Đấu võ để làm gì?

Gần đây bỗng nở rộ “phong trào” tỉ thí võ công giữa các môn phái. Nhiều video được đăng tải kèm theo là những bàn tán tranh cãi xôn xao cộng đồng mạng.

Chẳng biết nguyên nhân từ đâu nhưng có vô vàn những thêu dệt về những loại công phu kỳ quái không khác mấy trong phim cổ trang Trung Quốc.
Chuyện tỉ thí võ công xuất hiện ở Việt Nam gần đây giống y chang trong các bộ phim võ thuật Trung Hoa nổi tiếng như “Diệp Vấn”, “Hoàng Phi Hồng” hay “Lý Tiểu Long”…nơi mà các tà phái luôn tị nạnh ganh ghét với võ quán của những nhân vật anh hùng, luôn chực chờ thách đấu, thậm chí dùng trò hèn kế bẩn để phân cao thấp hòng tranh giành sự ảnh hưởng.
Nếu ai là tín đồ của phim võ thuật Trung Hoa sẽ thấy mô típ này thường xuyên lặp đi lặp lại trong nhiều phim. Dĩ nhiên, những cảnh tỉ thí võ thuật trong phim đều được kỹ xảo dàn dựng mãn nhãn, coi đã con mắt. Còn đấu võ ngoài đời thực không đẹp mắt như vậy, khác xa hoàn toàn với những danh xưng hoành tráng.
Mục đích học võ để làm gì? Chắc chắn với câu hỏi này dù đi đến bất kỳ võ đường nào, gặp vị võ sư nào cùng đều có y chang một câu trả lời như nhau là: rèn luyện sức khỏe, chiến thắng bản thân mình, tự vệ, phòng thân, hành hiệp trượng nghĩa và giúp đỡ người thấp cổ bé họng. Và đó cũng là tôn chỉ tốt đẹp, cao cả mang tính bản chất của võ học xưa nay.
Còn chuyện giao đấu, ngày nay không phải như trong các bộ phim cổ trang mà cao thủ thường lang bạt kỳ hồ “màn trời chiếu đất” rồi đụng đâu cũng tuốt gươm xuất chiêu. Thi đấu phải có luật, được đưa vào khuôn khổ như Olympic, Asiad, Seagame và các giải vô địch thế giới, vô địch quốc gia trong đó phải tuân thủ hạng cân, độ tuổi, sức khỏe, môn võ…đó mới là sân chơi văn minh hiện đại của võ học thời nay.
Còn chuyện giao đấu tự do và phát tán video lên mạng xã hội chỉ làm xấu đi hình ảnh của võ học và người học võ. Đó là chưa kể những người tự mạo nhận mình là “võ sư” đại diện cho phái này phái nọ. Lắm khi tập luyện chưa đến nơi đến chốn lại mang ra giao chiến làm mất uy tín của võ phái.
Cái nguy nhất là những clip được đăng tải lên mạng xã hội để dư luận tha hồ phán xét, những màn giao đấu chưa cho thấy những gì sách võ dạy sẽ khiến người ta có cái nhìn tầm thường hơn đối với võ học. Người viết cho rằng, võ học không giản đơn chỉ có mấy cái khoát tay khoát chân như trong những clip kia mà cảnh giới của mỗi môn phái phải cao thâm hơn nhiều lần.

tin liên quan

Sẵn sàng tổ chức đấu võ tại TP.HCM

Trong hoàn cảnh một số trang thông tin điện tử đang sôi sục với vụ việc môn đồ phái Vịnh Xuân Francois Flores vào TP.HCM để đấu võ cùng Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo Huỳnh Tuấn Kiệt, phóng viên báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với đại diện cơ quan có thẩm quyền tổ chức các sự kiện văn hoá, thể dục và thể thao, đó là ông Mai Bá Hùng – Phó giám đốc sở VH-TT TP.HCM. 

Đấu võ như vậy để làm gì? Câu trả lời là…không để làm gì cả, có chăng chỉ làm xôn xao dư luận, xấu đi hình ảnh võ học mà thôi. Võ sư Lê Ngọc Quang, người đóng vai Huy Kình trong bộ phim đang nhận được nhiều sự quan tâm “Người phán xử” hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội võ thuật Hà Nội cho rằng: “Theo tôi, tất cả những câu chuyện vừa rồi làm cho giới võ học rất xấu hổ…”.
Thắng một trận đấu võ như thế không làm cho nền võ học của quốc gia mình vươn lên trên võ học của quốc gia khác. Bởi võ học của mỗi quốc gia, dân tộc đều có điểm lợi hại khác nhau cho nên khó lấy quyền anh để so với Vovinam; không thể lấy Vịnh Xuân quyền để cào bằng với Muay Thái.
Việc thách đấu nhau trên sàn tự do để phân ngôi vị là hành động vi phạm pháp luật, làm mất tinh thần thượng võ, đi ngược lại với tôn chỉ mục đích của võ học và người học võ.
Nói về sự uyên thâm triết lý võ học khó ai có thể qua được người Trung Hoa, xem phim võ thuật của họ ta thường thấy những kẻ háo danh, hiếu chiến, dùng võ để phân ngôi vị cao thấp, học võ để mưu cầu lợi ích cá nhân thì không sớm hay muộn cũng thân bại danh liệt. Nếu không cũng là bàng môn tà đạo chứ chẳng phải danh môn chánh phái.
Triết lý ấy xuất hiện phổ biến trong các bộ phim võ thuật Trung Hoa, nó cho thấy đức tính khiêm tốn, nhẫn nại của người học võ quan trọng tới mức nào. Tuy nhiên, một vài màn đấu võ kiểu ấy không đại diện cho hình ảnh của một nền võ học nào cả. Bởi, núi cao còn có núi cao hơn, vẫn còn nhiều người học võ có tầm cỡ lặng lẽ ở đâu đó chưa lên tiếng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.