Bán đảo Sơn Trà bị xâm hại, đàn voọc 'mất tích'

27/02/2016 20:00 GMT+7

Sau vụ 2 hộ dân ở Đà Nẵng tự ý phát rừng, mở đường vào vùng đệm tại tiểu khu 62, bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng), tung tích bầy voọc tại đây vẫn chưa được ngành chức năng ghi nhận.

Sau vụ 2 hộ dân ở Đà Nẵng tự ý phát rừng, mở đường vào vùng đệm tại tiểu khu 62, bán đảo Sơn Trà (TP.Đà Nẵng), tung tích bầy voọc tại đây vẫn chưa được ngành chức năng ghi nhận.

Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ - Ảnh: Hoàng SơnVoọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ - Ảnh: Hoàng Sơn
Là một trong những người phát hiện vụ phá rừng, ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) tỏ ra xót xa khi hàng ngày không thấy đàn voọc chuyền cành, tìm về kiếm thức ăn như trước.
Ông Vỹ rất lo lắng khi diện tích rừng tại bán đảo Sơn Trà dần bị thu hẹp và chịu quá nhiều tác động của con người. Dưới góc nhìn của một người làm công tác bảo tồn động vật quý hiếm, ông Trần Hữu Vỹ đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) lo ngại khi môi trường sống vo ọc đang bị thu hẹp - Ảnh: Hoàng SơnÔng Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) lo ngại khi môi trường sống vo ọc đang bị thu hẹp - Ảnh: Hoàng Sơn
- Vụ xâm hại rừng Sơn Trà vừa qua đã gây tác động thế nào đến đàn voọc, thưa ông?
Ông Trần Hữu Vỹ: Kết quả nghiên cứu của GreenViet và các tổ chức trong những năm qua, đặc biệt là từ tháng 12.2015 đến nay cho thấy, tại khu vực rừng vừa bị xâm hại có 7 đàn voọc với khoảng 75 cá thể chà vá chân nâu sinh sống.
Số cá thể này chiếm gần 1/3 tổng số cá thể voọc hiện có tại bán đảo Sơn Trà (khoảng 300 con). Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy khu vực tiểu khu 62 thuộc phía tây bắc bán đảo rất phù hợp cho đàn voọc cư trú với các yếu tố về thành phần thức ăn, vị trí hẻm sâu để tránh gió, ít bị tác động… Thông tin quan trọng này, GreenViet cũng đã báo lên các cơ quan chức năng của thành phố.
Vụ việc chặt phá rừng tại khu vực đã nói gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quần thể voọc mà cụ thể là 75 cá thể đã di chuyển đến nơi khác. Hiện chúng tôi vẫn chưa ghi nhận được đàn voọc quanh vị trí khu vực này và lân cận. Chúng tôi sẽ giám sát hành tung đàn voọc cũng như xác định lại thời điểm đàn voọc có thể sẽ trở lại.
Tôi khẳng định bất cứ tác động nào đến bán đảo Sơn Trà cũng có ảnh hưởng đến quần thể voọc nhưng ở các mức độ khác nhau. Bởi hầu hết các địa điểm ở bán đảo này đều là nơi cư trú cho bầy voọc chà vá. Sơn Trà cũng là nơi tốt nhất về vị trí địa lý lẫn công tác quản lý, bảo tồn nguồn gen quý, hiếm nên cần thiết phải có biện pháp bảo vệ sinh cảnh sống tại bán đảo.
“Nữ hoàng linh trưởng” đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của con người - Ảnh: Hoàng Sơn“Nữ hoàng linh trưởng” đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của con người - Ảnh: Hoàng Sơn
- Ngành chức năng đã có chủ trương giao gần 1.100 ha cho UBND P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà) tiếp nhận và giao khoán cho hơn 200 hộ dân. Việc giao rừng với diện tích lớn như vậy cho người dân liệu có ảnh hưởng đến môi trường sống của quần thể voọc?
