'Hung thần' lọt lưới

10/01/2020 04:49 GMT+7

Sau vụ việc chó Pitbull tuột xích cắn nát tay bà cụ 79 tuổi ở Quảng Nam, tôi thử tra Google với từ khóa: “Chó Pitbull cắn người”.

Kết quả trả về thật sửng sốt, chó Pitbull là thủ phạm gây ra hàng chục vụ tấn công đẫm máu, gây thương vong nặng nề nhất trong số hàng trăm vụ chó thả rông tấn công con người.
Gần đây, ngày 28.12.2019, tại TP.Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), con chó Pitbull suýt nữa cướp đi mạng sống của cháu bé 4 tuổi khi tấn công cắn thủng khí quản. Mẹ cháu cùng 2 người khác cũng bị cắn xé trọng thương, phải nhập viện cấp cứu. Nếu không có sự tiếp ứng, ngăn chặn của nhiều người hàng xóm khác, con chó Pitbull nặng gần 30 kg này chẳng khác nào sát thủ gây ra vụ thảm sát kinh hoàng.
Không chỉ mang đến những tai họa ở Việt Nam, trên thế giới, Pitbull là giống chó gây ra nhiều vụ tấn công gây trọng thương, chết người. Để kiểm soát, nhiều quốc gia đưa chó Pitbull vào danh mục vật nuôi nguy hiểm, có riêng quy định, đạo luật để theo dõi, giám sát ràng buộc trách nhiệm chủ nuôi. Cụ thể, tại Đức, chó Pitbull 7 tháng tuổi phải được gắn chíp theo dõi. Người nuôi bắt buộc phải trải qua khóa học kỹ năng nuôi chó dữ, việc chuyển nhượng mua bán cũng được kiểm soát chặt chẽ.
Trong đạo luật Thú và chim ở Singapore, Pitbull nằm trong số giống chó nguy hiểm bị hạn chế nuôi, vì có thể gây nguy hiểm cho chính người nuôi và cộng đồng. Đạo luật này quy định, mỗi nhà chỉ được nuôi 1 con chó Pitbull, nhưng đi kèm điều kiện phải mua bảo hiểm trị giá ít nhất 100.000 SGD (khoảng 1,7 tỉ đồng) để bồi thường khi con vật này gây thương tích cho người hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác. Còn ở nhiều quốc gia như Canada, Pháp, Anh, New Zealand, Phần Lan..., chó Pitbull hiện nằm trong số động vật bị cấm nuôi bởi bản năng hung dữ tự nhiên, đặc biệt nguy hiểm với con người.
Ở Việt Nam, chó, mèo được nhiều gia đình nuôi làm thú cưng trong các gia đình. Những loại vật nuôi này cũng có đầy đủ các quy định kiểm soát. Nhưng trớ trêu thay, thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, số người bị chó cắn tại Việt Nam vẫn tăng thêm trên 100.000 người mỗi năm. Các quy định hiện hành đều phân cấp việc quản lý đàn chó, tiêm phòng chó dại, kiểm soát chó thả rông… cho chính quyền địa phương. Nhưng qua kiểm tra của Bộ NN-PTNT ở nhiều địa phương, chính quyền cơ sở gần như không thực hiện.
Chính quyền địa phương thờ ơ đến nỗi trong một hội nghị giữa năm 2019, chính ông Đàm Xuân Thành, Cục phó Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), phải lên tiếng thừa nhận: “Cả nước chưa xử lý được trường hợp nào nuôi chó không đeo rọ mõm”.
Và có lẽ, đã đến lúc, cơ quan chức năng cần có quy định về điều kiện nuôi nhốt, thậm chí cấm nuôi một số loài chó hung hãn như các nước đã làm, để không còn lọt lưới các “hung thần”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.