Doanh nghiệp Việt tẩy chay YouTube

04/03/2017 06:21 GMT+7

Hàng loạt nhãn hàng lớn từng phát quảng cáo trên YouTube đều ngưng hợp tác quảng cáo trên kênh này, sau khi YouTube bị cơ quan quản lý "tuýt còi" vì phát nhiều nội dung vi phạm pháp luật VN.

Thông tin từ Cục Phát thanh - Truyền hình - Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông), trong thời gian qua, cơ quan này đã phát hiện có khoảng 17 video được phát trên kênh YouTube với nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật VN. Điều đặc biệt, những clip xấu này lại được chèn vào những quảng cáo của các nhãn hàng thuộc thương hiệu lớn đang kinh doanh tại VN như: Vinamilk, Unilever, P&G, FPT, Samsung, Yamaha, Vietnam Airlines và một số dự án bất động sản lớn. Từ những vi phạm này, các cơ quan quản lý đang xem xét để xử lý các đơn vị liên quan.
Tăng view bất chấp đạo đức kinh doanh
Đến nay, đã có hàng loạt doanh nghiệp (DN) như Vinamilk, Vietnam Airlines, Mead Johnson Nutrition VN và nhiều công ty bất động sản lớn cũng cho biết rút hoặc ngưng quảng cáo trên kênh YouTube. Trong báo cáo giải trình gửi lên Cục Phát thanh - Truyền hình - Thông tin điện tử, Vinamilk cho biết DN không ký trực tiếp hợp đồng quảng cáo với YouTube mà thông qua một đối tác trung gian là WPP (Mediacom). Trong nội dung ký kết, “đã quy định rõ trách nhiệm của Mediacom trong việc tổ chức đăng, truyền tải nội dung quảng cáo lên các phương tiện quảng cáo thuộc sở hữu của bên thứ ba, trong đó có trang web của YouTube phải đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật quảng cáo và chuẩn mực nghề nghiệp, bao gồm việc không sử dụng các phim quảng cáo của Vinamilk trên các clip nhạy cảm liên quan đến chính trị, tôn giáo... và trái pháp luật”. Mediacom hiện đại diện cho hầu hết các DN, nhãn hàng lớn, cá nhân để ký quảng cáo cho DN trên kênh YouTube.
Theo một chuyên gia mạng, việc kiếm tiền online hiện nay có nhiều hình thức, bao gồm chính thống và cả biến thể. Trong đó, việc kiếm tiền qua YouTube, hình thức đăng ký trở thành đối tác YouTube (YouTube partner), trở nên khá phổ biến. Đây là hợp tác của YouTube với các nhà xuất bản video để hiển thị quảng cáo trên các video của họ, ngoài số tiền thu được từ quảng cáo, các nhà xuất bản còn có thêm nhiều lợi ích như các tính năng cao cấp cũng như hỗ trợ cao hơn từ YouTube.
Chuyên gia quảng cáo


Có một thực tế là đa số các công ty quảng cáo ngoại nhận hợp đồng 10, thuê lại các công ty quảng cáo trong nước thực hiện chỉ trả 1% và ngồi ung dung đếm view hưởng lợi. Họ tăng view bất chấp đạo đức kinh doanh