Ông Trần Hữu Vỹ: Tôi không bình luận về việc đúng hay sai. Nếu việc quy hoạch rừng đã được làm kỹ và quy hoạch rừng ngoài rừng đặc dụng để giao cho P.Thọ Quang quản lý cũng là một hướng tốt bởi chính quyền địa phương cũng đại diện cho cộng đồng mà hướng giao rừng cho cộng đồng làm chủ dưới sự quản lý của nhà nước cũng là hướng khả thi hiện Việt Nam vẫn đang áp dụng một số nơi.
Theo tôi biết, số diện tích được bàn giao thuộc vùng vành đai thấp của vùng núi Sơn Trà. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu của GreenViet vùng vành đai thấp này là vùng đệm và cũng là nơi sinh sống của quần thể voọc chà vá chân nâu.
Làm gì thì làm nhưng cũng cần ưu tiên bảo vệ quần thể voọc quý hiếm trước. Là vùng đệm nhưng lại là nơi voọc thường lui tới. Và bảo vệ tốt vùng đệm thì sẽ giảm được tác động đến vùng lõi, nhất là các khu vực Suối Ôm, Tiên Sa, giúp bảo tồn tốt hơn đàn “nữ hoàng linh trưởng”.
“Nữ hoàng linh trưởng” đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của con người - 4
- Thưa ông, hiện quần thể voọc cư trú tại bán đảo Sơn Trà đang đối mặt với những nguy cơ gì?
Ông Trần Hữu Vỹ: Năm 2015, tại Sơn Trà xảy ra 2 vụ voọc bị bắn chết. Trong đó, GreenViet đã phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng 1 vụ vào ngày 2.9.2015, gần với vị trí xảy ra vụ phá rừng vừa qua. Hiện cơ quan hữu quan đang điều tra và vẫn chưa có kết quả. Những tác động chung của con người đến Sơn Trà đều là nguy cơ đe dọa đến sự tồn tại của quần thể voọc.
Thứ nhất, các tuyến đường giao thông, các dự án triển khai tại bán đảo hiện nay đang chia cắt sinh cảnh sống của đàn voọc khiến sự tách nhập đàn voọc gặp khó khăn. Theo đó, đàn voọc có khả năng thoái hóa gen vì giao phối cận huyết.
Các đàn voọc muốn qua lại buộc phải xuống đường dẫn đến nguy cơ tại nạn giữa người với voọc. Cách đây gần 1 tháng, một cá thể khỉ vàng đã bị xe cán chết. Sinh cảnh bị chia cắt cũng làm tăng nguy cơ mắc bẫy vì voọc vốn sống ở tầng tán buộc phải xuống đất để di chuyển. Năm vừa qua, Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà Ngũ - Hành Sơn đã tháo dỡ gần 2.000 dây bẫy.
 Lán trại được dựng phi pháp tại bán đảo Sơn Trà để phục vụ việc phá rừng - Ảnh: C.T.V Lán trại được dựng phi pháp tại bán đảo Sơn Trà để phục vụ việc phá rừng - Ảnh: C.T.V
Hiện nay, tại Sơn Trà có nhiều cơ sở kinh doanh như quán nhậu, cà phê… Khách du lịch tự do ra vào gây ồn ào cũng có nguy cơ gây căng thẳng cho đàn voọc, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chúng về lâu dài.
Bên cạnh đó, đàn voọc đang đối mặt với nguy cơ môi trường sống dần bị thu hẹp. Những ngày đầu thành lập Khu bảo tồn bán đảo Sơn Trà, diện tích rừng đặc dụng rộng hơn 4.400 ha thì nay chỉ còn gần 2.600 ha. Dần dần voọc không đủ không gian sống. Từ đó đặt ra câu hỏi, quy hoạch là đúng nhưng khi thực hiện, hành động cụ thể đã đúng hay chưa?
Tại khu vực xảy ra vụ phá rừng vừa qua có rất nhiều cây dược liệu. Theo đánh giá nhanh của GreenViet thì có đến 10 loại cây thảo dược sống dưới tán. Vậy trong quy hoạch và thực hiện cũng phải xét đến việc chặt cây gì, chặt ra sao và chặt như thế nào nữa, đó là chưa nói đến cần xem lại các loài cây hiện một số hộ khác trồng trên Sơn Trà vốn không phải cây rừng bản địa ở đây.
