Bán 2kg cà gai leo đủ mua gói mì tôm: Cần tìm đầu ra cho nông sản

01/11/2016 08:02 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc, sau khi xem bài viết Bán 2 kg cà gai leo tươi chỉ đủ mua 1 gói mì tôm của người dân ở H.Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi trên Thanh Niên phát hành ngày 31.10.

Xót xa
Để trồng được 1 kg cà gai leo người trồng khá vất vả, cực nhọc, thậm chí phải vay mượn tiền đầu tư. Nay với giá bán rẻ mạt như thế thì người nông dân sẽ không thể thu hồi vốn, lâm cảnh nợ nần. Đọc mà thấy xót xa. Nếu dưa hấu, hành tím, thanh long… người dân ở các tỉnh thành khác còn có thể “giải cứu” được vì nó là trái cây, thì cà gai leo là loại cây làm thuốc, chỉ những ai hành nghề đông y, chế biến thuốc mới mua số lượng lớn. Làm sao giúp được bà con đang điêu đứng vì cà gai leo rớt giá đây?
Trương Hoàng Diễm (Châu Phú, An Giang)
Được mùa thì mất giá
Câu chuyện “được mùa thì mất giá” liên tục diễn ra ở nước ta. Hết dưa hấu, hành tím… nay đến cà gai leo. Câu hỏi đặt ra là tại sao người nông dân phải liên tục rơi vào tình cảnh này? Có thể thấy mối liên kết giữa người nông dân với người tiêu thụ hoàn toàn không chắc chắn. Nếu có sự liên kết chặt chẽ giữa trồng trọt và đầu ra thì tình trạng được mùa mất giá chắc chắn đã không diễn ra.
Đinh Quang Được (Q.7, TP.HCM)
Nhiều nơi như vậy
Cách đây vài tháng, ở H.Thăng Bình, Quảng Nam các hộ trồng cà gai leo cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thời gian đầu, giống cây này cho hiệu quả kinh tế cao và bà con đua nhau trồng. Khi diện tích cà gai leo tăng thì đầu ra rớt giá sâu. Qua đó cho thấy việc bao tiêu sản phẩm, định hướng trồng trọt cho người dân là có vấn đề. Trong chuyện này có một phần lỗi của cán bộ nông nghiệp. Đành rằng người nông dân trồng cây gì trên đất của mình là quyền của họ, nhưng khi thấy người dân trồng cây lạ, diện tích trồng tăng đột biến thì cán bộ cần tìm hiểu, khuyến cáo người dân nếu thấy đầu ra trong nước không khả thi.
Võ Tranh (TP.Tam Kỳ, Quảng Nam)
Thương lái thao túng ?
Theo nhiều nông dân, sở dĩ họ mạnh dạn trồng cà gai leo vì loại cây này dễ trồng, mang lại hiệu quả hơn lúa. Cây này chịu hạn tốt, sinh trưởng phát triển phù hợp với thời tiết khô hạn ở miền Trung. Mặt khác, trước đây khi diện tích cà gai leo còn ít thì ngày nào thương lái cũng đến dò mua với giá cao, có khi cà gai leo không đủ để bán... Câu chuyện này nghe rất quen và thường có bàn tay của thương lái Trung Quốc. Lẽ ra chính quyền địa phương, các hộ nông dân cần tỉnh táo để nhận biết vấn đề trước khi mở rộng diện tích trồng. Ở đây cứ ồ ạt trồng dù thị trường trong nước ít cần đến. Đây là bài học cảnh tỉnh cho nhiều vùng quê khác nhau khi tiến hành trồng ồ ạt cây gì đó.
Nguyễn Tấn Khôi (Q.Tân Bình, TP.HCM)
Trông chờ vào chính quyền
Nếu cà gai leo tươi giá quá rẻ thì người trồng nên tính đến phương án phơi khô dự trữ đó. Phòng nông nghiệp ở các huyện có người dân trồng cà gai leo cần giới thiệu thông tin về loại cây này, số lượng, giá cả mà người nông dân có thể bán đến các đơn vị thu mua trong nước. Nếu có đơn vị nào có nhu cầu thu mua cà gai leo để “giải cứu” cho người nông dân trong vụ mùa này thì quá tuyệt vời.
Đào Minh Tuyến (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương)
       
Tôi hy vọng thị trường trong nước có nhu cầu thu mua cà gai leo nhưng chưa biết thông tin ở H.Nghĩa Hành, Quảng Ngãi có trồng và bán. Hơn thế, nhiều nơi cần nhưng do thương lái đẩy giá cao nên họ không thu mua. Nay biết giá cả và chất lượng cà gai leo như thế này sẽ có nhiều đơn vị về đây thu mua giúp bà con. Hy vọng những gì tôi nói sớm trở thành sự thật, để bà con lấy lại đồng vốn, mồ hôi nước mắt đã bỏ ra.
Trần Thị Thu Hiền (TP.Pleiku, Gia Lai)
       
Theo thông tin quảng cáo trên internet thì cà gai leo là cây thuốc quý, có tác dụng chữa bệnh viêm gan vi rút B, xơ gan, men gan cao, giải rượu... Đây có lẽ là lý do khiến một thời gian cà gai leo trở nên “sốt giá” và được người dân trồng nhiều. Tuy nhiên cần có định hướng cho người nông dân để không bị rơi vào tình trạng như hiện nay.
Huỳnh Duy Hiệu (Q.8, TP.HCM)
T.T - Duy Khang (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.