Quà thiết thực cho vùng lũ

Hứa Xuyên Huỳnh
Hứa Xuyên Huỳnh
17/10/2020 16:21 GMT+7

Bàn chuyện chọn trao món quà gì thiết thực đối với đồng bào vùng lũ cũng là cách đặt vấn đề rất thiết thực ở thời điểm này, khi miền Trung không chỉ có 'lũ chồng lũ' mà cả 'bão chồng bão'.

Chuyến đi thuyền đầu tiên vào vùng lũ Hải Phong (Quảng Trị) sau bão số 6, PV Báo Thanh Niên ghi nhận cảm xúc vui sướng của nhiều người dân khi đón nhận những túi mì tôm, nước chấm, mì gói, gạo, muối... Lúc ấy, lũ dâng tứ bề, có tiền trên tay cũng không mua sắm gì được.
Đến vùng lũ Phong Điền, Hương Trà... (Thừa Thiên-Huế), chúng tôi dùng cả 100 triệu đồng của nhà hảo tâm tin cậy giao phó để mua lương thực, thực phẩm mang theo. Nhiều người dân ở P.Hương Văn (TX.Hương Trà) kể thật, sau 3 ngày ngập nước, họ đã phải kê bếp lên cao nấu ăn và nếu lũ ngâm thêm nhiều ngày nữa thì chưa biết lấy gì để dứt cơn đói...
Nhưng đó là chuyện của ngày 11.10. Không ai ngờ thời tiết cực đoan đến mức sau đó còn kéo dài thêm các đợt mưa đặc biệt lớn do ảnh hưởng bởi bão số 7, và áp thấp nhiệt đới sau đó.
Nhiều ngày bị chia cắt, nhu cầu được cứu trợ của đồng bào vùng lũ bắt đầu có chút thay đổi. Những gói thực phẩm, nhất là mì gói, đã có dấu hiệu “bội thực”.
“Đừng tặng mì tôm nữa!”, lời kêu gọi gửi đến các đội cứu trợ vùng lũ đang được cộng đồng mạng tranh cãi, nhưng dù kết quả thế nào thì đó cũng chứa đựng một phần sự thật. Và sự thật đó liệu có khiến những đoàn thiện nguyện suy nghĩ thêm?
Tính đến hôm qua, nhiều vùng lũ miền Trung đã bị lũ vây khốn hơn 1 tuần. Có nơi người dân đang rất cần gạo và tiền, nơi khác cần nước sạch... Sẽ rất khó tin khi xấp xỉ 1.600 hộ dân vùng trũng thấp Duy Vinh (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) đang không có nước sạch để dùng, phải hứng nước mưa để tắm giặt và mua nước đóng chai để uống. Đơn giản vì lũ đã gây hư hỏng hệ thống đường ống nước sạch.
Không phải ngẫu nhiên mà đã có người chịu khó liệt kê “danh mục” những thứ mà người dân vùng thiên tai miền Trung đang cần. Hãy tham khảo 7 món hàng được họ xếp theo thứ tự ưu tiên: áo phao, đèn pin; nước sạch; lương thực; thuốc men; sản phẩm vệ sinh cho phụ nữ, trẻ em; quần áo, chăn đắp, áo đi mưa...; vật liệu xây dựng.
Tinh thần tương thân tương ái của người Việt luôn “đẩy” những nhà hảo tâm lao về phía trước, đến với đồng bào đang gặp nạn một cách nhanh nhất. Có điều, tặng quà kịp thời đã quý, tinh ý lựa chọn quà tặng thiết thực càng quý hơn. Đã đến lúc phải phân định các giai đoạn cụ thể trong “lộ trình cứu đói”, có ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Ở nhiều vùng biệt lập, bây giờ đã qua mốc “ngắn hạn”. Có thể người dân đang ở giai đoạn “trung hạn”, cần tiền mua sắm, cần ngăn ngừa dịch bệnh sau lũ hơn là mì gói. Còn “dài hạn” chính là sinh kế bền vững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.