Trách nhiệm với cộng đồng

13/08/2020 04:21 GMT+7

Một số người thiếu ý thức không tuân thủ quy định phòng chống dịch Covid -19, thậm chí công khai chống đối thì cần thiết phải xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật.

Trong buổi họp giao ban về công tác phòng chống dịch Covid-19 chiều 10.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nêu các giải pháp phòng chống dịch, trong đó đề cập đến việc xem xét xử lý hình sự đối với những người về từ vùng có dịch Covid-19 nhưng không khai báo y tế, khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly.
Ý kiến chỉ đạo này của lãnh đạo TP.HCM là rất cần thiết trong tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, thế giới và Việt Nam đang bước vào "làn sóng" lây nhiễm Covid-19 lần thứ 2.

Vắng vẻ, ế ẩm gần khu phong tỏa vì Covid-19 ở TP.HCM

TP.HCM hiện đã có một số ca nhiễm Covid-19 liên quan yếu tố Đà Nẵng nhưng chưa phát hiện được các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu thành phố không kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các vấn đề khác, từ đó ảnh hưởng chung lên kinh tế của cả nước.
Nhưng đây không chỉ là câu chuyện của TP.HCM mà còn là câu chuyện của bất kỳ địa phương nào trên cả nước.
Ở mọi nơi, mọi người chung tay cùng nhau phòng dịch, truy vết dịch bệnh, tập trung dập các ổ dịch mới xuất hiện. Thời gian qua, hầu hết người dân thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo từ cơ quan thẩm quyền. Tuy nhiên nếu một vài cá nhân, bộ phận, địa phương chính quyền nào chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch, một số người thiếu ý thức không tuân thủ quy định phòng chống dịch, thậm chí công khai chống đối thì cần thiết phải xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật. Tất cả chúng ta phải vì cộng đồng trong lúc khó khăn vì dịch bệnh đang xảy ra.
Theo Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 1.4.2020 thì dịch Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Do đó, trường hợp người đi từ vùng dịch về mà không khai báo y tế, không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước thì cơ quan thẩm quyền căn cứ khoản 2 điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có thể phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng; trường hợp có hành vi che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh thì theo khoản 2 điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế thì theo điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP sẽ bị phạt từ 2 - 10 triệu đồng.
Những người này nếu cơ quan thẩm quyền xác định hành vi của họ dẫn đến việc lây lan dịch bệnh thì sẽ bị khởi tố về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo điều 240 bộ luật Hình sự 2015. Tùy theo tính chất, mức độ mà hình phạt tù có thể lên đến 12 năm.
Căn cứ pháp lý chúng ta không thiếu. Xử lý nghiêm những trường hợp không khai báo y tế, khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly không chỉ là câu chuyện thượng tôn pháp luật mà còn là thái độ có trách nhiệm với cộng đồng của người thực thi công vụ.

Bản tin Covid-19 ngày 12.8: Lo ngại vì bệnh nhân 867 ở Hà Nội không rõ lây từ đâu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.