Sẽ có cuộc đua không gian mới giữa Mỹ và Trung Quốc?

Thu Thảo
Thu Thảo
16/01/2019 16:30 GMT+7

Trung Quốc vừa trở thành nước thứ ba trên thế giới hạ cánh tàu thăm dò trên Mặt trăng đầu tháng này. Quan trọng hơn, họ trở thành nước đầu tiên đưa tàu thăm dò lên vùng tối của Mặt trăng.

Theo Channel NewsAsia, khả năng hạ cánh ở mặt tối của Mặt trăng (bán cầu Mặt trăng luôn quay lưng lại với Trái đất) là thành tựu kỹ thuật đúng nghĩa, và là điều mà cả Nga và Mỹ đều không theo đuổi.
Tàu thăm dò Chang’e-4 là biểu tượng của sự phát triển và khả năng của chương trình không gian Trung Quốc. Nó cũng có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và mối quan hệ giữa các cường quốc toàn cầu. Hiện chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét cạnh tranh toàn cầu trên không gian và cả tương lai hoạt động thám hiểm không gian.
Một trong các động lực chính của chính sách vũ trụ Mỹ thời gian qua là cạnh tranh với Nga, đặc biệt là trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh. Nếu Trung Quốc cũng liên tiếp thành công như thế, liệu Mỹ có bước vào cuộc đua vũ trụ mới hay không?

Thành tựu không gian Trung Quốc

Bắc Kinh xem chương trình không gian hàng tỉ USD của nước nhà là biểu tượng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc Ảnh: AFP
Như Nga và Mỹ, Trung Quốc lần đầu tham gia vào hoạt động không gian trong quá trình phát triển tên lửa đạn đạo hồi thập niên 1950. Quốc gia Đông Á tự mình phát triển chương trình không gian dù có hưởng một số hỗ trợ từ Liên Xô. Họ phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1970, song chương trình không gian con người đầu tiên thì bị hoãn để tập trung vào các ứng dụng vệ tinh thương mại.
Năm 1978, cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trình bày rõ chính sách không gian quốc gia, lưu ý rằng với tư cách nước đang phát triển, Trung Quốc không tham gia vào cuộc đua vũ trụ. Thay vào đó, họ nỗ lực tập trung vào các phương tiện phóng và vệ tinh, bao gồm vệ tinh thông tin liên lạc, viễn thám và khí tượng.
Trung Quốc cho hay trạm vũ trụ của nước này mở cửa cho tất cả các nước Ảnh: AFP
Song hướng đi này không có nghĩa là Trung Quốc không quan tâm đến sức mạnh mà nỗ lực không gian có thể tạo ra. Năm 1992, họ kết luận rằng việc có trạm không gian sẽ là dấu hiệu uy tín lớn trong thế kỷ 21. Từ đây, chương trình vũ trụ gồm con người được thiết lập, dẫn đến sự phát triển của tàu vũ trụ Thần Châu. Phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc là Yang Liwei lên vũ trụ năm 2003. Tổng cộng, sáu nhiệm vụ Thần Châu đã đưa 12 phi hành gia vào quỹ đạo thấp của Trái đất. Trong số này, hai người đến trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc là Tiangong-1.
Ngoài các chuyến bay có con người, Trung Quốc cũng thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học như Chang’e-4. Nhiệm vụ Mặt trăng đầu tiên của nước này là Chang’e-1, quay quanh Mặt trăng vào tháng 10.2007, còn một chiếc xe tự hành thì hạ cánh ở Mặt trăng năm 2013. Tương lai, Đại lục có kế hoạch lập trạm không gian mới, căn cứ trên Mặt trăng và thực hiện nhiều nhiệm vụ đưa mẫu về, có thể là từ sao Hỏa.

Cuộc đua không gian mới?

Chiếc rover Jade Rabbit-2 chạy ở vùng tối của Mặt trăng hôm 3.1 Ảnh: AFP
Điểm đáng chú ý nhất trong chương trình không gian Trung Quốc, đặc biệt khi so sánh với các chương trình đầu tiên của Mỹ và Nga, là tốc độ chậm và ổn định. Vì tính bí mật xung quanh nhiều khía cạnh của chương trình không gian, khả năng chính xác của nước này vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, chương trình không gian Trung Quốc có thể sánh ngang với nhiều nước lớn.
Đại lục có thể hiện ở mặt ứng dụng quân sự. Năm 2007, nước này thực hiện thử nghiệm chống vệ tinh khi phóng tên lửa từ mặt đất để phá hủy một vệ tinh thời tiết hư. Hoạt động này thành công nhưng tạo ra đám mây mảnh vụn trên quỹ đạo, tiếp tục đe dọa nhiều vệ tinh khác.
Trong báo cáo về quân đội Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết chương trình không gian quân sự đang trưởng thành nhanh chóng. Bất chấp có khả năng, Mỹ vẫn không tham gia vào bất cứ quan hệ hợp tác đáng kể nào với Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia. Thực tế, Mỹ có luật năm 2011 cấm liên lạc chính thức với các quan chức không gian Trung Quốc.
Hình ảnh rover của tàu thăm dò Mặt trăng Chang'e-4 Ảnh: AFP
Liệu đây có là điểm báo hiệu cuộc đua không gian mới giữa Mỹ và Trung Quốc hay không? Nhà nghiên cứu chính sách không gian Wendy Whitman Cobb, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Cameron (Mỹ), cho rằng câu trả lời là vừa có, vừa không. Một số quan chức Mỹ, trong đó có thư ký điều hành của Hội đồng Vũ trụ Quốc gia Mỹ Scott Pace, lạc quan một cách thận trọng về tiềm năng hợp tác đôi bên và không cho rằng có cuộc đua mới sắp mở ra.
Nhà lãnh đạo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Jim Brindenstine mới đây gặp gỡ người đứng đầu chương trình không gian Trung Quốc tại Hội nghị Hàng không Vũ trụ Quốc tế ở Đức để thảo luận về những mảng mà Trung Quốc và Mỹ có thể làm việc cùng nhau. Dù vậy, yếu tố quân sự gia tăng trên không gian có thể đẩy cao quan hệ cạnh tranh. Mỹ dùng mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga để lập luận cho việc thành lập nhánh quân sự độc lập mới là Space Force.
[VIDEO] Hình ảnh thực tế tàu Hằng Nga 4 đáp xuống cung Hằng
Cạnh tranh có thể có lợi cho tiến bộ công nghệ. Cuộc đua vũ trụ đầu tiên từng chứng minh rằng khả năng khám phá vũ trụ lớn hơn có thể đem lại nhiều lợi ích và kiến thức về vũ trụ chúng ta đang sống. Do đó, không phải toàn bộ kết quả của việc Trung Quốc nổi lên trong cuộc đua không gian mới sẽ là tiêu cực, chuyên gia Cobb kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.