Những siêu vũ khí 'vô duyên' với chiến trường

20/04/2017 10:10 GMT+7

Việc Mỹ lần đầu sử dụng quả bom được mệnh danh là “Mẹ của các loại bom” ở Afghanistan đã thu hút sự chú ý của thế giới đến những siêu vũ khí chưa bao giờ được xung trận.

Vào tuần trước, Mỹ lần đầu tiên sử dụng GBU-43, quả bom phi hạt nhân lớn nhất trong kho vũ khí của nước này, để tấn công sào huyệt trong các hang động và hầm ngầm của các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở tỉnh Nangarhar, Afghanistan. Vụ ném bom được tiến hành lúc 19 giờ 32 ngày 13.4 (giờ địa phương) bằng máy bay MC-130. Sự xuất hiện bất ngờ và mang tính chất “dằn mặt” của loại bom này lập tức gây xôn xao dư luận, khiến nhiều người tò mò về sự tồn tại của các siêu vũ khí “khủng” khác nhưng chưa từng được triển khai.
Bom “cha” Nga so kè bom “mẹ” Mỹ
Được mệnh danh là “Mẹ của các loại bom”, GBU-43 là dòng bom khổng lồ được kích nổ khi còn ở trên không (MOAB), nặng gần 10 tấn, dài 9,17 m, đường kính 1,02 m, nhồi 8 tấn thuốc nổ, dẫn hướng bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS. Chi phí sản xuất một quả bom “mẹ” là 12,8 triệu USD, và ngày 13.4 đánh dấu lần đầu tiên GBU-43 được sử dụng trên chiến trường kể từ khi được triển khai cho quân đội Mỹ vào năm 2003. AFP dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết ít nhất 82 tay súng IS đã thiệt mạng trong vụ oanh tạc.
GBU-43 không phải là dòng bom nặng nhất trong lịch sử chiến tranh. Danh hiệu “bé bự nhất” phải thuộc về siêu bom phá boong ke GBU-57A/B (MOP) nặng 14 tấn của không quân Mỹ (USAF). MOP có thể xuyên qua lòng đất đến độ sâu 60 m và tối đa 19 m trong điều kiện sàn bê tông cốt thép. Vụ thử đầu tiên của GBU-57 diễn ra vào năm 2007, USAF tiếp nhận lô hàng đầu tiên gồm 20 quả vào năm 2011, đến nay vẫn chưa lần nào sử dụng trên chiến trường.
Những siêu vũ khí “vô duyên” với chiến trường1
Đồ họa: DailyMail/Anh Sơn
Thế nhưng bom phi hạt nhân uy lực nhất lại ở Nga, được giới truyền thông nước này đặt cho cái tên “Cha của các loại bom”, hay “Cha Kuzma”. Tên chính thức là bom nhiệt áp bari nhằm gia tăng sức mạnh (ATBIP) hay còn gọi là bom chân không, quả bom này lần đầu tiên được thử nghiệm trên thực tế vào ngày 11.9.2007.
Trong quá trình thử nghiệm, bom “cha” Nga tạo ra sức công phá lên đến 44 tấn thuốc nổ TNT so với 11 tấn của bom “mẹ” GBU-43 của Mỹ. Bán kính hủy diệt cũng vượt hơn 300 m so với ngưỡng 150 - 200 m của MOAB. “Bom Nga có năng lực hủy diệt ở khoảng cách đến 2,5 km”, theo Hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên gia quân sự Murakhovsky. Tất nhiên đây chỉ là thông tin một chiều từ Nga, vì mọi chi tiết về chương trình “bom cha” là bí mật, bao gồm số lượng xuất xưởng và các vị trí triển khai.
Những siêu vũ khí “vô duyên” với chiến trường2
GBU-43 là “Mẹ của các loại bom” Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Từ cỗ pháo khổng lồ đến thủy phi cơ “khủng”
Mỹ và Liên Xô từng đầu tư mạnh vào việc chế tạo đại bác “khủng” dùng để công phá các mục tiêu ở khoảng cách ngắn. Ở Liên Xô, pháo tự hành 2s7 Pion cỡ nòng 203 li và 2s7 Malka ra đời trong thời Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên những loại vũ khí trên lại gây trở ngại đáng kể, như giới hạn về tầm bắn, khó đạt đến ngưỡng tầm trung hoặc xa. Thêm vào đó, các pháo tự hành khổng lồ này có quá ít đạn dự phòng. Dù vậy Liên Xô vẫn xoay xở để trang bị 300 khẩu Pion và Malka, nhưng chẳng khẩu nào từng được khai hỏa trên các chiến trường.
Vào năm 1944, Mỹ từng thử nghiệm khẩu pháo “Little David”, dùng đạn 914 li, trọng lượng khẩu pháo đến 88 tấn. Và khẩu pháo này chưa từng được kéo ra chiến trường.
Siêu pháo cối của Mỹ, Little David Wikimedia
Quân đội Liên Xô sau đó tiếp tục cố gắng chế tạo loại vũ khí có thể xử lý hiệu quả các tàu sân bay của Mỹ. Một trong những thiết kế đáng chú ý là thủy phi cơ kiêm tàu đệm khí lớp Lun, con lai giữa máy bay và tàu thủy. Lun dài 75 m, cao gần 20 m và có thể đạt vận tốc tối đa 500 km/giờ. Mỹ đặt biệt danh “quái vật biển Caspi” cho lớp tàu - máy bay này.
Thủy phi cơ Lun, "quái vật biển Caspi" của Liên Xô trong một lần chạy thử trên biển Caspi Hải quân Liên Xô
Chiếc đầu tiên và cũng là duy nhất có tên MD-160 được đưa vào hoạt động ngày 16.7.1986. Với tầm bay cực thấp, MD-160 dễ dàng thoát khỏi hệ thống phòng không của tàu địch, còn mang theo tên lửa đối hạm siêu thanh Moskit. Sự ra đời không đúng thời điểm đã khiến “quái vật” chẳng có cơ hội thi thố và cuối cùng về hưu vào cuối thập niên 1990 ở Kaspiysk.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.