Mưa dầm về nhớ món canh bầu cá lóc cắm câu của ba…

14/09/2016 04:53 GMT+7

Bầu trái có vị ngọt thanh, mát; cá lóc đồng thịt lành ngọt thơm nên hai nguyên liệu này kết hợp tạo thành một món canh ngon đậm đà khó cưỡng.

Bầu trái có vị ngọt thanh, mát; cá lóc đồng thịt lành ngọt thơm nên hai nguyên liệu này kết hợp tạo thành một món canh ngon đậm đà khó cưỡng.

Mưa dầm về nhớ món canh bầu cá lóc cắm câu của ba…
Hồi xưa, mẹ tôi vốn hay trồng bầu để bán, nhà lại cách cánh đồng lớn không xa, nên cứ đến mùa mưa, khi cá lóc nối đuôi tràn vào các con kinh là ba tranh thủ đi thả câu mang cá về nấu nồi canh bầu ngọt mát cho bữa cơm chiều… 
Tôi còn nhớ, ba mẹ tôi không có nhiều đất nên để có cái gọi là “đồng ra đồng vô” trong nhà, mẹ tôi hay trồng bầu, chứ không trồng các loại rau quả khác vì bầu dễ trồng, lại có trái quanh năm, mùa nắng thậm chí còn cho trái nhiều hơn mùa mưa. Tuy nhiên, tôi thích mùa mưa hơn vì có sẵn nước mưa làm nguồn tưới đong đầy cho các dây bầu, tôi đỡ phải gánh nước tưới nhiều lần như mùa nắng; phần nữa là được mẹ thường xuyên nấu món canh cá lóc nấu bầu yêu thích cho ăn. Mùa mưa cá theo vào các con kinh nhiều nên ba thường xuyên mang cần ra cắm. Cứ tầm xế xế ba vát cần đi thì thể nào đến chiều chiều là có vài con dính. Thậm chí, hôm nào được nhiều mẹ tôi lựa con lớn mang bớt ra chợ bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Tôi công nhận, ba cắm câu hay mà mẹ tôi trồng bầu cũng giỏi nên nhà tôi dù đất ít vẫn đủ ăn, đủ mặc, cuối năm còn được mẹ tổng kết “có dư chút đỉnh”. Tôi còn nhớ, cứ đến khi dây bầu mọc dài được 1m là mẹ bắt đầu khoanh dây vòng gốc, lấy đất chặn lên ngay đốt. Cứ cách 1 - 2 đốt mẹ lại chặn đất để tranh thủ cho bầu ra rễ thêm ở những đốt đó. Mẹ giải thích rằng làm như thế để tăng khả năng thu hút dinh dưỡng nuôi trái sau này. Khoảng 2 tháng sau thì mẹ bắt đầu nương dây cho leo giàn. Lúc đó tôi thường phụ mẹ, mẹ căn dặn phải để dây ở thế tự nhiên, không lật úp hay xoắn dây. Và đặt biệt, nên làm giàn bằng để bầu đủ diện tích bò, nếu dàn không thích hợp hay quá nhỏ không đủ để bầu bò, bầu sẽ cho ít trái hay thay đổi dạng trái và kích thước trái, không đạt tiêu chuẩn, khi bán sẽ bị thương lái chê lên chê xuống mất giá. Nhờ mẹ chăm kỹ, đúng cách khi bầu vừa lên giàn là trổ hoa đậu trái, thời gian ngắn sau là bắt đầu cho thu hoạch. 

Cứ mỗi khi ba mang cá cắm câu về là mẹ ra vườn lựa trái bầu đèo đẹt vào nấu canh. Người ta bảo cá lóc nấu canh bầu rất ngon nhưng không dễ nấu vì không khéo sẽ rất tanh. Tuy nhiên, canh mẹ tôi nấu lúc nào cũng ngọt và thơm lừng. Để được như vậy, trước khi bắt nồi nước canh lên mẹ hay kêu tôi lột củ hành tím xắt mỏng để sẵn. Mẹ cho tí dầu lên đun nóng dầu, cho hành  vào phi cho vàng thơm, tiếp theo là mẹ cho cá lóc vào chấy sơ với hành phi đó. Ôi cá lóc vốn tanh sẽ chuyển sang dậy mùi thơm ngay, và thịt cá vốn chắc càng săn hơn. Sau đó, mẹ cho nước vào nồi canh đủ cà nhà ăn, rồi cho bầu vào nấu chín cùng nước cá. Bầu chín mẹ cho tí muối, tí bột ngọt và đường là có ngay nồi canh bầu cá lóc đồng thơm dậy mùi và ngọt lịm. Hôm nào rảnh thì mẹ vớt cá ra gỡ xương lấy thịt xong cho lại vào nồi canh để các con ăn dễ hơn. Lúc đó, mỗi đứa chan canh vào chén cơm lùa vài lùa đũa là hết chén ngay, canh ngọt, cá thơm, bầu mềm, ăn hoài không ngán. Nếu như bình thường mẹ tôi hay la hét tụi tôi rằng “ăn từ chuối trồng đến chuối trổ” thì hôm nào nhà có món canh này y như rằng hôm đó đứa nào đứa nấy đều “đánh nhanh rút gọn”, nồi cơm không còn hạt nào…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.