Lo từ... trước lũ

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
24/10/2020 06:45 GMT+7

Nói trước lũ là trước các đợt lũ sau chứ thực ra, bây giờ mọi người đang giúp dân sau lũ. Một trận lũ lớn ở miền Trung và là trận lũ lịch sử của Quảng Bình .

Hôm qua, các nhóm trong đoàn công tác từ thiện xã hội của Báo Thanh Niên tiếp tục hòa vào dòng xe cứu trợ lũ lụt, đến các vùng thấp trũng nhất và chứng kiến một cảnh tượng chưa từng thấy: đoàn xe hàng trăm chiếc (có thể là cả nghìn) nối đuôi nhau, từ trung tâm TT.Kiến Giang của H.Lệ Thủy (Quảng Bình) đến các đường thôn, ngõ xóm nơi nước vừa rút gây nên cảnh... kẹt xe, tiến không được mà lùi cũng không xong. Mới thấy, tình cảm đồng bào cả nước đối với người dân miền Trung cao đẹp biết chừng nào.

Phải dùng xuồng phao tiền tỉ cứu trợ ở 2 thôn “nội bất xuất ngoại bất nhập”

Nhưng rồi, bình tĩnh lại, đứng xa để nhìn rõ nỗi đau do thiên nhiên gây ra, thấy có nhiều điều cần suy nghĩ lại, nếu không cảnh tượng này sẽ thành “điệp khúc” đau lòng.
Nếu như, tất cả nhân tài vật lực này tập trung giúp dân trước lũ thì mọi việc hẳn sẽ khác, chí ít là hạn chế bớt cảnh tích cóp cả đời trắng tay vì một trận lũ.
Giữa trận đại hồng thủy, người dân kê dần lên, nước vào thì kê lên cao hơn, kê mãi cho đến khi tháo ngói lên ngồi trên nóc, rồi nóc nhà cũng lút, tiếng kêu cứu dậy xóm làng.
Người ta bảo, không bao giờ được nói giá như, nhưng trong trường hợp này thì phải nói.
Lâu nay, chúng ta thấy rõ ràng hiệu quả của các nhà chống lũ và sinh hoạt cộng đồng, nhưng còn quá ít. Nếu chủ động huy động nhiều nguồn lực, để địa phương thấp trũng nào cũng có nhà chống lũ và chủ động di dân đến đó thì sẽ không còn cảnh tượng ngồi trên nóc nhà kêu cứu, việc cứu trợ cũng sẽ thuận lợi hơn.
Nhà chống lũ có thể xây dựng kết hợp trong trường học để bình thường là lớp học nhưng lũ đến thì là nơi dân đến trú. Tiện cả đôi đường.
Kêu cứu mà khó cứu là vì thiếu phương tiện. Đặt ra vấn đề trang bị thuyền bè, ca nô cho từng địa phương có cái trong tay mà chủ động điều hành thì việc cứu dân không phải là chuyện khó.
Vừa xong lũ, thấy rất nhiều đoàn cứu trợ đi phát áo phao. Rất tốt cho các đợt lũ sau. Nhưng nếu nó trở thành công việc thường xuyên trước lũ để lũ lụt dân có cái dùng thì tốt biết bao.
Ở một khía cạnh khác, chúng ta luôn nói “bất ngờ”. Lũ lụt miền Trung không bất ngờ, chỉ năm này cao hơn năm khác mà thôi. Nói “bất ngờ” thì coi như ta đã... thua.
Ví dụ, khi lên ướt hết lương thực, thực phẩm, áo quần, đói và rét. Vậy thì tại sao mỗi nhà không chuẩn bị các bao ni lông lớn, cho áo quần, chăn màn vào vài bao, cho đồ ăn vào vài bao... buộc lại để trong nhà. Nước lên thì bao nổi lên, vẫn khô ráo như thường. Có khó không? Không hề khó. Nhưng vì sao không làm? Là chủ quan. Là thiếu sự hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền của chính quyền, đoàn thể. Câu chuyện bắt đầu từ đấy.
Giúp người dân vùng lũ không chỉ là cái ăn, cái mặc vượt qua tình cảnh khó khăn hiện tại mà làm sao để họ vực dậy cuộc sống, sinh kế hằng ngày cũng như tránh những thảm cảnh lặp lại mỗi năm mưa bão đổ về.

Người dân vùng lũ Thừa Thiên-Huế: “Thiệt hại mùa màng ghê gớm quá. Khiếp! Chưa từng thấy”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.