Ba mẹ Việt muốn con đi du học phải làm gì - Kỳ 3: Tiền thôi chưa đủ

19/04/2017 20:33 GMT+7

Trường học ở Mỹ cũng như ở ta, có trường tốt, có trường tệ. Ăn thua là phải chọn đúng trường.

Với đa phần các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con đi du học, du học đơn thuần chỉ là giấc mơ. Nhiều người nghĩ đơn giản rằng chỉ cần con được nhận vào học và gia đình lo được chi phí, như vậy mọi chuyện sẽ xong.
Tuy nhiên, thực tế khác xa với những gì họ tưởng tượng. Đơn giản thử đặt mình vào hoàn cảnh của con. Nếu cho chính các bậc cha mẹ đi tới một đất nước xa lạ, phải hội nhập với môi trường sống mới chưa từng hay biết, phải học bằng một ngôn ngữ khác thì họ sẽ cảm thấy thế nào? Trong khi các cháu chỉ mới là những đứa trẻ đang ở trong vòng tay cha mẹ nay phải rời xa.
Mặc dù hệ thống xã hội tại các quốc gia phát triển nói chung đều rất tốt. Hệ thống này có đầy đủ cách thức để tiếp nhận và chăm sóc hiệu quả cao với các du học sinh đến theo học tại từng trường học ớ đây. Tuy nhiên, để có thể hòa nhập và phát triển cùng một môi trường mới, một nền văn hóa mới, các cháu cần phải có nền tảng nhất định, trong đó động lực, ý chí và nhất là các kỹ năng mềm.
Động lực và ý chí theo học của các cháu rất quan trọng. Bởi vì tại các quốc gia phát triển, ngay từ nhỏ học sinh đã được học phải tự lập.
Chính vì vậy, thầy cô, cha mẹ không hề có chuyện nghĩ thay, làm thay và thúc bách từng cháu như ta vẫn thấy ở VN.
Hơn nữa, tại Mỹ chẳng hạn, trong các trường trung học, các cháu sẽ đăng ký vào các lớp thường, lớp honor (lớp chuyên), lớp AP (dự bị đại học) theo khả năng và ý thích. Học lớp thường không cần bao nhiêu nỗ lực để đạt điểm A với các cháu có khả năng. Nhưng qua lớp Honor, lớp AP thì phải cực kỳ chăm chỉ và thông minh mới có điểm tốt.
Không phải cháu nào cũng đi du học được
Nếu cháu nào ham chơi, bị cảm xúc lôi kéo, lo chơi nhiều hơn lo học cho dù thông minh mấy thì tốt nhất cũng nên cho ở nhà. Bởi cho những cháu này đi còn hơn là thả hổ vào rừng. Bởi ở các nước các cháu đi tới so với VN thì quan niệm tự do hơn trong quan hệ nam nữ, trong tìm thú ăn chơi… Không khó khăn để tìm thấy ở đây những học sinh chưa tốt nghiệp trung học mà đã có con. Hoặc cũng chẳng mất công cho lắm để tìm ra những học sinh hút cần sa, dùng chất cấm…
Vì thế nếu cháu nào thích nhàn thân, chỉ cần đăng ký các lớp bình thường. Học thì thoải mái, dư thời gian lo chơi. Nhưng học lên cao thì các cháu sẽ đuối. Khi tốt nghiệp trung học thì dù toàn điểm A, các cháu cũng không thể so với các bạn học các lớp khó hơn vì họ được cộng điểm ưu tiên, được miễn tín chỉ đại học.
Thêm một bước nữa, khi chọn đại học, các cháu thiếu ý chí và động lực sẽ chọn những trường nổi danh ăn chơi (gọi là party school) thay vì chỉ chọn các trường nổi danh tập trung vào học hành và nghiên cứu như các bạn khác.
Chính vì vậy, các bậc cha mẹ nên cân nhắc cho con đi du học nếu con chịu học, có ý chí vươn lên, quyết chống lại cám dỗ. Điều này không thể làm trong ngày một ngày hai mà phải là cả một quá trình nuôi dạy con từ nhỏ tới lớn.
Khi từ nhỏ các cháu đã quen với việc coi trọng tinh thần tự giác, tính kỷ luật cao, hiểu được công sức và quý trọng đồng tiền cha mẹ vất vả làm ra, luôn nỗ lực vượt khó, chịu khổ thì đi du học sẽ ổn.
Nếu cháu nào ham chơi, bị cảm xúc lôi kéo, lo chơi nhiều hơn lo học cho dù thông minh mấy thì tốt nhất cũng nên cho ở nhà. Bởi cho những cháu này đi còn hơn là thả hổ vào rừng. Bởi ở các nước các cháu đi tới so với VN thì quan niệm tự do hơn trong quan hệ nam nữ, trong tìm thú ăn chơi… Không khó khăn để tìm thấy ở đây những học sinh chưa tốt nghiệp trung học mà đã có con. Hoặc cũng chẳng mất công cho lắm để tìm ra những học sinh hút cần sa, dùng chất cấm…
Nhất là đa phần các phụ huynh VN không có tiền, khi chọn trường cho con thường chọn trường rẻ tiền, ở gần nơi có thân nhân. Trong khi đó, trường học ở Mỹ cũng như ở ta, có trường tốt, có trường tệ. Ăn thua là phải chọn đúng trường. Mà trường tốt thì thường không rẻ.
Ví như nếu muốn có sự kiểm soát tốt hơn cả, cha mẹ có thể chọn giải pháp ưu việt nhất là đưa con vào các trường trung học nội trú danh tiếng.
Tại trường con tôi theo học trung học tại Mỹ, do là trường nam sinh nội trú, giáo dục theo mô hình kỷ luật nghiêm minh nên tất cả học sinh bị kiểm soát rất kỹ.
Ví dụ như tất cả các cháu phải sử dụng mạng Internet nội bộ của nhà trường. Trường cấm các cháu chơi game, cấm vào website xấu, cấm làm việc khác trong giờ học.
Các món đồ đưa vào trường được kiểm soát kỹ để tránh chất cấm. Cháu nào bị ốm , cha mẹ sẽ gửi thuốc kèm theo toa cho trường để tới giờ gọi học sinh lên uống thuốc đúng liều lượng trước mặt người giám sát, tránh rủi ro.
Một ngày các cháu cũng chỉ được sử dụng điện thoại 1 giờ, sau đó phải giao lại cho trường quản lý để không mất thời gian . Vì trường yêu cầu cao vể tinh thần kỷ luật nên cháu nào không có ý chí, thiếu động lực thì sẽ thấy cực kỳ mệt mỏi và không theo nổi.
Thêm vào đó, những trường có kỷ luật nghiêm minh như vậy khá đắt tiền. Với chi phí từ 50-100 ngàn usd/năm không phải ai cũng có đủ khả năng cho con vào học , trừ phi có học bổng.
Với cá nhân tôi, gia đình tôi tự tin cho con đi du học ngay từ khi cháu 15 tuổi là vì ngay từ nhỏ, chúng tôi đã rèn cặp để cháu từng bước trở thành đứa bé có động lực và ý chí, biết thương cha mẹ và tuân theo lẽ phải.
Hơn nữa, cháu còn có học bổng để vào học một trường trung học nội trú có kỷ luật cực kỳ nghiêm minh . Hai yếu tố này khiến cho chúng tôi hoàn toàn an tâm.
Và sau 3 năm, cháu đã thực sự trưởng thành trong cả học tập lẫn nhân cách, được thày cô và bạn bè đánh giá cao. Đây chính là kết quả của sự chuẩn bị tốt nhất trong khả năng có thể của chúng tôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.