Sự bị động khó hiểu

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
23/09/2020 04:54 GMT+7

Năm học 2020 - 2021 đi qua đã gần 1 tháng, nhưng học sinh lớp 12 vừa học vừa ngóng thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học , cao đẳng.

Theo lộ trình đã vạch ra, từ năm 2020 - 2025 sẽ bắt đầu bước sang giai đoạn thay đổi về kỳ thi THPT và sau năm 2025, khi “lứa” học sinh đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới hoàn thành chương trình lớp 12 thì kỳ thi này sẽ thay đổi mạnh mẽ hơn nữa.
Năm học 2020 - 2021 đi qua đã gần 1 tháng, nhưng học sinh (HS) lớp 12 vừa học vừa ngóng thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng. Trên các diễn đàn dành cho HS, phụ huynh, ngày nào cũng có câu hỏi: “Không biết năm nay HS lớp 12 sẽ thi thế nào?”. Câu hỏi không đặt ra bâng quơ mà là sự nóng lòng mong có một câu trả lời chính thức, khi năm học chỉ còn 8 tháng nữa.
Nhiều giáo viên dạy lớp 12 cho biết kỳ họp phụ huynh đầu năm học, giáo viên như “gà mắc tóc” khi nhận được rất nhiều câu hỏi của cha mẹ HS về kỳ thi THPT năm nay ra sao, thay đổi thế nào.
Việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ tác động đến chính kỳ thi ấy. Hiệu trưởng một trường THPT danh tiếng ở Hà Nội cho biết, điều mà HS đặc biệt quan tâm không phải việc thi tốt nghiệp THPT thế nào bởi dù thi thế nào thì nguyên lý bám sát chương trình giáo dục hiện hành cũng không hề làm khó HS trong việc mang về tấm bằng tốt nghiệp. Mục tiêu quan trọng nhất mà nhiều HS và gia đình hướng tới là vào ĐH. Nếu kỳ thi này chỉ đơn thuần là thi tốt nghiệp THPT thì tuyển sinh ĐH sẽ ra sao, đặc biệt là những trường top trên? Nếu trường này đánh giá năng lực, trường kia phỏng vấn, trường nọ ra đề kiểm tra tư duy… để tuyển sinh thì HS phải có đủ thời gian, tâm thế để chuẩn bị cho từng “tình huống”.
Kỳ thi năm 2021 cũng đặt ra vấn đề sẽ thí điểm thi trên máy tính. Ai cũng hiểu muốn thi được trên máy thì không chỉ cần có đủ máy móc mà quan trọng hơn là HS phải được làm quen với cách thi trên máy. Đó là chưa kể những việc chuẩn bị “hậu cần” khác về hạ tầng kỹ thuật.
Còn nhớ, trong một cuộc họp bàn về đổi mới thi THPT sau năm 2020, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ GD-ĐT phải công bố phương án thi từ năm 2021 vào tháng 7.2020. Phương án ấy phải được chuẩn bị thật kỹ và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân trước khi trình Chính phủ. Phó thủ tướng khi ấy nhấn mạnh: “Thủ tướng sẽ không bao giờ phê duyệt, không bao giờ đưa ra lấy ý kiến trong Chính phủ khi Bộ GD-ĐT chưa hỏi ý kiến rộng rãi. Cá nhân tôi cũng không bao giờ đồng ý nếu như Bộ GD-ĐT chỉ xin ý kiến diện hẹp”.
Nhưng bây giờ sắp sang tháng 10, mọi thông tin về kỳ thi vẫn là “ẩn số” với chính chủ thể của kỳ thi ấy.
Lý do khách quan là dịch bệnh Covid-19 khiến các mốc thời gian năm học bị lùi lại, trong đó có kỳ thi năm 2020. Tuy nhiên, thời gian bắt đầu năm học mới không thay đổi và việc để HS lớp 12 đi học cả tháng trời nhưng vẫn chưa biết kỳ thi đặc biệt quan trọng của năm học này sẽ ra sao, là một sự bị động khó hiểu, như thể trò chơi ú tim.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.