“Đại địa chấn” lừa đảo ở Công ty Alibaba Trung Quốc

24/02/2011 07:49 GMT+7

Thị trường kỹ thuật cao của Trung Quốc chao đảo sau vụ từ chức vì để xảy ra bê bối gian lận của hai lãnh đạo trang web Alibaba.com, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc. Sự kiện này đang tác động xấu đến tập đoàn có hơn 56 triệu khách hàng ở 240 quốc gia trên toàn thế giới này.

Trang web của Alibaba ngày 22-2 cho biết tổng giám đốc điều hành Vệ Triết và giám đốc kinh doanh Lý Húc Huy đã đệ đơn xin từ chức nhận trách nhiệm khi để hơn 100 nhân viên kinh doanh dưới quyền tác oai tác quái bằng cách phớt lờ nguyên tắc xác minh tư cách của 2.326 nhà cung cấp, ngầm hỗ trợ nâng cấp cho họ lên mức “nhà cung cấp vàng” (tức có độ tin cậy cao cho khách hàng).

Các “nhà cung cấp vàng” này đa số bán hàng điện gia dụng với giá rất thấp nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng toàn cầu. Thực chất họ lại là những nhà cung cấp giả, bởi sau khi nhận được đơn đặt hàng và tiền thanh toán thì biến mất. Khách hàng phản ứng không nhận được hàng hóa sau khi đã đặt hàng và thanh toán cho các nhà cung cấp này.  “Thật oái oăm khi toàn bộ các “nhà cung cấp vàng” này đều là lừa đảo” - một nhân viên của công ty nói.

Tạp chí The Economist cho biết cuộc điều tra nội bộ đã bắt đầu từ cuối năm 2009, sau khi tập đoàn này nhận được 2.300 thư phản ảnh của khách hàng là họ bị lừa đảo, không nhận được hàng hóa sau khi đã đặt hàng và thanh toán cho các nhà cung cấp qua trang web Alibaba.

Thật ra, ngay từ đầu năm 2008, nhiều lời cảnh báo đã được đưa ra song bị phớt lờ. Tạp chí Corporate Counsel dẫn lời ông Jason Brueschke, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu truyền thông và Internet châu Á, đã cảnh báo cấp bậc “nhà cung cấp vàng” mà Alibaba đưa ra thực chất chỉ tạo ra một công cụ để trục lợi hơn là tạo ra một mạng lưới an toàn cho người mua.

Ngay sau khi hai lãnh đạo của Alibaba từ chức ngày 22-2, giá cổ phiếu của tập đoàn đã sụt 9% và hiện lỗ 2,8 triệu USD. 100 nhân viên kinh doanh của Alibaba đã bị cho nghỉ việc. Ông Mã Vân, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Alibaba, cho biết 2.326 nhà cung ứng giả đã bị đóng cửa, đồng thời chuyển vụ việc cho cơ quan tư pháp Trung Quốc điều tra.

Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm của Nhân Dân Nhật Báo, nhận định đây là một bài học lớn cho Trung Quốc khi đã để xảy ra quá nhiều vụ bê bối “đồ giả” ở nước này trong nhiều năm qua, và các doanh nghiệp thường đặt tiêu chí lợi nhuận lên hàng đầu thay vì chữ tín và chất lượng sản phẩm phục vụ khách hàng.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.