Có hay không việc dằn mặt người tố chạy án?

16/08/2016 08:25 GMT+7

Trong một vụ án nhạy cảm khi có dính líu đến việc tố chạy án thì việc tòa tăng nặng hình phạt đối với bị cáo không khỏi khiến công luận bức xúc: Có hay không một sự dằn mặt?

Ngày 10.8, sau hai ngày xét xử, tòa phúc thẩm TAND TPHCM đã bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt của Mai Thị Ngọc Vân (30 tuổi), chấp nhận yêu cầu của bị hại tăng hình phạt từ 9 tháng lên 4 năm tù đối với Vân về tội “Cố ý gây thương tích”.
Theo cáo trạng, cha của Mai Thị Ngọc Vân có mâu thuẫn với ông Hân hàng xóm. Một buổi chiều, trong lúc quay tấm bạt che mưa, ông Hân cố tình đập tay quay vào dàn cây cảnh trước sân nhà Vân. Hai bên cự cãi, ông Hân giữ tay Vân để con mình là Việt hành hung cô.
Em trai Vân chạy ra đánh Việt để giải cứu chị mình. Ngày hôm sau, ấm ức, Vân nhặt cây củi tìm Việt đánh trả thù. Anh trai Việt can ngăn thì bị Vân đập cây vào đầu ngất xỉu.
Cha con ông Hân làm đơn tố cáo Vân về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Vân bị toà Tân Bình xử phạt 9 tháng tù. Vân kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì nuôi con nhỏ.
Quá trình TAND TP HCM thụ lý hồ sơ vụ án theo thủ tục phúc thẩm, nữ thư ký tòa được cho là đã liên hệ với Vân và đề nghị "chạy" cho Vân được hưởng án treo với giá 85 triệu đồng. Sau nhiều lần thỏa thuận, trưa 14.7, nữ thư ký tòa cho Vân số điện thoại của chồng mình và hẹn đến ngã ba Hoàng Văn Thụ - Lê Văn Sĩ giao tiền. Vân báo cảnh sát bắt chồng của nữ thư ký kia.
Thành thật, khi đọc trên mặt báo chuyện thư ký toà bị tố chạy án, tôi bỗng nhớ đến ánh mắt ngơ ngác đầy vẻ không tin nổi của một vị luật sư khi tôi từ chối phong bì dày cộp mà anh đặt trước mặt tôi ngày tôi còn là cô thư ký toà.
Cách đây không lâu, luật sư Võ An Đôn đã làm mếch lòng giới luật sư khi khẳng định có nhiều luật sư giàu nhờ chạy án. Nhưng chúng ta chẳng ai có thể phủ nhận nạn chạy án là một thực trạng nhức nhối trong nền tư pháp nước nhà.
Quay ngược trở lại vụ án cô Vân. Là một cựu thư ký toà, tôi có thể dám khẳng định rằng thư ký không hề có quyền năng gì đối với số phận của một bản án. Bởi, trước khi phiên toà diễn ra, thư ký chỉ có nhiệm vụ nghiên cứu và đề xuất án, tham mưu cho thẩm phán và tại phiên toà chỉ có mỗi nhiệm vụ ghi biên bản phiên toà. Nghĩa là, thư ký tham mưu là một chuyện còn quyết định như thế nào lại nằm trong tay của thẩm phán chủ toạ.
Thành thử thư ký có gan trời cũng không dám hồ đồ mà hứa hẹn với bị cáo mức án như thế nào.
Tất nhiên, với bối cảnh hiện tại rất khó lòng làm rõ vai trò của thẩm phán trong việc chạy án này khi thư ký Nhung rồi sẽ phải đứng mũi chịu sào với mức kỉ luật mà chưa hề có dấu hiệu gì ngoài việc đình chỉ công tác để rộng lòng dư luận.
Còn số phận của cô Vân trong vụ án này đã không còn là cô Vân của một vụ mâu thuẫn giữa những người hàng xóm nữa mà đã trở thành số phận của một người dân vượt qua mọi sợ hãi khi tố cáo việc chạy án. Bởi sau cùng, cô đã phải nhận trái đắng khi từ 9 tháng tù giam tại phiên toà sơ thẩm bị đẩy lên 4 năm tù và em cô cũng vướng phải vòng lao lý từ đây.
Tất nhiên tại phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử có thể dựa vào hồ sơ vụ án mà ra quyết định giảm hay tăng hình phạt thậm chí hủy bản án sơ thẩm. Nhưng trong một vụ án nhạy cảm khi có dính líu đến việc tố chạy án như thế này thì điều đó không khỏi khiến công luận bức xúc có hay không một sự dằn mặt, bởi rõ ràng dựa vào tình tiết vụ án thì đây là một phán quyết quá mạnh tay.
Thực hiện Nghị quyết số 49- NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp lấy Toà án làm trọng tâm, năm 2016 là năm đánh dấu những bước ngoặt trong việc cải cách tư pháp ở nước ta biểu hiện ở việc thay đổi ghế ngồi của luật sư khi tham gia tranh tụng và đề xuất chú trọng thay đổi trang phục của Hội đồng xét xử.
Có lẽ đã đến lúc ngành toà án cần phải minh chứng sự trong sạch của mình bắt đầu từ vụ án này bởi một chiếc áo không thể làm nên thầy tu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.