Mở rộng tuyển thẳng vào đại học

13/01/2017 04:33 GMT+7

Một phần quan trọng trong phương án tuyển sinh các trường ĐH năm nay là phương thức xét tuyển thẳng học sinh giỏi. Việc mở rộng chỉ tiêu tuyển thẳng sẽ tăng thêm cơ hội học sinh bước vào ngưỡng cửa ĐH.

Thêm trường, tăng chỉ tiêu
Một trong 4 phương thức tuyển sinh mà ĐH Quốc gia TP.HCM áp dụng trong năm nay là xét tuyển thẳng thí sinh (TS) giỏi. Hình thức này sẽ áp dụng với 2 nhóm tiêu chí của Bộ GD-ĐT và của riêng ĐH Quốc gia TP.HCM.
Với xét tuyển thẳng TS theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ, chỉ tiêu tuyển 5% ngành hoặc nhóm ngành. Điều kiện và thời gian xét tuyển TS diện này theo đúng kế hoạch tuyển sinh của Bộ. Ngoài ra, ĐH này còn thực hiện xét tuyển thẳng học sinh (HS) giỏi với chỉ tiêu tăng từ 10% lên 15%.
Tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết không chỉ tăng chỉ tiêu mà ĐH này còn mở rộng phạm vi nhóm trường THPT có HS được xét tuyển thẳng. Bên cạnh HS giỏi của 82 trường THPT chuyên và năng khiếu toàn quốc đã áp dụng năm ngoái, năm nay còn có thêm khoảng 50 - 100 trường có điểm trung bình kỳ thi THPT quốc gia cao nhất trong 2 năm qua. Danh sách các trường này sẽ được công bố trong thời gian tới.

Nếu năm 2016 toàn hệ thống ĐH này áp dụng tối đa 15% chỉ tiêu các ngành (2.058 TS) thì năm 2017 chỉ tiêu dành cho các đối tượng này tăng lên 20% (khoảng trên 2.700 TS). Trong đó, ở các trường ĐH thành viên sẽ tăng mạnh, như: Bách khoa tăng từ 400 lên 800, Khoa học tự nhiên từ 300 lên 600, Khoa học xã hội và nhân văn từ 285 lên 570…
Lý giải việc mở rộng này, tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ cho biết các HS được xét tuyển thẳng theo tiêu chí mà ĐH Quốc gia đưa ra đều là HS giỏi. Việc tăng chỉ tiêu này nhằm tạo cơ hội cho người giỏi vào học mà không phải qua các bước xét tuyển thông thường.
Xét tuyển thẳng chưa đạt 50% chỉ tiêu
Theo thống kê từ ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2016 chỉ tiêu xét tuyển thẳng đặt ra là 10% tổng chỉ tiêu nhưng kết quả chỉ tuyển chưa tới 4%. Cụ thể, từ 1.583 hồ sơ đăng ký chỉ có 819 TS trúng tuyển và 426 TS nhập học (chỉ đạt 3% của tổng chỉ tiêu 13.725). Đặc biệt, ở một số trường, số lượng này rất hạn chế như: Công nghệ thông tin chỉ có 43 hồ sơ và 27 TS nhập học, Khoa học xã hội và nhân văn 369 TS đăng ký nhưng chỉ 75 người nhập học...
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH này, từng phân tích việc chưa tuyển đủ chỉ tiêu đưa ra có thể do đối tượng này có nhiều lựa chọn khác nhau và thông tin tuyển thẳng chưa được phổ biến rộng tới TS.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng áp dụng chính sách tuyển thẳng TS từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh quy định tuyển thẳng của Bộ 5% chỉ tiêu mỗi ngành, trường còn sử dụng tối đa 20% chỉ tiêu để ưu tiên tuyển thẳng HS trường THPT chuyên, trường thuộc tốp 200 trường đứng đầu cả nước về điểm thi THPT quốc gia. Trường cũng ưu tiên tuyển thẳng HS các trường phổ thông có ký kết hợp tác về tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu khoa học với trường (5% chỉ tiêu mỗi ngành). Như vậy, nếu tuyển hết 30% theo phương thức này sẽ có trên 1.000 TS được tuyển thẳng vào trường trong năm nay.
Học lực giỏi chưa chắc được tuyển
Theo phương án xét tuyển thẳng HS chuyên và năng khiếu của ĐH Quốc gia TP.HCM, TS phải đạt đồng thời 3 yêu cầu tối thiểu sau mới được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng: tốt nghiệp THPT năm 2017, đạt danh hiệu HS giỏi năm lớp 10, 11 và 12 (hoặc là thành viên đội tuyển của trường hoặc tỉnh/thành tham dự kỳ thi HS giỏi quốc gia), có hạnh kiểm tốt trong 3 năm THPT.
Khi nộp hồ sơ đăng ký, HS phải viết một bài luận bằng tay trên giấy A4 phân tích động cơ học tập và sự phù hợp của năng lực bản thân với ngành và trường học. Đồng thời phải có một thư giới thiệu của giáo viên trường nơi HS học lớp 12.
Tiến sĩ Đinh Đức Anh Vũ cho biết căn cứ điều kiện chung này các trường sẽ chủ động gọi HS trúng tuyển. Trong trường hợp đồng điểm, hội đồng tuyển sinh các trường sẽ xét căn cứ trên điểm trung bình 3 năm THPT của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển từng ngành theo thứ tự cao xuống thấp. Những HS có điểm bằng nhau còn được phân loại dựa vào chất lượng bài luận và thư giới thiệu. ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ cho phép mỗi HS được áp dụng một lần việc tuyển thẳng này vào đúng năm học tốt nghiệp THPT và chỉ đăng ký vào một ngành của một đơn vị thành viên.

tin liên quan

Học sinh lớp 11 đạt 8.0 điểm thi IELTS
Điều kiện trình độ tiếng Anh để du học bậc thạc sĩ tại nước ngoài chỉ cần IELTS 6.5, nhưng Nguyễn Hoàng Bảo đã đạt 8.0 khi mới học lớp 11.

Theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, học lực giỏi (điểm trung bình học bạ tối thiểu 8) chỉ là điều kiện cần. Trong trường hợp nhiều HS cùng đăng ký vào một ngành, HS có điểm cao hơn sẽ được xét trúng tuyển trước. Do vậy, không phải cứ HS có học lực giỏi là được tuyển thẳng.
Còn tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết thực tế có những HS giỏi nhưng bài luận quá tệ cũng không được hội đồng thông qua. Điểm trung bình 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của các TS đăng ký xét tuyển vào một số ngành của trường năm ngoái xấp xỉ 9, cao hơn nhiều so với mức điểm tối thiểu đã thông báo.

Cũng ưu tiên xét tuyển đối tượng này nhưng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM lại đặt ra điều kiện khác. Theo tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, dự kiến trường chỉ ưu tiên tuyển thẳng HS lớp chuyên các môn gồm: toán, lý, hóa, tiếng Anh, sinh và tin học. Ở hệ đại trà, trường quy định TS phải có điểm trung bình học bạ từng môn đăng ký dự tuyển từ 7 trở lên (với trường chuyên) và 7,5 trở lên (với trường không chuyên).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.