Hiệu quả phong trào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Đức Trọng

30/09/2019 10:54 GMT+7

Được thực hiện từ năm 2004, chương trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn H.Đức Trọng (Lâm Đồng) đã phát triển đến vùng sâu mang lại hiệu quả lớn giúp nhiều bà con ổn định sản xuất, phát triển bền vững.

Theo Phòng NN-PTNT H.Đức Trọng, qua các năm triển khai thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC), giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác của toàn huyện ngày càng được nâng lên đạt doanh thu khoảng 230 triệu đồng/ha/năm, riêng diện tích sản xuất NNCNC đạt gấp từ 2 - 4 lần, trong đó rau cao cấp đạt 300 - 500 triệu đồng/ha, hoa cao cấp từ 500 triệu - 1 tỉ đồng, cá biệt có một số mô hình đạt trên dưới 2 tỉ đồng. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp không chỉ ở khu vực trung tâm, mà còn cả vùng sâu, vùng xa, cả người Kinh lẫn người đồng bào đã vươn lên làm giàu, thậm chí trở thành tỉ phú từ việc sản xuất NNCNC.
Đến nay, trên địa bàn H.Đức Trọng có hơn 10.112 ha sản xuất NNCNC, tăng hơn 1.300 ha so với năm 2018; trong đó diện tích nhà kính trên 235 ha, nhà lưới hơn 151 ha và diện tích tưới ngoài trời trên 9.725 ha. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 42 doanh nghiệp, cá nhân được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ trong sản xuất rau với tổng diện tích được chứng nhận khoảng 480 ha. Bên cạnh đó, huyện còn có 4 đơn vị sản xuất rau được cấp chứng nhận Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành cho các sản phẩm rau, củ tươi, số lượng sản phẩm có sử dụng nhãn hiệu này ra thị trường khoảng 16.000 tấn/năm
Ông Lê Nguyên Hoàng, Phó chủ tịch UBND H.Đức Trọng, nhìn nhận: phát triển NNCNC là chủ trương đúng đắn, có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển KT-XH nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng tại địa phương. Doanh nghiệp và nông dân nhận thức được rằng NNCNC là tất yếu, là sự sống còn trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình NNCNC đã tạo sự lan tỏa trong tỉnh và vùng lân cận. Các ứng dựng khoa học công nghệ được áp dụng linh hoạt, năng động trong nông nghiệp đã tạo những chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp. “Qua triển khai chương trình NNCNC, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực thấy rõ, diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng đô thị hóa, xanh-sạch-đẹp, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đời sống người dân ngày càng được nâng cao”, ông Hoàng nói.
Sản xuất NNCNC ở H.Đức Trọng đã mang lại hiệu quả, xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập tiền tỉ

Sản xuất NNCNC ở H.Đức Trọng đã mang lại hiệu quả, xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập tiền tỉ

An Thạch

Cũng theo ông Hoàng, để phát triển NNCNC bền vững, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, đồng thời đẩy mạnh việc sản xuất gắn với phát triển bền vững về KT-XH và môi trường. Huyện tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển NNCNC theo Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 11.11.2016 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2025. Trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp và NNCNC, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế đầu tư, hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến sâu, phát triển công nghiệp phụ trợ. Tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng và phát triển 3 vùng sản xuất công nghệ cao: vùng rau xã Phú Hội, vùng hoa xã Hiệp An và vùng chăn nuôi bò sữa xã Hiệp Thạnh; phấn đấu đến năm 2020, các vùng này được tỉnh công nhận là vùng sản xuất NNCNC. Tăng cường công tác tuyên truyền và nhân rộng các mô hình sản xuất NNCNC tại địa bàn. Quan trọng hơn, phải tổ chức tốt mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, phổ biến rộng rãi thông tin về thị trường cho người dân, gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời quan tâm nghiên cứu tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Đẩy mạnh việc phát triển ngành chăn nuôi theo hướng tập trung, hình thành các trang trại gia súc, gia cầm, các trang trại công nghiệp, bán công nghiệp đảm bảo an toàn sinh học, chủ động phòng chống dịch bệnh một cách bền vững. Ngoài ra, việc vận động các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để giới thiệu và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cũng là khâu quan trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.