Tết ta đâu có tội!

25/01/2017 06:01 GMT+7

Những ngày qua, các diễn đàn mạng râm ran tranh luận chuyện tết ta.

Nhiều người cho rằng việc tranh luận hiện có 3 xu hướng chính: nên bỏ Tết Nguyên đán, chỉ đón tết dương lịch như Nhật Bản; không bỏ, chỉ gộp chung với tết tây; giữ nguyên "hiện trạng" tết.
Bên nào cũng đông đảo, có đủ thành phần. Từ giáo sư, tiến sĩ, nhân sĩ, doanh nhân, nghệ sĩ đến tiểu nông, tiểu thương, sinh viên và phó thường dân. Phe nào cũng nêu ra đủ thứ dẫn chứng để thuyết phục người đọc. Xem ra, ý kiến nào cũng có lý nhưng chưa đủ buộc người nghe ‘’tâm phục, khẩu phục’’.
Theo tôi, diễn đàn đang chia thành 3 bên. Chưa bên nào dám đề xuất bỏ hẳn tết ta, mà chỉ đề nghị gộp chung tết tây. Ngược lại, bên kia chủ trương, bằng mọi giá, phải giữ được tết ta. Bên trung dung, trong đó có tôi, chủ trương, không bỏ cũng không gộp, mà phải thay đổi và cách tân cho phù hợp.
Bên đề xuất gộp tết ta vào tết tây, dựa theo ý kiến của GS - TS Võ Tòng Xuân, cách đây cả chục năm. Ông cho rằng Tết Việt Nam là theo lịch Trung Quốc với nhiều tập quán cổ truyền, bất lợi như “mất cơ hội nắm bắt ngay thời cơ kinh doanh, giao thương với nước ngoài. Mất thời giờ của nông dân lo chăm sóc lúa đông-xuân, vụ lúa tiềm năng cao nhất trong năm. Gượng ép thời khóa biểu học tập và thi học kỳ của sinh viên học sinh, làm cho họ mất cả 2 tuần lễ học hành. Dân chúng nhậu nhẹt, bài bạc dưới nhiều hình thức, rất tốn kém tiền của và thời gian học tập, tổn hại sức khỏe và tính mạng. Lãng phí ngày làm việc trong khi quốc tế nghỉ tết tây”.
Hiện nay chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam là còn giữ tết âm lịch trong khi các nước khác chuyển tết truyền thống theo dương lịch. Điển hình là Nhật Bản, một trong số những quốc gia giàu nhất thế giới, đã chuyển tập quán ăn tết của Nhật sang ăn tết theo dương lịch từ năm 1872 - 19 năm sau khi hạm đội Mỹ tiến vào hải cảng Edo (bây giờ là Tokyo) năm 1853. Nhiều nước châu Âu khác cũng ăn tết theo dương lịch từ đầu thế kỷ 16 và những thế kỷ tiếp.
Ủng hộ quan điểm này, nhà văn Tuệ Nghi cho rằng: "Chúng ta chọn đất nước giàu mạnh hay cố chấp giữ truyền thống để cứ ngậm ngùi nhìn các quốc gia khác vượt mặt chúng ta hàng thập kỷ? Trên lý thuyết, tết là sum họp, là tình thân và cũng có người cho rằng tết cổ truyền là hồn của dân tộc, tết còn thì dân tộc Việt mới còn".
Tôi không nghĩ vậy, cá nhân tôi cho rằng nếu đã sống có tình thì 365 ngày trong năm đều tình nghĩa với nhau, đều sum họp với nhau chứ cần gì nhân danh tết để bày mâm cao cỗ đầy? Hồn ở dân tộc vốn dĩ nằm ở sự thịnh vượng, sự phát triển vượt bậc về kinh tế, sự hội nhập khéo léo về văn hoá cũng như chuẩn mực trong đạo đức, lối sống của con người. Hà cớ gì đạo đức xã hội càng xuống cấp, kinh tế thì thụt lùi, tết thì ngày càng "nhạt" mà cứ phải khăng khăng giữ "hồn?"
Ủng hộ ý kiến này còn có các chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, nhà giáo Phạm Toàn ...Theo bà Lan “Thời gian nghỉ giữa hai cái tết đang gây ảnh hưởng ghê gớm tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty. Gộp hai cái tết còn có cái lợi là vẫn duy trì được truyền thống gia đình và truyền thống sum họp nhưng có kỳ nghỉ chung với thời gian nghỉ dài thì con cháu ở các nơi khác, ở nước ngoài cũng vẫn có thể về sum họp”.
