Công nghệ đã giết chết không chiến như thế nào?

20/06/2017 14:00 GMT+7

Sự vượt trội về công nghệ của máy bay Mỹ và đồng minh được cho là nguyên nhân khiến các nước đối địch không mặn mà tham chiến trên không.

Ngày 18.6, tiêm kích F/A-18E của Hải quân Mỹ xuất kích từ tàu sân bay USS George H.W. Bush bắn hạ một máy bay cường kích Su-22 của quân đội Syria, theo Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM).
Đây được xem là lần đầu tiên máy bay Mỹ bắn rơi một máy bay đối phương gần 2 thập niên. Lần gần nhất diễn ra vào năm 1999 khi chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Mỹ bắn rơi chiếc tiêm kích MiG-29 của Serbia trong xung đột ở Kosovo, theo trang tin Military.com.
Giới chuyên gia cho rằng thời đại của những cuộc đối đầu trên không đã qua đi, đặc biệt là sau những kết quả chênh lệch, nghiêng hẳn về lực lượng Mỹ và đồng minh trong Chiến tranh vùng Vịnh đầu những năm 1990.
Báo cáo của Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA, trụ sở tại Mỹ) hồi năm 2015 cho thấy có 59 trường hợp máy bay bị bắn cháy trong không chiến tính từ thập niên 1990. Phần lớn trong số đó xảy ra trong Chiến tranh vùng Vịnh, khi Iraq mất 33 máy bay trong các cuộc đối đầu trên không với liên quân do Mỹ cầm đầu (chỉ mất 1 chiếc F-18).
BBC dẫn lời chuyên gia nghiên cứu về năng lực không chiến Justin Bronk thuộc viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh RUSI, có trụ sở ở Anh, nhận định rằng kể từ sau Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, “quân đội các nước đối địch với Mỹ và đồng minh hiếm khi điều chiến đấu cơ phòng thủ vì họ biết trước kết cục”.
Khi Mỹ và đồng minh xâm lược Iraq năm 2003, lãnh đạo Saddam Hussein khi đó đã cất giấu hầu hết lực lượng máy bay chiến đấu dưới hầm để tránh bị phá hủy, chứ không điều lên tham chiến. Đến năm 2011, không quân Libya cũng không bảo vệ không phận khi NATO can thiệp hỗ trợ phe nổi dậy chống chế độ Muammar Gaddafi.
Nguyên nhân chính, theo ông Bronk, là vì với sự tiến bộ của công nghệ hiện nay, các cuộc không chiến gần như dựa vào các yếu tố như radar, cảm biến, công nghệ tên lửa thay vì dựa vào súng trên máy bay như trước.
Trong giai đoạn 1965-1969, có đến 65% máy bay bị hạ trong không chiến là nhờ kỹ năng bắn súng của phi công. Tuy nhiên tỷ lệ này giảm chỉ còn 5% trong giai đoạn 1990-2002.
Trong 2 thập niên vừa qua, công nghệ đã lấn át kỹ năng của phi công, máy bay có thể khai hỏa nhắm vào mục tiêu ngoài tầm nhìn, và máy bay "địch" chưa kịp nhận ra đối thủ đã bị tiêu diệt.
Theo BBC, Mỹ đã đầu tư nhiều cho công nghệ quân sự hơn bất cứ nước nào khác. Vì thế nên không quân các nước thường chọn giải pháp tránh đối đầu với ưu thế của Mỹ, mà chỉ còn sử dụng máy bay cho các mục đích tuần tra hoặc tấn công mặt đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.