Tương phản

19/09/2020 07:16 GMT+7

Không tránh được liên tưởng tương phản giữa những chiếc áo xanh của 3 nhân viên quán Heaven (TP.Vũng Tàu) ném bao rác xuống biển với những chiếc áo xanh của nhiều thanh niên tình nguyện tham gia các chương trình hành động gìn giữ môi trường.

Đang có bao nhiêu người nỗ lực, và đang có bao nhiêu phá hoại những nỗ lực ấy? Nhiều người nỗ lực, nhưng chỉ cần một vài người phá hoại thôi, thì coi như công sức đổ sông đổ biển.
Và một tương phản nữa. Là giữa biển với vẻ đẹp cảnh quan được quán Heaven khai thác để làm ăn kiếm tiền mỗi ngày với biển mà chính quán này lại coi là “bãi rác” để sẵn sàng ném rác vô tội vạ xuống biển. Biển xinh đẹp mà quán dựa vào đó để có cơ hội kinh doanh, và biển xấu xí vì chính họ xả rác vô tội vạ xuống. Chẳng lẽ điều đơn giản nhất trong việc này họ không nhận thấy, là họ tự hủy hoại cơ hội làm ăn của chính mình?

Chủ quán Heaven Coffee và nhân viên thừa nhận ném rác xuống biển Vũng Tàu

Để rồi tương phản thứ ba kéo đến với họ. Một hành vi thiếu ý thức phải trả giá bằng một án phạt thích đáng: bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bị phạt tổng cộng 35 triệu đồng. Chưa kể, họ còn phải nhận lấy sự chỉ trích của cộng đồng, mà chắc chắn điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm ăn.
Tháng 12.2018, Việt Nam bị nêu tên trong top 4 các quốc gia xả rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới. Mà chắc chẳng riêng gì chuyện rác thải nhựa. Chuyện này không đơn giản là một nỗi buồn về thể diện quốc gia, mà phải được nhận biết là một chỉ báo về trình độ văn minh của một dân tộc.
Chưa biết ứng xử tốt với môi trường sống tức là còn chưa xứng đáng với văn minh nhân loại. Đường phố nhiều rác, ao hồ đầy rác, biển bập bềnh rác thì chớ có tự nhận rằng đã văn minh hơn, đã tiến bộ hơn. Thì chớ có nên nói đến chuyện đô thị thông minh. Chẳng có đô thị thông minh nào mà người dân lại không biết cách hành xử đúng với rác thải. Chẳng có giải pháp IoT (internet vạn vật) hay kịch bản công nghệ 4.0 nào mà có thể giải quyết được vấn nạn rác thải nếu thiếu sự tham gia có trách nhiệm của cư dân.
Vậy nên, với những tương phản trớ trêu giữa một bên là những nỗ lực không ngừng vì môi trường và một bên là những hành vi phá hoại môi trường thì không thể thiếu một tương phản khác trong giám sát của luật pháp môi trường. Là xử lý trừng phạt thật nặng, thật nghiêm khắc, thậm chí là phạt kiểu “knock-out” ngay đối với những hành vi cố ý phá hoại môi trường, dù đó có là một hành vi nhỏ trong sinh hoạt như ném một mẩu rác xuống đường. Và còn bao nhiêu quán ăn khác trên bè, thuyền… ở các điểm du lịch trên núi, thắng cảnh thiên nhiên... vẫn đang âm thầm xử lý rác kiểu này mà chưa bị phát hiện?
Không xử lý nghiêm những hành vi nhỏ thì tránh sao được chuyện phải đối mặt với vấn nạn môi trường vô phương cứu chữa!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.