9X gác việc ngàn USD mở quán cơm của 'tập đoàn gia đình' giữa Sài Gòn

Lê Nam
Lê Nam
02/06/2019 12:12 GMT+7

Đang có công việc với mức lương cả ngàn USD/tháng, chị Lê Thị Hải Yến (28 tuổi, quê Hà Nội) quyết định mở quán cơm mậu dịch tại Q.1 (TP.HCM) với hương vị bắc vì cả gia đình đều thích nấu nướng.

Quán cơm của tập đoàn... gia đình

Quán cơm chuẩn vị bắc, với những món ăn hết sức quen thuộc như canh cua, cá kho, thịt đông… thu hút hàng trăm vị khách mỗi ngày đến thưởng thức.

“Giống như sự phát triển của gia đình. Không phải tự tin nhưng thật sự cả nhà mình nấu ăn rất ngon. Từ mẹ cho đến chị, trong nhà lại có anh học về đầu bếp nữa. Nguồn nhân lực khá tốt nên mình quyết định mở quán ăn chuyên vị bắc. Một số món ở Hải Phòng ví dụ như bánh đa cua, bánh tôm sườn hay bún đậu mắm tôm quán cũng có bán”, chị Yến hào hứng chia sẻ.

VIDEO: Cô chủ 9X tạm gác việc ngàn đô mở quán cơm mậu dịch
Thực hiện: Lê Nam
Chị Nguyễn Thị Hải Yến khởi nghiệp với quán ăn "Nhà quê" sau khi làm công việc của một nhân viên sale Lê Nam

Đầu bếp chính là mẹ nuôi chị Yến, quê ở Hải Phòng, mặc dù đến tuổi nghỉ hưu nhưng được các con “dụ dỗ” nên tiếp tục đứng bếp. Hai người chị trên phụ trách nấu nướng, đứng bán tại quầy. Mọi người còn lại phụ bưng bê, pha nước và cả việc giao hàng. Chứng kiến cảnh cả nhà khoảng chục con người tất bật bếp núc, dọn bàn - chị Yến hạnh phúc nói “cả một tập đoàn gia đình cùng bán cơm cũng vui đấy nhỉ”.

Bà Nguyễn Thị Mai (60 tuổi) có hơn 40 năm kinh nghiệm nấu bánh đa cua ở Hải Phòng trước khi cùng con cái vào Sài Gòn mở quán. Để giữ được hương vị riêng và thơm ngon của gia đình, bà Mai khẳng định đó phải là sự hài hòa của nguyên liệu và công thức chế biến.

“Nhà tôi nấu bánh đa cua gia truyền ở Hải Phòng từ đời bà ngoại, từ mẹ dạy cho tôi rồi đến con tôi bây giờ”. Bà Mai bảo bí quyết thì không chia sẻ được,vì mỗi nhà có một cách làm đặc trưng. Nhưng trước hết, nước dùng phải ninh bằng thật nhiều xương ống, gạch cua nhiều để cho ra vị ngọt thanh. Đặc biệt các món ăn ở quán đều không xài bột ngọt.

Bà Nguyễn Thị Mai, 60 tuổi, có hơn 40 năm kinh nghiệm nấu bánh đa cua ở Hải Phòng Lê Nam

Cô chủ 9X cũng nói thêm về đặc trưng của quán: “Món ăn sẽ thay đổi mỗi ngày. Thứ 2 món ăn sẽ khác thứ 5 thứ 6. Khách hàng đến đây sẽ không bị nhàm chán. Khi bếp đi chợ, nếu thấy nguyên liệu nào ngon có thể mua và bổ sung thêm. Còn món gì đi chợ mà cảm thấy hôm nay không được ngon lắm thì sẽ đổi món khác. Quan trọng là phải nấu như cơm nhà mình ăn vậy. Cơm ở quán nhưng vị ở nhà".

Quán mở từ 7 giờ 30 đến 20 giờ. Khoảng 11 giờ 30, khách bắt đầu đổ về quán sau giờ tan làm buổi sáng. Vì quán ở Q.1 nên đa phần là dân văn phòng và thực khách gốc bắc. Chỉ là cơm nhà dân dã, nhưng theo chia sẻ từ chủ quán, mỗi ngày có hàng từ 150 - 200 lượt khách ghé ăn.

Chủ quán trò chuyện với hai vợ chồng chị Linh, Q.3 - những khách quen của quán Lê Nam
Thịt luộc, dưa muối, cà pháo... những món ăn mang đậm hương vị miền bắc. Ảnh Lê Nam

Chị Hải Vy (thực khách ở Q.10, công việc là nhân viên văn phòng) bày tỏ: “Đồ ăn rất ngon như đồ mình nấu vậy. Mọi người ở đây cũng rất dễ thương. Vì tôi là gốc ở Hải Phòng cho nên rất thích vị ở đây, nó rất gần gũi, nhất là món bánh đa cua".

Chị Nguyễn Thị Linh (ở Q.3, TP.HCM) cho biết mỗi tuần phải cùng chồng ghé quán từ 4-5 lần để dùng cơm trưa. Chị nói: “Món thịt luộc mắm tôm và canh chua rất hợp khẩu vị của mình. Chồng mình là người gốc Thái Bình, mặc dù cũng vào Sài Gòn vài chục năm nhưng vẫn nhớ vị bắc. Thấy chồng ăn ngon nên mình cũng thích theo".

Tạm gác việc “ngàn USD” chẳng tiếc

Trước khi làm bà chủ quán cơm, chị Yến từng là một nhân viên sale bên ngành bất động sản. Mỗi tháng thu nhập dao động từ 70-100 triệu đồng/tháng. Việc mở một quán cơm vị bắc, cũng xuất phát từ thói quen thường ngày của chị khi đi làm.

“Lúc trước mình đi làm công ty, trong nhà luôn có một người nấu cơm cho mình mang đi làm. Mang lên công ty, mọi người thường bảo số mình rất sướng vì đi làm còn được ăn cơm ở nhà nữa. Mình nghĩ là tại sao những người làm giống mình, họ không ăn ở nhà nhưng hoàn toàn có thể ăn cơm quán giống như vị ở nhà”, chị Yến nói.

Một mâm cơm đủ món hấp dẫn cho bữa trưa tại đây Lê Nam
Những hộp cơm nóng hổi của quán sẽ mang đến cảm giác như cơm nhà Lê Nam

Việc mở quán cơm đồng nghĩa với thời gian đầu tư cho cộng việc bất động sản bớt xuống, thu nhập thấp đi là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, chẳng vì thế mà chị Yến phiền lòng, thậm chí còn thấy rất vui vẻ với quyết định hiện tại.

“Mình thích được bán nhà đất nhưng niềm đam mê của mình mở quán ăn. Mình hài lòng với quyết định của mình bây giờ. Mặc dù phải lao động hơn rất nhiều, làm việc cũng nhiều hơn nhưng bù lại cả nhà được thỏa thích nấu nướng, đem hương vị gia đình chia sẻ với nhiều người. Mỗi ngày như vậy đều là một ngày rất vui!”, cô chủ 9X mỉm cười.

Hải Yến cũng mong muốn thời gian tới có thể mở thêm nhiều chi nhánh để tiện việc giao cơm, khách xa có thể dễ dàng thưởng thức món ăn của gia đình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.