Hàng chục startup không gian Trung Quốc tham vọng làm tên lửa, vệ tinh

Thu Thảo
Thu Thảo
30/04/2019 10:47 GMT+7

Trung Quốc có đến hơn 15 nhà sản xuất tên lửa tư nhân. Các hãng này đang hướng đến mục tiêu kinh doanh hệt như nhiều doanh nghiệp quốc tế khác: Đưa các vệ tinh nhỏ, giá rẻ vào quỹ đạo với chi phí phải chăng.

Theo Reuters, trong thử nghiệm ban đầu của loại tên lửa tái sử dụng cao 8,1 mét, các kỹ sư của LinkSpace, startup không gian trẻ nhất Trung Quốc sử dụng dây buộc Kevlar để đảm bảo nó quay về an toàn. Tuy nhiên nguyên mẫu NewLine Baby cất cánh và hạ cánh thành công hồi tuần trước. Đây là lần thứ nhì trong hai tháng, tên lửa nhỏ “made in China” làm được điều này.
NewLine Baby hay RLV-T5 nặng 1,5 tấn, dài 40 mét. Nó quay trở lại bệ phóng sau 30 giây. CEO LinkSpace Hu Zhenyu và các kỹ sư rất vui mừng với thành tích này. LinkSpace là một trong hơn 15 nhà sản xuất tên lửa tư nhân Trung Quốc. Hãng xem bước phát triển trên là một trong nhiều bước đi đầu tiên hướng đến mô hình kinh doanh mới: Phóng vệ tinh nhỏ, không đắt đỏ vào quỹ đạo với chi phí phải chăng.
Nhu cầu “vệ tinh nano”, với một số vệ tinh nặng dưới 10 kg và có kích thước của một hộp đựng giày, được dự báo bùng nổ trong nhiều năm tới. Các doanh nhân tên lửa Trung Quốc cho rằng không có nơi nào tốt hơn để phát triển phương tiện phóng rẻ tiền như là nước họ. “Với các khách hàng quỹ đạo thấp, họ tập trung vào nghiên cứu khoa học và một số ứng dụng thương mại. Sau khi bước vào quỹ đạo thấp, sự tập trung ngắn hạn của khách hàng chắc chắn nằm ở tên lửa”, ông Hu cho hay.

Tham vọng như Mỹ

Hình ảnh mô phỏng tên lửa trên Facebook của hãng OneSpace Ảnh: OneSpace
Trong ngắn hạn, giới doanh nghiệp Đại lục hình dung các chùm vệ tinh thương mại “khủng” để cung cấp từ dịch vụ internet tốc độ cao cho đến dịch vụ theo dõi các chuyến vận chuyển than trên toàn cầu. Nhiều trường đại học tiến hành thí nghiệm và nhiều hãng đang tìm cách cung cấp dịch vụ viễn thám, truyền thông là hai trong số nhiều khách hàng tiềm năng trong nước cho “vệ tinh nano”.
Một số hãng tên lửa nhỏ Mỹ cũng phát triển hệ thống phóng để đón đầu đợt bùng nổ phóng vệ tinh. Đơn cử, Rocket Lab, một trong các hãng lớn nhất ở mảng này, đến nay đã đưa được 25 vệ tinh vào không gian. Tại Trung Quốc thì chưa có công ty nào làm được thế. Từ tháng 10.2018 đến giờ chỉ mới có LandSapce và OneSpace thử phóng song đều thất bại. Tình hình này thể hiện khó khăn mà các startup không gian phải đối mặt ở khắp nơi.
Các hãng Trung Quốc tiếp cận vấn đề bằng nhiều hướng khác nhau. Một số, chẳng hạn như OneSpace, thiết kế tên lửa đẩy dùng một lần và rẻ tiền. LinkSpace thì tham vọng làm tên lửa tái sử dụng, có thể quay về mặt đất sau khi phóng hàng lên không gian, hệt như loại tên lửa Falcon 9 mà SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk đang có.
“Nếu bạn là doanh nghiệp nhỏ và bạn chỉ có thể làm tên lửa rất, rất nhỏ vì chỉ có nhiêu đó tiền, thì biên lợi nhuận của bạn sẽ rất hẹp. Song nếu bạn lấy tên lửa nhỏ đó và làm cho nó tái sử dụng được, bạn có thể phóng một lần mỗi tuần, bốn lần mỗi tháng, 50 lần mỗi năm. Tần suất càng cao, lợi nhuận càng tăng”, nhà phân tích Macro Caceres tại hãng tư vấn vũ trụ Teal Group cho hay.
Ông Hu của LinkSpace chia sẻ rằng sau này, doanh nghiệp của ông sẽ tính phí hơn 30 triệu nhân dân tệ, tương đương 4,48 triệu USD, cho một lần phóng. Đây là con số nhỏ so với mức từ 25-30 triệu USD cần cho hệ thống Northrop Grumman Innovation Systems Pegasus thường được dùng để phóng tên lửa nhỏ.