Bên chủ trương giữ nguyên tết ta thì lập luận ngược lại. GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, phản bác: “Đề xuất như thế là không hợp lý vì Tết Nguyên đán không chỉ là dịp sum vầy, dịp nhớ về nguồn cội mà đã ăn sâu trong tâm trí cũng như là nét văn hóa đặc trưng của con người Việt Nam từ hàng ngàn năm, gắn liền với đời sống xã hội, tinh thần cũng như văn hóa của người dân Việt Nam. Nói gì thì nói, người ta đi làm cả năm chỉ có những ngày tết để trở về sum vầy bên gia đình, cớ sao nói bỏ. Chúng ta có tết của chúng ta, người phương Tây có tết của họ sao lại đi bỏ văn hóa của ta để theo văn hóa của họ… ".
Tôi chưa nghĩ tới việc gộp tết chung. Nếu gộp chung mà giàu như Nhật Bản thì tôi ủng hộ ngay nhưng e rằng với thực tiễn hiện nay, có gộp chung cũng không thay đổi được nhận thức. Thú thật là tôi sợ tết như đang đến với bao nhiêu hệ lụy. Ám ảnh nhất là việc chen chúc, giành giật tàu xe để về quê bằng mọi giá.
Đạo diễn Lê Hoàng từng khẳng định trên www.thanhnien.vn “Về quê hay là chết!” (Tôi có phản biện lại trong bài “Chết đâu có dễ!”). Rồi việc quà báo, biếu xén, hiếu hỉ; biến tướng thành vấn nạn hối lộ, chạy quan hệ, “mua thần, bán thánh”… Nguy hại nhất là nạn ăn và nhậu xả dàn, bất chấp hậu quả.
Tết nào con số người chết vì ăn nhậu, vì tai nạn giao thông cũng lên đến hàng mấy ngàn người. Có người còn nhại bài hát “Mừng tuổi mẹ” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, rằng: “Mỗi dịp tết qua, người Việt giảm thọ một chút. Mỗi mùa xuân về dân số bớt đi mấy ngàn”. Tết, gần như là dịp ăn nhậu thừa mứa. Có bạn ước gì, rải tết theo từng vùng miền, để quanh năm xả láng. Chứ tết chung, tới nhà nào cũng vậy, toàn “no bụng, đói con mắt”; chẳng ăn uống được bao nhiêu.
Tự thân tết ta không có tội. Tội do con người đẻ ra những hủ tục rối rắm và lãng phí. Cái gì do con người tạo ra thì con người cũng có thể gạt bỏ. Cứ giữ tết nhưng phải “gạn đục khơi trong”.
Về được quê thì quá tốt, nhưng vẫn có thể đón tết tại nơi sống và làm việc. Dịp đoàn tụ không nên cứ khăng khăng phải là tết. Tết là dịp đãi nhau ẩm thực quê xưa, ở đâu cũng tổ chức được. Tết quan trọng là cái hồn với những cảm nhận tinh tế chứ không xô bồ, khoa trương, chạy đua theo hình thức như hiện nay. Tết còn là dịp sẻ chia, là ngày hội nhân ái, tương thân “lá lành đùm lá rách”. Tổ tiên, ông bà sẽ rất vui nếu mỗi dịp tết về, con cháu tổng kết những việc tốt đã làm được trong năm và bàn với nhau những việc thiện sẽ làm trong năm mới.
Ai chẳng khoái nghỉ dài ngày, nhất là ngành du lịch. Theo hiểu biết của tôi, hiện nay chỉ Trung Quốc và Việt Nam là có kỳ nghỉ tết kỷ lục như vậy. Các nước phát triển dù năng suất rất cao, nhưng kỳ nghỉ dài nhất của họ cũng chỉ 3 - 4 ngày. Năng suất lao động hiện nay của người Việt chỉ bằng 1/23 của Singapore. Đáng lý phải tăng tốc, làm việc cật lực và tiết kiệm hơn thì người Việt lại lãng phí cả thời gian và tiền bạc vào dịp tết. 
Phải đoạn tuyệt tư duy “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Tết, phải được cách tân để hòa nhập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.