Bệnh tắc mạch máu hiếm gặp

16/08/2015 07:59 GMT+7

'Ban huyết khối giảm tiểu cầu tắc mạch' là bệnh lý hiếm gặp, gây di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Gần đây, những tiến bộ trong điều trị đã cứu sống các ca bệnh hiếm và giúp bảo toàn chất lượng sống.

“Ban huyết khối giảm tiểu cầu tắc mạch” là bệnh lý hiếm gặp, gây di chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Gần đây, những tiến bộ trong điều trị đã cứu sống các ca bệnh hiếm và giúp bảo toàn chất lượng sống.

Bệnh tắc mạch máu hiếm gặpTại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh ban huyết khối giảm tiểu cầu tắc mạch có thể khỏi hoàn toàn nhờ kỹ thuật mới được ứng dụng - Ảnh: Ngọc Thắng
Dễ nhầm lẫn với sốt xuất huyết
Bệnh nhân Phạm Thị H. (32 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) được chuyển đến điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng sốt cao, xuất huyết nhiều nơi, hôn mê, co giật. Mẫu xét nghiệm máu của bệnh nhân cho thấy tiểu cầu (là thành phần giữ vai trò rất quan trọng trong cầm máu và chống chảy máu) giảm rất thấp. “Căn cứ trên xét nghiệm, triệu chứng cùng với kinh nghiệm điều trị, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ban huyết khối giảm tiểu cầu tắc mạch, tình trạng nặng, đã biến chứng suy thận”, bác sĩ Phạm Thế Thạch, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực cho biết.
Theo bác sĩ Thạch, ban huyết khối giảm tiểu cầu tắc mạch là bệnh hiếm gặp với tỷ lệ 1,5 trường hợp/1 triệu người. Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm có khoảng 4 - 5 bệnh nhân điều trị do mắc căn bệnh này. Bệnh nhân H. là ca bệnh thứ 4 điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực tính từ đầu năm 2015 đến nay. Trước bệnh nhân H., tại đây đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 38 tuổi mắc căn bệnh này, nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu.
Ban huyết khối giảm tiểu cầu tắc mạch nguy hiểm bởi các tế bào tiểu cầu trong máu co cụm lại, gây tắc các mạch máu nhỏ, làm giảm lượng máu đưa đến nuôi dưỡng các cơ quan như não, thận. Tình trạng này gây tổn thương não, suy thận. Bệnh khởi đầu thường có sốt, xuất huyết dưới da, tăng chảy máu với các triệu chứng: xuất huyết tiêu hóa, đổ máu cam..., sau đó giảm ý thức, co giật, hôn mê.
“Việc xác định đúng căn nguyên gây bệnh đòi hỏi kinh nghiệm trong điều trị. Tình trạng xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa, giảm tiểu cầu sau một đợt sốt ở các ca bệnh này có thể dẫn đến chẩn đoán nhầm là mắc sốt xuất huyết”, bác sĩ Thạch lưu ý.
Tiến bộ trong điều trị
Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đơn vị đầu tiên ứng dụng phương pháp thay huyết tương để lấy kháng thể gây dính kết tiểu cầu điều trị các ca bệnh này. “Tùy mức độ và tùy thuộc đáp ứng điều trị, bệnh nhân cần truyền huyết tương 15 - 20 lần cùng với chế độ dinh dưỡng và thuốc hỗ trợ. Với phương pháp này, tiểu cầu trong máu của người bệnh sẽ được nâng dần lên và trở về với ngưỡng bình thường. Nhờ đó, các vi mạch hết tắc nghẽn, dòng máu lưu thông trở lại giúp các cơ quan như não, thận bị tổn thương được hồi phục”, bác sĩ Thạch cho biết.
Bác sĩ cũng chia sẻ, phương pháp này được ứng dụng thành công trong các năm gần đây giúp các ca bệnh được cứu sống. Khoảng 30 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh ban huyết khối giảm tiểu cầu tắc mạch đã được điều trị khỏi trong các năm qua và chưa có ca bệnh nào trở lại do bệnh tái phát.
TS-BS Đào Xuân Cơ, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết một khó khăn lớn đối với người bệnh là chi phí điều trị cao. Mỗi ca điều trị cần phải truyền huyết tương 15 - 20 lần, chi phí khoảng 20 triệu đồng cho một lần truyền thay huyết tương. Có trường hợp đã phải qua 26 lần truyền huyết tương. Như vậy, cùng với các loại thuốc, chế độ chăm sóc đặc biệt, chi phí cho bệnh nhân có thể lên tới 500 - 600 triệu đồng. Tuy nhiên, tham gia BHYT, chi phí điều trị sẽ được BHYT chi trả phần lớn. Sau điều trị, khoảng 50 - 60% ca bệnh hồi phục hoàn toàn; khoảng 30% có thể chịu di chứng ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, có những trường hợp thất bại, nguyên nhân chủ yếu do không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.