Điện thoại Trung Quốc 'gây sốt' thị trường châu Phi

21/06/2021 06:27 GMT+7

Nhiều hãng điện thoại Trung Quốc đang tìm cách tranh giành thị phần ở lục địa đen bằng các sản phẩm có giá phải chăng và đáp ứng thị hiếu của người bản địa.

Theo SCMP, trong khi smartphone tung hoành khắp thế giới, điện thoại "cục gạch" truyền thống vẫn được ưa chuộng ở châu Phi. Theo công ty nghiên cứu IDC, điện thoại kiểu cũ của Transsion chiếm hơn 3/4 tổng số điện thoại được bán ra trong quý đầu năm nay, bỏ xa Nokia (8,1%) và Stylo (1,7%). Còn các mẫu smartphone của Transsion chiếm 44,3% thị phần châu Phi, tiếp theo là Samsung (22,9%), Oppo (8,3%).
Trước đợt IPO năm 2019, Transsion gần như vô danh ở Trung Quốc. Transsion gia nhập thị trường châu Phi vào năm 2008 với văn phòng đầu tiên ở Nigeria và đến năm 2017, công ty đã vượt qua Samsung để trở thành hãng điện thoại di động số 1 ở lục địa đen, với các dòng điện thoại như Tecno, Infinix và Itel.
Huawei và Xiaomi cũng là những "ông lớn" ở châu lục này nhưng có hàng chục công ty Trung Quốc như Gionee, Oukitel, X-Tigi, Ulefone và iBRIT cũng đang để mắt đến châu Phi.
Trong bối cảnh đó, Transsion vẫn tiếp tục cung cấp những sản phẩm phù hợp về giá cả lẫn chất lượng, do đó có thể tiếp cận nhiều phân khúc người tiêu dùng và vượt trội hơn so với các đối thủ khác. Bên cạnh giá cả phải chăng, thời lượng pin dài, điện thoại Transsion còn có nhiều khe cắm thẻ SIM để chuyển đổi giữa các nhà mạng di động, giúp tiếp kiệm chi phí.
Henry Tugendhat - nhà phân tích chính sách tại Viện Hòa bình Mỹ cho rằng Transsion phổ biến ở châu Phi vì giá cả phải chăng và có chiến lược tiếp cận bản địa hóa. Theo Tugendhat, công ty đã bán nhiều loại smartphone khác nhau ở mức trên và dưới 100 USD, đầu tư rất nhiều vào khâu nghiên cứu và phát triển bản địa hóa.
Tugendhat phân tích: "(Huawei) gia nhập thị trường Kenya vào đầu những năm 2010 với IDEOS - điện thoại Android đầu tiên được bán với giá 100 USD và là một thành công lớn đối với họ. Tuy nhiên, sau đó Huawei tập trung tiếp thị sản phẩm nhắm vào phân khúc cao cấp như Apple và Samsung, rồi bị lệnh trừng phạt của Mỹ giáng đòn nặng".
Tugendhat nêu quan điểm: "Tôi thấy thú vị khi một thị trường kinh tế bị kiểm soát như Trung Quốc lại sản sinh hàng loạt hãng điện thoại với nhiều mức giá và tính năng phù hợp với các quốc gia đang phát triển, trong khi đó nền kinh tế thị trường tự do của Mỹ chỉ có Apple là thương hiệu quốc tế thành công".

HarmonyOS ra mắt, Huawei liệu có thăng hoa trong cuộc sống không Android?

Về trường hợp Huawei, Tugendhat nhận xét: "Khi các thị trường phương Tây tiếp tục chặn các sản phẩm của Huawei, tôi chắc chắn rằng thị trường châu Phi sẽ quan trọng hơn đối với họ". Dẫu vậy, Huawei chưa có khoản đầu tư đáng kể nào ở khu vực này, mà chỉ mới đầu tư vào các văn phòng kinh doanh.
Peter Wanyonyi - nhà phân tích công nghệ người Kenya cho rằng Trung Quốc sẽ còn thống trị thị trường Kenya nói riêng và châu Phi nói chung trong nhiều thập kỷ tới.
Wanyonyi nhận định: "Các thương hiệu phương Tây không thể cạnh tranh về giá. Ví dụ, những chiếc điện thoại giá rẻ nhất của Apple hay Motorola có giá cao gấp nhiều lần mức lương trung bình của người Kenya. Samsung thì phải thăng hạng để cạnh tranh với Apple nên có rất ít sản phẩm phân khúc bình dân và không có nhiều tính năng tốt bằng các mẫu điện thoại Trung Quốc ở cùng tầm giá".
Wanyonyi cũng cho rằng các hãng điện thoại Trung Quốc sẽ tiếp tục hướng đến thị trường châu Phi vì khu vực này có dân số đông, đông hơn toàn bộ Liên minh châu Âu (EU). Do đó Trung Quốc sẽ tìm cách giúp những người dân ở đây truy cập vào mạng di động bằng điện thoại của Trung Quốc, sử dụng mạng do công ty viễn thông Trung Quốc cung cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.