Bi kịch của cô dâu Cần Thơ lấy chồng Hàn Quốc

12/03/2011 00:32 GMT+7

Đó là vấn đề mà các đại biểu tập trung phân tích tại hội thảo “thực trạng tình hình phụ nữ Cần Thơ lấy chồng Hàn Quốc”, vừa được tổ chức hôm 10.3 ở TP Cần Thơ, với sự tham dự của bà Jeong Mi Sook, Phó lãnh sự Hàn Quốc tại TP. HCM.

 
 
Các cô gái Cần Thơ cùng chồng Hàn Quốc đang chờ phỏng vấn tại Sở Tư pháp TP Cần Thơ - ảnh: Mai Trâm

Tham luận của đại diện Sở Tư pháp TP Cần Thơ tại hội thảo cho biết, tình hình phụ nữ trên địa bàn kết hôn với người nước ngoài ngày càng tăng, đặc biệt là kết hôn với công dân Hàn Quốc. Hầu hết các cuộc hôn nhân đều được thực hiện một cách vội vã, không được xây dựng trên tình yêu chân chính mà vì mục đích kinh tế, do hầu hết các cô dâu có cuộc sống thiếu thốn. Họ hy vọng “lấy chồng ngoại” để được đổi đời, có điều kiện giúp đỡ gia đình; còn tình yêu, sự hòa hợp vợ chồng hoặc sự hòa nhập vào cuộc sống bên chồng thế nào thì chưa được tiên lượng kỹ. Nhiều người có cùng suy nghĩ rằng “cứ lấy nhau, dần dà rồi cũng thích nghi thôi”.  

Kết hôn nhờ... cò

Theo khai nhận của các cô gái lấy chồng Hàn Quốc đã trở  về VN, thì việc quen và đi đến kết hôn đều thông qua các “cò” môi giới ở TP.HCM. Trước khi lấy chồng,  đa số các cô gái ở TP Cần Thơ đều lên TP.HCM ở tạm một thời gian để chờ các “cò” mai mối hoặc chờ tham gia các cuộc tuyển vợ do các “cò” tổ chức. Nếu được “chấm”, thì mọi thủ tục từ việc tổ chức cưới, giấy tờ đăng ký kết hôn;  thậm chí cả việc phỏng vấn tại Sở Tư pháp đều được “cò” lo. Họ sẽ cho bài tập có đáp án sẵn, các cô gái cứ việc học thuộc và trả lời đúng như vậy thì sẽ đậu. Có trường hợp vừa lên đến nơi đã “trúng tuyển” và đám cưới được tổ chức ngay trong ngày hôm sau. Nhưng thường thì thời gian kể từ khi được giới thiệu làm quen đến kết hôn từ 1-2 tháng và tất cả các đám cưới đều được tổ chức tại TP.HCM,  chưa có đám cưới nào tổ chức tại Cần Thơ.

Đặc điểm nữa là hầu hết các đám cưới đều được tổ chức chung với các cặp khác. Thủ tục cưới thì ngắn gọn, chớp nhoáng; chỉ có cha, mẹ cô dâu và người môi giới cùng chú rể tham dự. Chú rể Hàn Quốc chỉ cho gia đình cô dâu vài triệu đồng để làm chi phí đi lại cùng chút ít nữ trang cho có lệ... Với  thủ tục đơn giản và “rẻ tiền” như vậy, nên đã xảy ra rất nhiều trường hợp sau khi đám cưới xong, chú rể ở lại VN một vài tuần để “hưởng thụ” rồi... “bay” về nước, không quay lại làm thủ tục bảo lãnh cô dâu sang Hàn Quốc.

Ly hôn... không bản án

Số liệu ghi nhận việc kết hôn với người Hàn Quốc như sau: năm 2005 có 473 trường hợp; năm 2006 có 1.598 trường hợp; năm 2007 có 1.435 trường hợp; năm 2008 có 1.708 trường hợp; năm 2009 có 2.199 trường hợp. Riêng năm 2010 có 433 trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài và 1.364 trường hợp ghi chú kết hôn với người Hàn Quốc.

Nhưng đáng chú ý là tham luận của ngành tòa án TP Cần Thơ tại hội thảo chung quanh hệ quả của tính pháp lý khi ly hôn của các cô dâu Hàn Quốc.

Theo số liệu thống kê của ngành tòa án, trong những năm gần đây, số người nộp đơn xin ly hôn có yếu tố nước ngoài đã tăng lên rất nhiều, nhưng số vụ việc mà tòa án thụ lý giải quyết không được bao nhiêu. Cụ thể trong 3 năm (từ 2008 - 2010) tòa chỉ thụ lý được tổng cộng khoảng hơn 100 vụ. Nguyên nhân là do VN và Hàn Quốc chưa có Hiệp định Tương trợ tư pháp. Trong khi đó, nhiều các cô dâu chỉ sống bên chồng được một thời gian ngắn thì xảy ra mâu thuẫn, rồi bỏ về VN và đến tòa án nộp đơn xin ly hôn. Khi bỏ về nước các cô chỉ mang theo được giấy chứng nhận đăng ký kết hôn và khai địa chỉ của chồng theo giấy đăng ký kết hôn trên. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp địa chỉ của chồng đã thay đổi, do vậy việc liên hệ để biết địa chỉ hiện tại của đương sự và “yêu cầu họ có ý kiến” là việc vô cùng khó khăn.

Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp các cô dâu VN do trình độ hạn chế nên khi xảy ra mâu thuẫn chỉ yêu cầu chồng viết giấy thỏa thuận đồng ý ly hôn, mà không nắm vững các quy định của pháp luật nên tòa án cũng không thể thụ lý giải quyết. Hơn nữa, ngay cả khi tòa án tại VN đã tuyên án xong thì việc tống đạt cho các đương sự ở nước ngoài cũng không phải là điều dễ dàng. Thực tế cho thấy hầu hết các bản án của tòa gửi đi trong thời gian qua, không bao giờ thấy hồi âm của đương sự từ nước ngoài gửi về báo cho biết có đồng ý với bản án đó hay không?

Mai Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.