Chế tạo máy vớt lục bình, cứu sông Vàm Cỏ Đông

07/03/2016 12:07 GMT+7

Suốt gần một năm mày mò nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Chiệu (50 tuổi, Chủ nhiệm HTX vận tải đường thủy Vàm Cỏ Đông - phà Bến Đình, H.Bến Cầu, Tây Ninh) đã hoàn thiện chiếc máy vớt lục bình với hy vọng giải cứu đường thủy cho Vàm Cỏ Đông.

Suốt gần một năm mày mò nghiên cứu, ông Nguyễn Văn Chiệu (50 tuổi, Chủ nhiệm HTX vận tải đường thủy Vàm Cỏ Đông - phà Bến Đình, H.Bến Cầu, Tây Ninh) đã hoàn thiện chiếc máy vớt lục bình với hy vọng giải cứu đường thủy cho Vàm Cỏ Đông.

 Ông Chiệu vận hành dàn máy vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông - Ảnh: Giang Phương Ông Chiệu vận hành dàn máy vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông - Ảnh: Giang Phương
Trưa ngày 2.3, dưới cái nắng chói chang của vùng huyện biên giới Châu Thành (Tây Ninh), ông Nguyễn Văn Chiệu vẫn say sưa điều khiển thử nghiệm dàn máy vớt lục bình trên đoạn sông Vàm Cỏ Đông. Ông Chiệu cho biết: “Chiếc máy vừa hoàn thiện được vài ngày trước. Hay tin tôi muốn thử khả năng trục vớt lục bình nên Sở GTVT tỉnh Tây Ninh đề nghị đưa dàn máy đến khúc sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua cầu Bến Sỏi, H.Châu Thành- nơi thường xuyên xảy ra tình trạng lục bình dày đặc làm nghẽn giao thông đường thủy trong suốt nhiều tháng nay (Báo Thanh Niên liên tục phản ánh) để thử nghiệm”.
Từ lời đề nghị của Sở GTVT, ông Chiệu đồng ý và chuyển dàn máy hơn 10 km từ xã Tiên Thuận (H.Bến Cầu) đến khu vực xã Trí Bình (H.Châu Thành) để vận hành. Gạt mồ hôi chảy dài trên trán, ông Chiệu ngồi vào vị trí điều khiển rồi hào hứng mô tả: “Dàn máy gồm 3 phần chính: băng tải, khoang chứa và dàn cẩu. Để dàn máy được vận hành, tôi đã tìm mua đến 6 máy nổ của xe hơi, dàn thủy lực của xe cẩu để lắp ráp. Tất cả được đặt gọn trên chiếc xà lan có chiều dài 15m, ngang 3m. Dàn máy chỉ cần 2 người điều khiển là có thể hoạt động”.
Dàn cẩu được thiết kế đồng bộ - Ảnh: Giang Phương

Để dễ hình dung nguyên lý hoạt động, ông Chiệu điều khiển dàn băng tải đặt trước đầu xà lan chếch xuống nước một góc khoảng 45 độ. Dàn máy chạy đến đâu, từng mảng lục bình lớn lần lượt được chuyển lên băng tải, đưa đến bộ phận ép vắt nước rồi đẩy vào khoang chứa ở khu vực giữa xà lan. Khi lục bình được vớt đầy khoang, ông lại điều khiển dàn cẩu đặt phía sau xà lan bốc qua chiếc ghe khác chuyển đi. Toàn bộ chi phí dàn máy mà ông Chiệu đầu tư khoảng hơn 200 triệu đồng. “Tôi từng làm nghề lái phà, có hôm lục bình đặc nghẹt đến nổi chạy cả tiếng mới tới bờ nên có ý tưởng trục vớt. Từng làm nghề lái phà, lái ô tô nên tôi cũng hiểu được chút ít nguyên lý hoạt động của máy móc và bắt tay vào mua thiết bị về nhà, lúc rảnh rỗi thì cặm cụi làm. Làm không được phải cắt bỏ nên chi phí mới cao vậy”, ông Chiệu lý giải về ý tưởng phát minh ra dàn máy trục vớt lục bình.
Ông Chiệu ước tính: “Chiếc máy hoạt động trong 1 giờ có thể đạt bằng khoảng sức của 50 thanh niên vớt bằng tay”. Tuy nhiên, ông Chiệu cho biết: “Nếu dự án nghiên cứu này được Sở GTVT chấp nhận đưa vào sử dụng trên diện rộng, tôi sẽ cải tiến dàn máy có công suất lớn hơn gấp 3-4 (chi phí khoảng 400 -500 triệu đồng/dàn máy) mới có khả năng diệt được số lục bình này”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trịnh Văn Lo, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết, đơn vị này vẫn đang theo dõi hiệu quả của chiếc máy. Ông Lo nhận định: “Chiếc máy được thiết kế đồng bộ từ khâu tải, ép vắt, đóng lục bình thành bánh cho đến hệ thống cẩu để sang lục bình qua ghe vận chuyển. Tuy nhiên, hiện hệ thống cẩu còn vênh, chưa được an toàn nên chúng tôi đã đề nghị anh Chiệu hoàn chỉnh lại và sẽ thử nghiệm lại trong thời gian tới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.