Phu đá

31/07/2009 14:53 GMT+7

Khai thác đá vôi ở các mỏ đá ngày càng rầm rộ. Để khai thác được đá là cả một quá trình nhọc nhằn mà không thể không nhắc đến những người thợ làm nghề khoan đá, nổ mìn.

Họ thường xuyên phải leo lên những vách núi đá dựng đứng mà ít khi có các vật dụng bảo hộ. Nhiều vụ tai nạn do lở đá, mìn nổ. Vì đồng tiền để lo cho cuộc sống hàng ngày họ vẫn bám trụ trên những núi đá cao ngất để làm việc.

Khổ sai  trên vách núi

Thạch Thành, Nông Cống, Đông Sơn là các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, nơi tập trung rất nhiều mỏ đá vôi đang trong quá trình khai thác để làm nguyên liệu sản xuất ximăng, làm vật liệu xây dựng, vật trang trí làm cảnh...

Qua 5km đường đất, dốc đến công trường khai thác đá vôi thôn Bái Đằng, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành, khó khăn lắm, chúng tôi mới thuyết phục được chủ khai thác đá để được đi theo tốp thợ lên núi.

Dẫn đầu đoàn thợ khai thác đá gồm bảy người là anh Hồ. Vừa đi anh vừa nói “Nghề này khổ lắm, không có sức khỏe và sự bền bỉ mà cứ cố leo lên vách núi thì chỉ có con đường chết mà thôi”.

Đường lên mỏ đá cheo leo, lởm chởm phủ đầy những mảnh đá sắc nhọn. Tôi mải nhìn đường để tránh những mẩu đá sắc lẹm, khi ngẩng đầu lên thì chắn ngang trước mặt là núi đá cao sừng sững, bị mìn đánh nham nhở. Những khối đá, những hàm ếch như chực lao xuống vùi lấp tất cả làm chúng tôi phải rợn người.

Đời bố mẹ mình làm phu đá, đến mình cũng thế thôi. Nhiều hôm, trời mưa to, đáng ra không được làm, nhưng nghỉ một ngày là không có tiền tiêu, con cái lại không có cơm ăn - Chị Lê Thị Huệ ở khu vực núi Vức (Đông Sơn) làm nghề bốc đá năm năm, tâm sự
Muốn khai thác được đá từ núi thợ phải trèo lên các vách núi cheo leo, cao vút bằng dây thừng. Sau đó phải tìm những khối đá chồi ra để khoan lỗ, dụng cụ dùng để khoan là máy khoan được đấu điện trực tiếp từ mặt đất lên. Tiếp theo, nhét thuốc nổ và kíp nổ vào hốc đá.

Xong xuôi, đặt thuốc nổ tìm chỗ nấp an toàn và ra hiệu cho phía dưới làm nhiệm vụ kích kíp nổ. Sau tiếng nổ “đùng... oàng” như trời giáng, đất đá bay tứ tung xuống chân núi thành các khối lớn nhỏ lẫn lộn.

Thuốc nổ được những thợ tự gói để áng chừng trọng lượng cho phù hợp với mỗi lần phá đá nên khó hiểu rõ được sức công phá của nó. Anh Bùi Văn Hải là thợ đặt và kiêm gói thuốc nổ  trần tình: “Chúng tôi cũng chỉ gói thuốc theo kinh nghiệm thôi. Mua thuốc nổ là do chủ thầu mỏ đá tự mua về”.

Tại mỏ đá Bái Đằng có chín phụ nữ chuyên ôm vác, đội đá lên xe, 12 nam làm nhiệm vụ nổ và đập đá. Bụi đá quyện cùng mồ hôi nhễ nhại phủ lên những khuôn mặt cháy đen vì nắng. Thi thoảng, có ai đó kêu lên “ái, ố” vì những mảnh đá nhọn đâm vào vai, vào đầu khi đội đá lên xe.

