Con nuôi con đẻ

19/02/2011 15:46 GMT+7

(TNTS) Thịt kho tàu - mới nghe cái tên đã biết ngay món thịt heo kho này có nguồn gốc từ phương bắc. Người Việt vốn giản dị, chất phác nên cứ ghép tên thực phẩm với phương pháp chế biến là thành tên món ăn - cá bống kho tộ, canh gà nấu lá giang, cá hanh hấp, thịt bò xào lăn… Điều này thật khác với người Tàu - đọc tờ thực đơn trong một tiệm ăn Tàu, thực khách khó lòng hình dung món A món B nấu bằng thực phẩm gì, là luộc hay nướng, là bỏ lò hay chiên!

Tiếp nhận văn hóa nói chung hay một sản phẩm văn hóa cụ thể, người Việt chưa bao giờ chịu thân phận nô lệ. Nói cách khác, người Việt mở lòng đón nhận cái hay cái đẹp của thiên hạ nhưng với điều kiện nó phù hợp với quan niệm Việt, với điều kiện hoàn cảnh Việt.

Cao hơn, quá trình tiếp thu là quá trình cải biến, biến cái của người thành của mình. Đây là điểm cực kỳ quan trọng, minh chứng cho tính bền vững của văn hóa Việt. Súp là món ăn phương Tây, nhưng một khi nó xuất hiện trong đời sống Việt thì rất nhiều chén súp đã là “made in Vietnam” - súp bột báng, súp hạt sen, súp củ dền đỏ, súp hoa a-ti-sô… Bánh mì ăn với bò kho, cái món bánh mì này chắc chắn không thể tìm thấy ở những nơi đã sản sinh ra chiếc bánh mì. Đầu cá hồi kho nước ăn với bún, với rau sống là một món ăn vừa bình dân vừa hấp dẫn, cũng chỉ xuất hiện trên mảnh đất hình chữ S chứ không ở quê hương của những con cá nổi tiếng kia…

Quay trở lại ví dụ thịt kho tàu, là món ăn phổ biến khắp cả nước. Kỹ thuật nấu món ăn này không phức tạp lắm, bà nội trợ nào cũng đều biết, các đức ông chồng khi thèm có thể tự mình vô bếp nếu bà xã vắng nhà. Cơ bản ai nấu cũng thế, nhưng món thịt kho tàu trong Nam có sự tham gia của nước cốt dừa, ngoài Bắc thì không. Đĩa thịt kho tàu ngon, nhưng nó sẽ đẹp hơn nếu có sự góp mặt vài cái hột vịt luộc…

Tuy nhiên những cái đó không phải là cốt yếu. Một nồi thịt kho tàu ngon trước tiên phụ thuộc vào quá trình ướp. Gia vị chính để ướp là ngũ vị hương và đây chính là điểm khác biệt. Tên gọi chung là ngũ vị hương nhưng thực sự thành phần mỗi nhãn hiệu có thể không giống nhau. Nếu như gói ngũ vị hương bao gồm đủ đại hồi, đinh hương, nhục quế, ngọc khấu, hồ tiêu, hạt ngò, thảo quả, tiểu hồi thì chắc vừa mới liu riu lửa nồi thịt đã tỏa mùi thơm ngát. Hương thơm, màu đẹp, vị béo, miếng thịt mềm trong miệng, thêm vài cọng dưa cải vàng rụm miếng cơm thực đã ngon hết chỗ nói…

Những người quan tâm có thể thấy nồi thịt kho tàu trong Nam ngoài Bắc khác nhau tí chút như đã nói ở trên. Những người sành ăn thì nhận xét món thịt kho tàu sang đất Việt đã khác so với nơi khai sinh ra nó. Nếu như người Trung Hoa luôn dùng nước tương thì người Việt không bao giờ thiếu nước mắm. Cái nồi thịt kho tàu thấm nước mắm bỗng nhiên có thêm mùi vị, miếng thịt đậm đà hơn và quan trọng nhất, nó hợp với khẩu vị, với thói quen ăn uống của người Việt!

Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.