 Lực lượng chức năng tháo dỡ lán trại và yêu cầu ngừng hoạt động chặt phá rừng - Ảnh: C.T.V Lực lượng chức năng tháo dỡ lán trại và yêu cầu ngừng hoạt động chặt phá rừng - Ảnh: C.T.V
- Theo ông, công tác bảo tồn voọc ở Sơn Trà, việc cấp bách hiện nay là gì?
Ông Trần Hữu Vỹ: Theo tôi, việc cần nhất là cho ngành chức năng và các đơn vị có chuyên môn điều tra lại hiện trạng quần thể voọc chà vá chân nâu và môi trường sống của chúng tại bán đảo Sơn Trà.
Cùng với đó, thành phố cần thực hiện gấp quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương theo quy hoạch tổng thể của quốc gia. Ngoài ra, cần sớm xây dựng và đi vào thực hiện cơ chế đồng quản lý rừng và đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà để qua đó, các đơn vị như: kiểm lâm, UBND phường, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch, các đơn vị liên quan, đơn vị chuyên môn… phối hợp với nhau quản lý tốt hơn.
Công tác tuyên truyền cùng nhau bảo vệ “nữ hoàng linh trưởng” cũng phải được chú trọng. Voọc chà vá chân nâu cũng nên trở thành biểu tượng của thành phố môi trường mà Đà Nẵng đang hướng. Mới đây, Chủ tịch UBND TP đã có lời kêu gọi bảo tồn voọc chà vá chân nâu đã cho thấy, về mặt chủ trương là mong muốn bảo tồn loài. Vậy vấn đề là những đơn vị, cá nhân và người dân cần phải thực hiện tốt các biện pháp bảo tồn quần thể voọc, mà quan trọng nhất là ý thức của người dân phải được nâng lên. Để làm sao, Đà Nẵng là thành phố đáng sống cho con người nhưng cũng là nơi đáng sống của cả động, thực vật hoang dã nữa.
Đề nghị kỷ luật cán bộ kiểm lâm để rừng Sơn Trà bị xâm hại
Trước đó, trên Facebook đăng tải hình ảnh được cho là rừng tại bán đảo Sơn Trà – nơi cư trú của hàng trăm con voọc chà vá quý hiếm bị xâm hại. Sau khi nhận được thông tin, lực lượng Kiểm lâm TP.Đà Nẵng cùng lãnh đạo các Sở NN-PTNT, Văn phòng UBND TP đã kiểm tra.
Tại hiện trường, theo ghi nhận của ngành chức năng, đã có ít nhất 1.000 m2 rừng bị chặt hạ. Để phục vụ việc phát quang, 2 hộ dân Nguyễn Văn Tâm và Lê Việt Hồng (cùng trú tại P.Thọ Quang) đã tự ý mở đường dài 300 m, rộng 2 m để đi lại. Hai hộ dân này còn dựng lán trại để 8 công nhân trú lại phát rừng.
Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà) cho biết, hộ ông Tâm đã được lực lượng chức năng giao khoán 7 ha rừng. Sau đó, ông Tâm ủy quyền cho ông Lê Việt Hồng 4 ha để trồng cây. Số diện tích này thuộc 1.072 ha đất rừng đang được P.Thọ Quang tiếp nhận, quản lý.
“Chúng tôi đã yêu cầu 2 hộ dân trồng lại cây ngay tại lối đi đã phát quang. Phá chỗ nào thì trồng lại chỗ đó đồng thời phải di chuyển hết tất cả lán trại ra khỏi rừng. UBND phường còn đề nghị xử lý hành chính 8 lao động không đăng ký tạm trú. Nếu trong vòng 15 ngày, 2 hộ dân không khắc phục sẽ bị thu hồi hợp đồng giao khoán rừng”, ông Công nói.
Về trách nhiệm quản lý, ông Công cho biết: “Phường sai đến đâu sẽ chịu trách nhiệm đến đó”. “Tuy nhiên, trong sự việc này, trách nhiệm chính vẫn thuộc về cán bộ kiểm lâm địa bàn vì đã lơ là để xảy ra sự việc”, ông Công nói và khẳng định, đã đề nghị xem xét trách nhiệm đối với kiểm lâm địa bàn Đặng Văn Khoa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.