Bác sĩ... hậu phương!

Liên Châu
Liên Châu
10/06/2019 09:11 GMT+7

Đảm nhiệm công việc ở vị trí “hậu phương”, các bác sĩ Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã mang đến cho bệnh nhân nghèo niềm tin yêu cuộc sống.

Lan tỏa tình người

Bệnh nhân Phạm Văn Thăng (quê Thái Nguyên) sau một năm ghép tủy điều trị bệnh máu ác tính tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện tại sức khỏe ổn định. “Bệnh nhân tái khám đều theo lịch hẹn, chỉ số hồng cầu hơi thấp nhưng không nghiêm trọng, tuyệt vời nhất là sự sống đã ở lại với anh Thăng”, các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Thăng tại Khoa Huyết Học - Truyền máu thông báo. Trước ghép tủy, anh Thăng đã trải qua thời gian dài điều trị ung thư máu, sự sống chỉ còn ngắn ngủi và mong manh.
Với anh Thăng, cuộc sống có được là công lớn của các thầy thuốc điều trị, chăm sóc và đóng góp quan trọng của Phòng Công tác xã hội (CTXH) Bệnh viện Bạch Mai. Bởi dù được bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng ca ghép tủy một năm trước có các khoản không được BHYT chi trả và sau mổ vẫn cần chăm sóc đặc biệt với chi phí 50 triệu đồng. Khoản tiền này gia đình không thể có được vì đã cạn kiệt tiền nong sau nhiều năm dồn góp cho anh trị bệnh.
Lúc này, bác sĩ Phạm Thị Bích Mận (Trưởng phòng CTXH) cùng các đồng nghiệp đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm và kết nối với Báo Thanh Niên giúp anh Thăng kinh phí. “Số tiền nhận được từ bạn đọc Báo Thanh Niên và các nhà hảo tâm nhiều hơn mong muốn ban đầu, do đó anh Thăng đã dành một phần tặng lại cho bệnh nhân nghèo khác để cùng có cơ hội được điều trị”, bác sĩ Mận cho biết. Anh Thăng chỉ là một trường hợp trong số rất nhiều người nhận được sự giúp đỡ kịp thời của phòng CTXH do bác sĩ Bích Mận phụ trách.

Hết lòng vì bệnh nhân nghèo

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Bích Mận được phân công phụ trách Phòng CTXH từ 2015, thời điểm đầu tiên thành lập phòng. Từ bác sĩ lâm sàng chuyên khoa mắt, chị đã qua các công việc về đào tạo - chỉ đạo tuyến, công tác tổ chức cán bộ (Phó phòng Tổ chức). Dù vậy làm CTXH, công việc “mới tinh” vẫn là thử thách.
Chị tâm sự: “Cũng có chút lo lắng khi làm CTXH ngày đầu. Vì bệnh viện tự chủ tài chính nên ai cũng có suy nghĩ làm thế nào để tăng nguồn thu duy trì hoạt động? Phòng CTXH này không tạo nguồn thu liệu là gánh nặng cho bệnh viện, rồi nhân lực cũng khó, vì cán bộ trẻ chưa có thực tế trong khi CTXH hoàn toàn mới mẻ”.
Ngoài việc kêu gọi hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, CTXH còn làm các phần việc chăm lo tinh thần như cắt tóc miễn phí, chụp hình miễn phí, tổ chức các buổi thưởng thức âm nhạc, các buổi tư vấn về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân có bệnh mãn tính...
Trong năm 2018, từ sự kết nối của phòng CTXH đã có gần 8 tỉ đồng được huy động để hỗ trợ điều trị, tặng thẻ BHYT cho các bệnh nhân nghèo và các hoạt động khác hỗ trợ công tác chuyên môn. Bác sĩ Mận và các thành viên phòng CTXH cũng đề xuất đặt các thùng thu gom giấy tờ vật dụng thất lạc, trả lại rất nhiều giấy tờ cho hàng trăm lượt bệnh nhân và người nhà.
“Bác sĩ điều trị chữa những cơn đau, còn những người ở “hậu phương” như chúng tôi góp phần chăm sóc nỗi đau tinh thần. Niềm vui của bệnh nhân khi bình phục sau những thời khắc sự sống mong manh cũng là lời nhắc nhở mỗi người biết yêu hơn cuộc sống này”, bác sĩ Bích Mận chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.