Khát vốn

Hình ảnh phóng của Zhuque-1, tên lửa thất bại trong đợt phóng thử Ảnh: Youtube
LinkSpace có kế hoạch tiến hành thử nghiệm phóng lên quỹ đạo thấp của Trái đất bằng cách dùng tên lửa có khả năng phục hồi lớn hơn trong nửa đầu năm sau. Hãng kỳ vọng lên được độ cao 100 km, rồi thực sự phóng lên quỹ đạo Trái đất vào năm 2021. Hiện LinkSpace đang trong vòng gọi vốn thứ ba và muốn nhận được đến 100 triệu nhân dân tệ. Trước đây, hãng đã nhận hàng chục triệu nhân dân tệ vốn đầu tư.
Sau đợt tăng vốn tài trợ năm ngoái, các hãng như LinkSpace đẩy mạnh sản xuất bản nguyên mẫu tên lửa, lên lịch thử nhiều hơn và thậm chí đề xuất phóng thực trong năm nay. Năm ngoái, đầu tư vốn vào các startup không gian Trung Quốc đạt 3,57 tỉ nhân dân tệ, tương đương 533 triệu USD, theo FutureAerospae. Con số trên chiếm khoảng 18% tổng tiền đầu tư vào startup không gian toàn cầu trong năm 2018, vốn đạt tầm 2,97 tỉ USD.
“Chi phí cho các hãng tên lửa thường cao song số tiền họ cần, dù là vài trăm triệu, vài chục triệu hay vài triệu phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của công ty”, Niu Min, nhà sáng lập FutureAerospace, cho hay. Công ty này đã rót hàng chục triệu nhân dân tệ vào LandSpace ở Bắc Kinh.
Như nhiều startup không gian tại các nước khác, thách thức trước mắt của các doanh nhân vũ trụ Trung Quốc là phát triển tên lửa an toàn, đáng tin cậy. Tài năng phát triển tên lửa có thể được tìm thấy tại các viện nghiên cứu nhà nước hoặc trong quân đội Trung Quốc. Bắc Kinh trực tiếp hỗ trợ các hãng tư nhân bằng cách cho phép họ phóng từ các cơ sở do quân đội kiểm soát.
Chế tạo tên lửa là ngành có rủi ro cao. Một đợt phóng không thành công có thể “giết chết” một doanh nghiệp. Tuy nhiên tại Trung Quốc, giới doanh nghiệp gần nhau không chịu áp lực lớn quá mức. Đơn cử, LandSpace thất bại trong đợt phóng Zhuque-1 lên quỹ đạo vào tháng 10.2018, song nhận được ngay 300 triệu nhân dân tệ tiền vốn thêm để phát triển tên lửa Zhuque-2 một tháng sau đó.

Sản xuất vệ tinh

Hình ảnh mô phỏng vệ tinh nano Ảnh: Geospatial World
Không ít nhà thầu quốc phòng Trung Quốc cũng nỗ lực thâm nhập thị trường phóng giá rẻ. Tháng 12.2018, China Aerospace Science and Industry Corp (CASIC) phóng thành công vệ tinh truyền thông vào quỹ đạo thấp. Đây là vệ tinh đầu tiên trong số 156 vệ tinh mà CASIC đặt mục tiêu triển khai đến năm 2022 để cung cấp kết nối băng thông rộng cho nông thôn nước nhà và nhiều quốc gia đang phát triển.
Vệ tinh này có tên Hongyun-1, được phóng trên tên lửa do China Aerospace Science and Technology Corp (CASC) cung cấp. CASC là nhà thầu vũ trụ lớn của Đại lục. Đầu tháng này, học viện China Academy of Launch Vehicle Technology (CALVT), công ty con của CASC, hoàn thành thử nghiệm động cơ cho Dragon, tên lửa đầu tiên của Trung Quốc chỉ dùng cho mục đích thương mại. Động thái này dọn đường cho chuyến bay thử đầu tiên được lên lịch diễn ra trước tháng 7.
Dragon lớn hơn nhiều so với loại tên lửa mà các hãng tư nhân đang phát triển. Nó cũng được thiết kế để chở nhiều vệ tinh thương mại. Đến nay, Trung Quốc có tổng cộng 35 hãng tư nhân nỗ lực để sản xuất thêm vệ tinh.
Đơn cử, Spacety, nhà sản xuất vệ tinh có trụ sở ở phía nam tỉnh Hồ Nam, có kế hoạch đưa 20 vệ tinh lên quỹ đạo trong năm 2019. Một trong các đợt phóng sẽ phục vụ khách hàng nước ngoài đầu tiên. Doanh nghiệp chỉ mới phóng được 12 vệ tinh trên các tên lửa do nhà nước sản xuất từ khi khởi động vào đầu năm 2016.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.