Vụ tham ô tại Agribank Bến Thành: 'Phù phép' 23.600 chỉ vàng vào túi riêng

20/03/2017 14:07 GMT+7

Phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản, đưa, nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Agribank Bến Thành bước vào phần xét hỏi các bị cáo.

Sáng 20.3, phiên tòa xét xử vụ án tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Agribank) Bến Thành, TP.HCM bước vào phần xét hỏi các bị cáo.
Liên quan 23.600 chỉ vàng (tương đương gần 50 tỉ đồng) mà bị cáo Nguyễn Thị Hoàng Oanh, nguyên Giám đốc Agribank Bến Thành rút ra từ ngân hàng để mua căn nhà trên đường Trần Quang Khải (Q.1, TP.HCM) làm phòng giao dịch nhưng lại giao cho con gái là Đoàn Thị Như Thiên đứng tên chủ sở hữu, chủ tọa hỏi bị cáo Oanh: “Bị cáo mua nhà làm trụ sở chi nhánh có xin ý của ai?”, bị cáo Oanh trả lời: “Có xin chủ trương của ông Nguyễn Thế Bình, lúc đó là tổng giám đốc”.
“Chủ trương được duyệt chưa?”, chủ tọa hỏi tiếp. “Dạ chưa, nhưng khi thực hiện thì được đồng ý bằng miệng”, bị cáo Oanh trả lời. Chủ tọa truy: “Bị cáo lấy tiền ra bằng cách nào?”, Nguyễn Thị Hoàng Oanh khai dùng bảy hồ sơ đứng tên các người thân trong gia đình đưa vào ngân hàng, rồi rút tiền ra. Oanh thừa nhận bảy hồ sơ này đều ký khống, chỉ có đăng ký trên hệ thống ngân hàng, không có tài sản thế chấp và cũng không có ai ký duyệt.
Lấy tiền ngân hàng mua nhà rồi cho… thuê lại!
Thủ quỹ ngân hàng chỉ biết thu và chi (?!)
Sáng 20.3, HĐXX cũng đã xét hỏi Bùi Công Tiến, nguyên thủ quỹ Agribank Bến Thành, về việc lấy vàng ra từ ngân hàng ra như thế nào. Bị cáo Tiến nhiều lần trả lời “chỉ biết thu và chi” và cho rằng mọi việc đều do cán bộ tín dụng lập hồ sơ.
Chủ tọa, thẩm phán Lê Thị Minh Ngọc, gay gắt: “Quy trình thủ tục không đúng thì làm sao bị cáo chi tiền, bị cáo nói không biết thì làm sao chấp nhận được. Bị cáo làm thủ quỹ bù nhìn à?”.
Liên quan đến căn nhà trên đường Trần Quang Khải mà Oanh làm trụ sở phòng giao dịch Viễn Đông, Chủ tọa phiên tòa hỏi: "Tại sao lại do con gái bị cáo đứng tên, rồi cho ngân hàng thuê lại với giá 5.800 USD/tháng?”. Bị cáo Oanh lúng túng, khai vòng vo khiến chủ tọa nhiều lần gay gắt yêu cầu trả lời vào thẳng câu hỏi. Oanh cho biết do lúc đó chỉ mới chủ trương miệng nên bị cáo phải để con gái đứng tên, riêng tiền cho thuê thì chuyển trả vào ngân hàng trả nợ.
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa hỏi: “Bị cáo lấy vàng từ ngân hàng ra mua trụ sở rồi đưa con gái đứng tên có ai ở ngân hàng biết không?”. Bị cáo Oanh khai “không ai biết”. Chủ tọa cho gọi đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hỏi: “Việc bị cáo Oanh khai làm 7 hồ sơ khống rút 23.600 chỉ vàng mua trụ sở có chủ trương của ngân hàng, đúng không?”. Vị đại diện ngân hàng trả lời :“Không đúng”
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về số tiền 300 triệu đồng rút ra từ ngân hàng để cho con gái đi du học ở Singapore, bị cáo Oanh nói không hề hay biết việc đó, chỉ khi đóng tiền trả nợ mới biết. Chủ tọa chất vấn bị cáo Hồ Đình Thanh, nguyên cán bộ phòng kế hoạch - kinh doanh Agribank Bến Thành: “Bị cáo có biết khoản tiền này không?”. Bị cáo Thanh khai có biết là rút ra cho con của “sếp” vay, mặc dù không có tài sản thế chấp nhưng “con của sếp nên tin tưởng cho vay, bị cáo nể nang”.
Chủ tọa cho rằng tất cả các khoản tiền rút từ ngân hàng nói là để mua trụ sở theo chủ trương hay cho vay vàng nhưng phải trả bằng tiền để hưởng chênh lệch, thậm chí cả tiền cho con du học, cuối cùng đều là những khoản tiền “lọt” vào túi cá nhân của bị cáo.
Chiều cùng ngày phiên tòa tiếp tục xét hỏi các bị cáo
Xét xử vụ tham ô tại Agribank Bến Thành: Tiền ngân hàng “lọt” vào túi riêng như thế nào ? 1
Các bị cáo trong vụ án tham ô Agribank Bến Thành tại phiên xét xử chiều 17.3 Ảnh: V.H.Q.
Liên quan đến các thỏa thuận vay vàng nhưng sẽ nhận thực tế trả bằng VND, tòa hỏi Lê Văn Tính, nguyên giám đốc Công ty TNHH Kim Gia Thảo: “Vay nợ vàng nhưng thỏa thuận nhận bằng tiền với tỷ giá thấp hơn thực tế 2 triệu đồng/lượng vào thời điểm đó, bị cáo có biết không?”, Tính trả lời “không biết, khi cơ quan điều tra bắt mới biết”.
Theo cáo trạng, bị cáo Oanh đã hưởng lợi tổng cộng hơn 24,6 tỉ đồng bằng hình thức thỏa thuận nêu trên để giúp Tính vay được vốn, lấy được tài sản của ngân hàng.
Tòa hỏi cơ quan điều tra cáo buộc bị cáo tội đưa hối lộ, bị cáo thấy sao? Bị cáo Tính nói hoàn toàn không có căn cứ nhưng lại lý giải “vì cá nhân tôi với ngân hàng thỏa thuận”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.