 5 - 7.5, chương trình tiếp tục đến với bà con các xã thuộc 6 huyện của Kiên Giang; trong đó xã Lại Sơn (H.Kiên Hải) và Hòn Nghệ (H.Kiên Lương) là 2 xã đảo luôn trong tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. 260 kiệu chứa nước (dung tích 240 lít, trị giá 650.000 đồng/kiệu) đã được trao tận tay trong niềm hân hoan của bà con nơi đây.
Hành động thiết thực vì bà con vùng hạn mặn 2
Nhờ Công ty Nhựa Miền Tây, người dân xã Sơn Đông, TP.Bến Tre (tỉnh Bến Tre) có thêm dụng cụ chứa nước trong mùa khô hạn Ảnh: Ánh Diệu

“Tuy khó có thể giúp hết các hộ dân vùng hạn mặn nhưng chúng tôi hy vọng việc làm tình nghĩa này sẽ là món quà kịp thời giúp bà con có thêm dụng cụ chứa nước sạch, đảm bảo sinh hoạt hằng ngày” 

(Bà Cao Thị Tư - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhựa Miền Tây)

Ông Trần Văn Bích (69 tuổi, ngụ xã Hòa Chánh, H.U Minh Thượng, Kiên Giang) chia sẻ: “Mùa khô hạn năm nay đến sớm và kéo dài. Nhà tôi vừa thiếu nước vừa thiếu dụng cụ chứa nước, cách vài bữa phải đi mua bình nước 10 lít giá 10.000 đồng để dành uống và nấu cơm. Bởi vậy hay tin được nhận kiệu chứa nước, vợ chồng tôi mừng lắm”.
Đồng hành cùng hoạt động từ thiện
Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Công ty TNHH Nhựa Miền Tây đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm đa dạng của công ty đã đáp ứng kịp thời nhu cầu người tiêu dùng, gồm các ngành hàng công - nông - ngư nghiệp, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và một số ngành kinh tế khác như: thùng giữ lạnh, thùng tròn, thùng chữ nhật, xuồng nuôi tôm, pallet nhựa, bồn, tháp, thùng rác, lu, kiệu… Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu trực tiếp các vật tư, nguyên liệu, hóa chất, sản phẩm nhựa, kim loại, máy móc thiết bị, khuôn mẫu ngành nhựa... Với phương châm “Uy tín - chất lượng” cùng đội ngũ nhân viên nhiệt huyết, giàu kinh nghiệm, Công ty TNHH Nhựa Miền Tây đang chiếm phần lớn thị trường ở ĐBSCL. Các đại lý, cửa hàng của công ty có mặt khắp miền Nam. Bên cạnh đó, công ty còn mở rộng thị trường ra các nước như: Myanmar, Campuchia, Pakistan...
Hằng năm, công ty luôn trích một phần lợi nhuận cho hoạt động từ thiện nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình “Nhựa Miền Tây - Đong đầy yêu thương” dự kiến sẽ trao tổng cộng 1.000 cái kiệu và 50 bồn chứa nước với tổng kinh phí 815 triệu đồng cho bà con các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn mặn. Trước mắt đã trao cho hơn 600 hộ ở 3 tỉnh, thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành với bà con ở các tỉnh còn khó khăn khác.
Bà Cao Thị Tư, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhựa Miền Tây, cho biết: “Tuy khó có thể giúp hết các hộ dân vùng hạn mặn nhưng chúng tôi hy vọng việc làm tình nghĩa này sẽ là món quà kịp thời giúp bà con có thêm dụng cụ chứa nước sạch, đảm bảo sinh hoạt hằng ngày”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.