Chị Bùi Thị Mai, chuyên đội đá, than thở: “Chúng tôi phải đội từng thúng đá nặng từ 6 giờ sáng đến 11 giờ và chiều làm từ 13 giờ 30 đến 17 giờ. Mỗi ngày kiếm được 40 – 45 nghìn đồng”.

Dễ bị tử thần  gọi

Những người làm nghề đá luôn quan niệm “mình đã lấy nghề đá để kiếm miếng cơm nuôi sống bản thân nên có chết vì đá cũng đành chấp nhận. “Tai nạn nhiều, chết cũng lắm nhưng đói thì vẫn phải liều”, ông Phạm Văn Đa, thợ khai thác đá thở dài. 

 Làm việc cật lực cả ngày chỉ được hơn bốn chục nghìn đồng

Làm việc cật lực cả ngày chỉ được hơn bốn chục nghìn đồng

Anh Lê Văn Minh, thợ chuyên đặt thuốc mìn nổ đá đã 18 năm gắn đời mình vào nghiệp đá, tâm sự: “Có trường hợp đang khoan, trượt chân rơi từ độ cao 25 - 30 m xuống”.

Làm cái nghề này không nói trước được điều gì. Anh Bùi Văn Thành ở thôn Đồng Hương (Thạch Thành) được coi là bậc thợ cao trong nghề. Chỉ một sai sót nhỏ trong khi khoan, anh Thành phá trúng mạch đá. Dưới sức ép của mìn, khối đá 50 m3 rời ra, kéo tuột anh xuống.

Anh Lê Văn Việt, xã Hoàng Sơn (Nông Cống) chuyên khoan đá, đặt dây cháy chậm để kích cho mìn nổ phá đá. Trong một lần làm việc, anh châm lửa cho dây cháy chậm. Quá thời gian cháy mà đá vẫn chưa nổ. Tưởng hỏng, anh lại gần kiểm tra.  Không ngờ, do hốc khoan sâu, dây cháy chậm nên, vừa đến nơi kiểm tra thì mìn nổ. Đá bắn văng làm rách bụng, phải khâu gần 30 mũi.

Việc dưới chân núi, như khuân, vác đá, khênh đá, cũng nguy hiểm không kém. Hồi tháng 5/2009, tại khu vực núi Giàn, xã Đông Tân (Đông Sơn), chị Doãn Thị Hồng ở làng Đại Từ, xã Đông Thịnh, trong lúc đang đội đá lên xe thì bị đá rơi từ trên xuống trúng người, tử vong.

Khó khăn, nhọc nhằn, nguy hiểm là vậy, nhưng các ông chủ thuê lao động đều phớt lờ việc bảo hiểm lao động cho công nhân. Thay vì hợp đồng bằng văn bản theo quy định của pháp luật, nhiều ông chủ chỉ hợp đồng miệng với lao động.

Nếu không may xảy ra sự cố đáng tiếc, gia đình người xấu số sẽ chỉ nhận được khoản tiền đền bù khoảng từ 15 đến 20 triệu đồng. Hầu hết lao động làm nghề này đều tự bằng lòng vì ở miền núi rất ít ruộng, có làm cũng không đủ ăn.

Không có công ăn việc làm, họ vẫn phải bám vào đá để mưu sinh. Nhiều người do trình độ học vấn thấp, thậm chí không có học hành gì, coi đây là một nghề để tồn tại.

Khai thác đá hiện nay còn quá tự do, chính quyền địa phương ít khi can thiệp nên các ông chủ mỏ đá cứ tự do tung hoành khai thác bừa bãi, công nhân làm việc một cách thủ công và không trang bị các thiết bị bảo hộ trong quá trình lao động. Vì thế, những cái chết từ nghề  khai thác đá vẫn luôn rình rập, đe dọa tính mạng của rất nhiều người tại các bãi đá.

Đã đến lúc cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban ngành để có sự cảnh báo kịp thời và phổ biến các biện pháp bảo đảm an toàn lao động cho công nhân tại các mỏ đá.

Theo Xuân Thủy / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.