Hãng chip lớn nhất Trung Quốc thua xa đối thủ quốc tế

Thu Thảo
Thu Thảo
07/08/2019 18:42 GMT+7

Theo các nhà phân tích thế giới , công nghệ mới của nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc vẫn chậm hơn vài năm so các đối thủ toàn cầu.

Đánh giá về Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) của Trung Quốc được đưa ra khi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới nỗ lực hết sức để thu hẹp khoảng cách về mặt sản xuất công nghệ với Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan. Đặc biệt, Trung Quốc muốn tăng khả năng tự cung chất bán dẫn vì chiến tranh thương mại với Mỹ ngày càng tăng tiến.
SMIC là một hãng đúc chip, chuyên tạo chip do nhiều công ty khác thiết kế. Đối thủ của SMIC là những cái tên lớn như Samsung và Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC).
Chính phủ Trung Quốc đặt chất bán dẫn làm rường cột chính trong kế hoạch Made in China 2025, sáng kiến nhằm thúc đẩy đất nước sản xuất sản phẩm có giá trị cao hơn. Quốc gia Đông Á nhắm mục tiêu sản xuất 70% chất bán dẫn cần dùng vào năm 2025 và Bắc Kinh đang rót hàng tỉ USD tiền đầu tư để hoàn thành mục tiêu này.
Không những thế, gần đây Mỹ còn liên tiếp đe dọa nhiều hãng công nghệ chủ chốt của Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei Technologies. Huawei bị cấm mua linh kiện, công nghệ Mỹ. Trung Quốc vì thế càng quyết tâm mài giũa ngành công nghiệp chip quốc nội, các nhà phân tích nhận định.
Song khi SMIC công bố kết quả kinh doanh của quý 2/2019, hãng gây ngạc nhiên khi trượt xa phía sau nhiều đối thủ. Hãng phân tích Fubon Research của Đài Loan cho biết: "SMIC vẫn thua các hãng đầu ngành vài năm với cải thiện lợi nhuận hạn chế".
Lý do cho quan điểm này xuất phát từ loại chip mà SMIC chỉ mới bắt đầu sản xuất, đó là chip 14 nanomet (nm). Thiết kế chip kiểu này là thứ mà Samsung cùng TSMC đã làm nhiều năm qua. Cả hai hãng giờ đây đều sản xuất chip 7 nm, nhỏ và mạnh hơn so với chip 14 nm. Hãng phân tích China Renaissance ước tính SMIC thua TSMC 17 quý khi xét về mặt chip 14 nm và 16 nm.
Nếu các hãng chip Trung Quốc không thể sản xuất chip theo kích cỡ mới nhất thì nhiều công ty công nghệ như Huawei phải tìm đến hàng ngoại. Đơn cử, dòng vi xử lý Kirin chuyên dùng cho smartphone của Huawei có thiết kế 7 nm và do TSMC sản xuất.
Chất bán dẫn là ngành đòi hỏi đầu tư, tài năng lẫn chuyên môn lớn để thực hiện. Giới doanh nghiệp Trung Quốc cần vượt qua nhiều trở ngại để thách thức đối thủ nước ngoài. Dù vậy, các nhà phân tích vẫn cho rằng SMIC có thể bắt kịp đối thủ nhờ một số yếu tố.
Yếu tố đầu tiên là tốc độ nhỏ dần của chip đang chậm lại, giúp SMIC phần nào dễ dàng thu hẹp khoảng cách. Yếu tố thứ hai là SMIC có đồng CEO là cựu sếp nghiên cứu và phát triển tại TSMC, ông Liang Mong Song. Từ khi đầu quân cho SMIC hồi năm 2017, ông tích cực giúp hãng Trung Quốc sử dụng công nghệ mới.
Hiện 16% chất bán dẫn dùng ở Trung Quốc được sản xuất trong nước và chỉ 50% trong số chất bán dẫn "made in China" là do công ty Đại lục sản xuất. Tỷ lệ này trong tương lai có thể thay đổi. Năng lực sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc đang tăng với tốc độ nhanh nhất thế giới dù phải ít nhất một thập niên nữa, Trung Quốc mới thu hẹp được khoảng cách với các nước đầu ngành trên toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.