Ai tội nghiệp nhất khi Sài Gòn chìm trong nước?

05/10/2016 06:00 GMT+7

Tôi nghĩ đến cảnh những đứa trẻ co ro chờ cha mẹ tới đón ở trường học. Chúng sợ hãi, chỉ mong cha mẹ tới ngay để rồi lại cùng dầm mưa trên những tuyến đường mênh mông nước và ngập khói thải của xe máy, ô tô.

Tôi đi làm tin về ngập nước. Ban đầu cũng cố xắn quần ngang gối với mong muốn vớt vát được chút khô ráo, rồi cơn mưa càng nặng hạt dai dẳng hơn nên cần gì phải xắn nữa, ướt hết rồi.
Thấy tôi lội bì bõm giữa dòng nước, anh bạn đồng nghiệp chạy tới hỏi: “Anh ơi. Áo anh có còn chỗ nào khô không cho em mượn lau ống kính máy ảnh với. Đi làm ngập lúc này đối với phóng viên, áo khô, giẻ khô là quý nhất”.
Tôi ưỡn ngực về phía anh ta bảo: “Chỗ này còn khô nè”. Anh ta đưa ống kính vào lau lau mấy cái và không quên nói lời cảm ơn. Sau khi lau ống kính, áo tôi cũng giống như thành phố này…chẳng còn chỗ nào khô.
Tôi tiếp tục lội nước dưới đường, đứng giữa dải phân cách, leo lên nóc xe tải để ghi lại những khoảnh khắc khốn khổ của người dân vì ngập nước và kẹt xe, cho đến khi nước mưa thấm từng giọt qua tiếng kêu “lạch cạch” yếu ớt của màn trập, máy ảnh tắt lịm, không thèm hoạt động nữa vì…bị “cảm lạnh”. Điện thoại cảm ứng thì vuốt mãi chẳng mở được màn hình vì nước mưa rơi vào chẳng kịp khô.
Khi đó, tôi thấy tội nghiệp cho tôi. Ai đời lại đi chọn cái nghề chi mà lạ rứa?!.
Tôi đứng lại. Nhìn thật kỹ những nét nhăn trên khuôn mặt của những người dân đang cố lóp ngóp dắt xe di chuyển từng mét qua khỏi vũng ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Có người bị té ngã, bì bõm, chới với giữa dòng nước đen ngòm. Gần đó là dòng người đang ngồi trên xe máy bất động, ken đặc giữa đường hàng giờ vì kẹt xe không thể di chuyển, mặc cho nước cứ rơi lã chã trên những chiếc áo mưa tả tơi. Quán xá đóng cửa im ỉm vì ngập nước không thể buôn bán. Nhà nhà hối hả đắp bao cát, tát nước…
Tôi thấy tội cho người dân. Thấy thương cho số phận của họ khi phải mưu sinh ở thành phố hiện đại bật nhất cả nước này.
Tôi không dầm mưa nữa, tôi nép vào mái hiên một nhà cao tầng và đứng trú mưa với vài anh tài xế đang vứt xe ngoài đường.
Tôi vui vẻ cho anh tài xế mượn điện thoại để gọi điện về nhà và nghe rõ anh ta nói với vợ mình: “Em đến trường đón con. Mưa lớn, nước ngập, anh bị kẹt ở đường Nguyễn Hữu Cảnh rồi, chắc phải 2 - 3 tiếng nữa mới về được nhà. Em nhớ tìm cách đến đón con, chứ bắt con ngóng tội nghiệp lắm”.
Lúc này, tôi nghĩ đến cảnh những đứa trẻ đang ngồi chồm hổm trên băng ghế trong trường học, bên dưới nước chảy lênh láng. Tôi mường tượng đến những đứa học sinh đang dõi ánh mắt ngóng trông, xuyên qua cổng trường hé mở để chờ đợi cha mẹ đến đón. Những đứa trẻ đang sợ hãi và chỉ mong ba mẹ tới ngay để rồi lại cùng cha mẹ mình dầm mưa trên những tuyến đường mênh mông nước và ngập ngụa mùi khói thải của xe máy, ô tô.
Và trong một ngày mà người ta ví von chuyện ngập nước, kẹt xe ở Sài Gòn bằng những câu từ kiểu như: “TP thông minh ngập trong nước”, “Sau bao năm chống ngập thì Sài Gòn chỉ còn một điểm ngập duy nhất là…ngập toàn TP”... thì tôi thấy thương cho hàng nghìn đứa trẻ như thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.