Bánh chưng bốn mùa - trứ danh Bờ Đậu

02/04/2015 00:17 GMT+7

Bánh chưng ở đây không chỉ ăn ngày lễ, Tết, giỗ chạp mà được người ta mua vào bất kể ngày nào trong năm, giống như một thức quà bánh ngon, dành để biếu, tặng mọi người.

Bánh chưng ở đây không chỉ ăn ngày lễ, Tết, giỗ chạp mà được người ta mua vào bất kể ngày nào trong năm, giống như một thức quà bánh ngon, dành để biếu, tặng mọi người.

>> Về Quy Nhơn ăn ốc vỉa hè
>> Nức tiếng cơm gà bà Buội ở Hội An

 Bánh chưng bốn mùa - trứ danh Bờ Đậu 1
Bánh chưng xanh Bờ Đậu, ngon không phải do nguồn nước thần thánh mà được làm bởi người có tâm

1. Chúng tôi đang nói đến bánh chưng Bờ Đậu, xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Suốt dọc quốc lộ 3 địa phận xã Cổ Lũng, trên đường lên Bắc Kạn, Cao Bằng, những gian hàng bày bán bánh chưng xanh mướt như mời gọi người ta dừng lại nếm thử vị bánh chưng nơi đây.

Tìm bánh chưng ở Bờ Đậu không khó, nhưng ai là người sành ăn phải tìm đến nhà Tâm Quang, hiệu bánh nhỏ nhất mà cũng bày biện giản dị nhất trong một không gian nhìn đâu cũng thấy bánh chưng này. Đơn giản, bà Phạm Thị Tâm, sinh năm 1947 là người đầu tiên làm bánh chưng ở Bờ Đậu, suốt từ năm 1972 đến nay.

Ngày đó, người con gái gốc ở Việt Trì, Phú Thọ lên Thái Nguyên lập nghiệp, chỉ biết học cách cha ông gói bánh chưng ngày Tết, tìm cách mưu sinh. Không ai nghĩ rằng, chỉ sau đó 20 năm, cả con đường dài cả cây số bày bán bánh chưng còn Bờ Đậu. Vùng quê nơi bà dựng mái nhà, ngày ngày gói bánh nuôi các con ăn học trở thành một làng nghề nức tiếng cả nước.

Bánh chưng Bờ Đậu không nằm ngoài những nguyên liệu bao đời nay: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, hạt tiêu, muối trắng, lá dong. Cũng là vo gạo, ướp thịt ba chỉ trong hạt tiêu, muối trắng, đồ đỗ xanh cho nhuyễn rồi nắm thành từng nắm với thịt lợn. Gói chiếc bánh bằng những tấm lá dong rừng xanh mát, buộc lại bằng sợi lạt tre.

 Bánh chưng bốn mùa - trứ danh Bờ Đậu 2
Bánh chưng được gói thành từng đòn dài

2. Trước năm 1975, cả nước dành lương thực cho miền Nam, muốn có gạo đỗ để làm bánh chưng bán không hề dễ dàng. Bà Tâm có khi phải gói bánh chưng bằng củ sắn, ngày ngày khoác chiếc túi sẫm màu đựng đầy bánh xuống chợ bán giấu diếm.

Những chiếc bánh chưng có một hành trình dài đi từ những năm tháng từ chiến tranh tới hòa bình, từ gian khó đến thịnh vượng. Từ ngày chiếc bánh được gói bằng củ sắn, ít đỗ xanh đến bây giờ đã được tuyển chọn gạo, đỗ thật kỹ lưỡng, tỷ lệ phối trộn các nguyên liệu tinh tế để bánh vừa vặn, đậm đà, gạo dẻo nhưng không nát, bánh xanh và thơm mùi lá.

Tôi còn nhớ có đọc đâu đó thông tin giải thích rằng Bờ Đậu có bánh chưng ngon vì ở đây, mỗi nhà đều có một chiếc giếng thần, lấy nguồn nước ngọc từ trên núi về. Mang câu chuyện đó đến người làm bánh chưng đầu tiên ở Bờ Đậu, nhận được những tiếng thở dài: “Thời buổi cạnh tranh nhau, nhiều người “vẽ” ra truyền thuyết để hiệu bánh nhà mình đắt khách hơn”.

Bánh chưng ngon, là được làm bởi người có tâm. Nguyên liệu sạch, được chọn kỹ lưỡng, luộc bằng bếp củi hoặc than trong nồi làm bằng tôn để bánh xanh. Vậy thôi. Không “thần thánh” gì, thế mà nhiều người đi khắp nơi, bôn ba nhiều năm ở bao vùng đất khác nhau vẫn phải về tận nhà bà Tâm mua bánh.

 Bánh chưng bốn mùa - trứ danh Bờ Đậu 3
Người ta mua bánh chưng bất kể ngày nào trong năm

Bánh chưng bốn mùa - trứ danh Bờ Đậu 4
Bà Tâm, người làm bánh chưng đầu tiên ở làng nghề Bờ Đậu

3. Bánh chưng Bờ Đậu không chỉ ăn vào ngày Tết, giỗ, chạp. Người ta qua lại quốc lộ 3, mua một cặp bánh chưng có thể vào bất cứ ngày nào trong năm, về đặt lên bàn thờ tổ tiên, sau đó cắt ra chia cho mỗi người một miếng như một thức quà ngon, lạ.

Chiếc xe hơi đỗ xịch, một người đàn ông trên 60 tuổi, tóc lấm chấm bạc bước ra: “Cho 2 cặp bánh chưng nào. Bác còn nhớ em không, Hồi năm 96, 97  em qua đây ăn bánh suốt này”. Chủ quán bối rối, khách đến nhà bà hơn 40 năm qua là bao nhiêu thế hệ. Có ngày là đoàn những nghệ sĩ hài, diễn viên nổi tiếng trong nước. Có ngày là hàng trăm khách lên Cao Bằng du lịch. Bà nhớ ra mang máng người đàn ông, hình như có dịp, ông ghé quán mỗi tuần vài lần. Chiếc bánh chưng nóng ngày ấy là món ăn cứu đói cho những tài xế đường dài miền núi.

Bao năm đi qua, 3 con gái, 1 con trai của ông bà Tâm dù sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau vẫn hay tới nhà gói bánh phụ giúp ba mẹ. Họ nhớ lại, họ học ba mẹ cách gói bánh chưng từ năm 6 tuổi, đến 8 tuổi thì ai cũng thuần thục gói bánh sao cho nhanh nhất, đẹp nhất. Ngày đó, 2 người gói 100 chiếc bánh chỉ trong vòng 1 giờ là hoàn chỉnh.

Bánh chưng, chiếc bánh gói trọn triết lý nhân sinh ở đời vẫn đang ngày ngày được nâng niu, gìn giữ bí quyết bởi những thế hệ trẻ trong những gia đình Bờ Đậu…

Cẩm Giang - Lê Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.