Andrew Phạm, từng là lãnh đạo cao cấp tại một công ty quảng cáo nước ngoài

Andrew Phạm, từng là lãnh đạo cao cấp tại một công ty quảng cáo nước ngoài, cho rằng trách nhiệm ở sai phạm này thuộc vào “bên thứ 3” là đơn vị đứng ra đại diện YouTube ký hợp tác với DN. “Quan trọng là cách công ty quảng cáo thỏa thuận thế nào với YouTube. Bởi nếu có nhiều tiêu chí ràng buộc thì giá thành quảng cáo không rẻ. Có một thực tế là đa số các công ty quảng cáo ngoại nhận hợp đồng 10, thuê lại các công ty quảng cáo trong nước thực hiện chỉ trả 1% và ngồi ung dung đếm view hưởng lợi. Họ tăng view bất chấp đạo đức kinh doanh”, chuyên gia quảng cáo phân tích.
Và để tăng lượt view, các nhà làm quảng cáo không từ một thủ thuật nào. Từ kinh nghiệm của mình, một chuyên gia tư vấn chiến lược cho các tập đoàn lớn nước ngoài tại VN và các nước trong khu vực thông tin: “Rất nhiều công ty quảng cáo chỉ biết sử dụng YouTube, Facebook như công cụ để giới thiệu cho khách rồi bắt đầu ngồi chia ngân sách, không có bất kỳ động thái điều nghiên để cho khách hàng lời khuyên chọn kênh quảng cáo nào hữu hiệu nhất. Làm cho xong, mong thu lợi nhuận cao nhất, nhanh gọn nên mới để xảy ra các trường hợp đáng tiếc nói trên”.
Còn ông Đoàn Kiều Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần quảng cáo và tổ chức sự kiện Kỷ Nguyên, thành viên Hiệp hội Quảng cáo VN, cho rằng: “Có thể vì một mục đích tăng lượt view hay vì lý do gì đó tôi không rõ, nhưng đây là hành động có chủ đích, cố tình chứ không thể vô tư. Công nghệ hiện đại đến đâu cũng phải có tác động bởi bàn tay của con người. Những clip gây tò mò cho người xem hoặc thậm chí những clip sex... thường được chọn để chèn vào và đây là cách “tăng view” nhanh nhất”.
YouTube không thể vô can
Không chỉ vi phạm chèn những clip có nội dung xấu, theo Bộ VH-TT-DL, các hoạt động quảng cáo trên YouTube vi phạm Nghị định 18/2013 liên quan đến hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Cụ thể, theo quy định tại mục 2, điều 14 của Nghị định 18, trước khi thực hiện quảng cáo 15 ngày, chủ trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thông báo bằng văn bản cho Bộ VH-TT-DL các nội dung như tên, địa chỉ người kinh doanh dịch vụ quảng cáo VN được ủy quyền, ngành nghề kinh doanh chính của người được ủy quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo này. Thế nhưng YouTube hoàn toàn chưa làm các thủ tục nói trên mà đã tổ chức ký kết quảng cáo từ lâu nay...
Đối với các DN, hành vi cố ý chèn vào những clip xấu mục đích câu view đã làm tổn hại đến thương hiệu của họ và vi phạm luật Quảng cáo. Ông Đoàn Kiều Dũng nhận định để xuất hiện clip xấu như nói trên, gây ảnh hưởng đến thương hiệu DN, YouTube phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Bởi mọi thông tin xuất hiện được trên YouTube không phải tự nhiên mà có hay bị ai chơi xấu chèn vào.
Chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần khuyên DN khi đã chọn đối tác thực hiện các clip quảng cáo, ngoài việc có một clip hay, “sạch”, nên chú ý các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng. Nhất là những tiêu chí bắt buộc DN phải kiểm soát toàn bộ nội dung liên quan quảng bá sản phẩm của mình, không thể giao phó cho đối tác.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, khẳng định dù YouTube không trực tiếp đăng tải các video có nội dung phản cảm, nhưng họ vẫn phải chịu trách nhiệm. Bởi DN nước ngoài có hoạt động tại thị trường VN phải tuân thủ các quy định về luật Quảng cáo cũng như khung pháp lý của VN. Phần lớn các trang xã hội đều có “màng lọc” tất cả các clip, video..., nếu người dùng cảm thấy một video có nội dung không phù hợp, và có một số lượng báo cáo (report) đủ lớn, các trang mạng sẽ xử lý. Tuy nhiên, việc chậm trễ xử lý trên dẫn đến nhiều DN tạm ngừng quảng cáo cũng ảnh hưởng phần nào đến thương hiệu YouTube. “Vì YouTube là một mạng xã hội xuyên biên giới, cơ quan quản lý có thể kêu gọi sự hợp tác, đồng hành nhằm kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Đồng thời tăng cường truyền thông khách quan và có tính giáo dục, định hướng để số đông hiểu được lợi ích, bất lợi khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội”, ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Tri Tri Group, nói.
Phóng viên Thanh Niên đã liên lạc với Mediacom, tuy nhiên, người trả lời điện thoại của Mediacom từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào và kết nối với ai trong văn phòng để có thể tiếp báo giới.
Theo thông tin tại Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2016 do Hiệp hội Thương mại điện tử VN (VECOM) tổ chức, tính đến hết năm 2015, tại VN, Facebook đứng số 1 về doanh thu trực tuyến với doanh số khoảng hơn 3.000 tỉ đồng (tương đương 131 triệu USD (tỷ giá quy đổi thời điểm 2015); Google đứng ở vị trí thứ 2 với 2.200 tỉ đồng (khoảng 100 triệu USD). Còn lại, các công ty quảng cáo của VN như Admicro, Adtima, Cốc Cốc... chiếm tỷ lệ doanh thu khoảng 1.900 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.