Chiều trên sân ga Sài Gòn

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
10/10/2020 08:15 GMT+7

Tiếng còi tàu rúc lên từng hồi và rời đi. Tôi quay lưng bước trên những đường ray cũ, hình dung đến cả ức triệu bước chân từ đây đã đi và đến.

 Vài hành khách lẻ ngơ ngác đứng chờ chuyến sau, hình ảnh tựa như trong bản nhạc Chiều sân ga quen thuộc: “Trên sân ga chiều, người đông nhưng ai cũng lạ...”!

“Có chi vương víu trong hơi máy”

Năm 1938, nhà thơ Tế Hanh nổi lên với bài thơ Những ngày nghỉ học, được xem là tuyệt phẩm của tuổi học trò. Mỗi khi đọc lên, ai cũng không khỏi bùi ngùi: “Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu. Ngàn đời không đủ sức đi mau. Có chi vương víu trong hơi máy. Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau...”.
Bài thơ ấy, cùng với nhiều bài thơ khác trong tập thơ đầu tay Nghẹn ngào của nhà thơ đất Bình Sơn, Quảng Ngãi xuất bản năm 1939, đã được trao tặng giải thưởng của Tự lực văn đoàn cùng năm. Lúc này ông 18 tuổi!
Nhưng bài thơ đầy cảm xúc của cậu học trò thuở ấy không chỉ gợi lại một nỗi buồn man mác, mà cùng với thi tứ mượt mà ấy, đã đi dài hơn một thế kỷ con đường sắt VN buổi đầu khai mở. Ở phương Nam, lúc này nhà cầm quyền Pháp khởi sự xây dựng ga Sài Gòn từ năm 1885, tức là 1 năm sau khi Hòa ước Patenotre năm Giáp Thân (1884) được ký kết. Đoạn này, ở trang 541, Việt Nam sử lược của học giả Trần Trọng Kim ghi lại: “Ông Patenotre và ông Rheinart ra Huế cùng với triều đình thương nghị mấy ngày, rồi đến ngày 13 tháng 5 năm Giáp Thân, là ngày mồng 6 tháng Juin (tháng 6 - NV) năm 1884, ông Patenotre cùng với ông Nguyễn Văn Tường, ông Phạm Thận Duật và ông Tôn Thất Phan ký tờ hòa ước mới, cả thảy có 19 khoản...”.
... Ga Sài Gòn, lúc ấy không phải ở vị trí thuộc Q.3 như bây giờ, mà người Pháp đã chọn một địa điểm ở công viên 23.9 ngày nay (sát bùng binh chợ Bến Thành) tại Q.1, để xây dựng ga và được khánh thành năm 1885. Nhưng trước đó, đoạn đường sắt đầu tiên tỏa đi là Sài Gòn - Mỹ Tho được khởi công xây dựng vào năm 1881 với chiều dài hơn 70 km. Để rồi 4 năm sau đó, khi ga Sài Gòn hoàn tất, chuyến tàu đầu tiên đã trườn đi từ Hòn ngọc Viễn Đông đến tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 20.7.1885.
Rồi những năm vắt qua hai thế kỷ 19 và 20, đoạn kế tiếp là Sài Gòn - Dầu Giây được tính đến, để từ đó khởi sự cho hành trình xây dựng con đường sắt xuyên Việt. Cách đây ít lâu, tôi đã có viết loạt bài dẫn từ một tài liệu quý của kỹ sư Arnaud de Vogué, con trai của bá tước Robert de Vogué, viết về quá trình xây dựng đoạn đường sắt xuyên Việt đầu tiên với những khó khăn khiến đội ngũ kỹ sư và công nhân vô cùng gian nan khổ cực, bởi đi qua nhiều đoạn rừng thiêng nước độc của miền Đông Nam bộ: Sài Gòn - Dầu Giây.

Eiffel và tuyến đường sắt xuyên Việt

Toàn quyền Paul Doumer nhậm chức ở Đông Dương vào năm 1897, nhận thấy tiềm năng của ngành hỏa xa có thể chuyên chở với công suất vô cùng tiện lợi, khi trước đó trên thế giới đã có hơn 70 năm ngành này ra đời và hoạt động rất hiệu quả, bắt đầu là từ tuyến đường sắt đầu tiên ở Anh.
Paul Doumer quyết định ngay khi đã có một ga Sài Gòn được xây dựng xong, lấy đó làm điểm đầu của thủ phủ đường sắt Nam Kỳ, để đệ trình lên Chính phủ Pháp cho xây dựng tiếp tuyến đường sắt dài nhất trong lịch sử các nước thuộc địa: đường sắt xuyên Việt. Khởi đi từ Sài Gòn, những ki lô mét đầu tiên của đường ray xe lửa đến với miền Đông rồi chạy dài mãi ra bắc, như Arnaud de Vogué mô tả trong sách của mình: “Năm 1899, Paul Doumer đã nhận được phê chuẩn từ Paris chương trình đường sắt quan trọng mà phần chủ yếu là lập con đường sắt dự định nối Sài Gòn - Hà Nội. Tuyến đường sắt dài quãng 1.600 km, phần lớn chạy dọc bờ biển. Việc xây dựng dự kiến thực hiện cùng lúc ở hai đầu mút Sài Gòn và Hà Nội”.
Và lúc này, công nghệ chế tạo sắt thép tuyệt hảo của Công ty Eiffel, là công ty cung ứng loại thép để xây dựng tháp Eiffel lừng danh ở Paris, được mời thầu, để chuyển vật liệu qua xây dựng các chiếc cầu bắc qua sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.
Arnaud de Vogué viết: “Để xây dựng đoạn đường sắt đầu tiên phía nam, việc khởi đầu khá khó khăn. Từ những ki lô mét đầu tiên, phải nhập hai cây cầu, tác phẩm nghệ thuật quan trọng lần lượt bắc qua hai con sông Sài Gòn và Đồng Nai. Hãng Eiffel thực hiện những “phần tử kim loại” chở từ Pháp qua bằng đường biển, đó là các cây cầu Bình Lợi và Biên Hòa đi cặp quốc lộ 1 và bắc qua các dòng sông”.
Đó là nói về đường sắt, còn hệ thống ga tàu trải dài suốt từ Nam Kỳ ra đến Bắc Kỳ cũng được công phu xây dựng rải rác. Cho đến mãi 93 năm sau, tính từ 1885 ga Sài Gòn nằm ở khu vực Q.1 đã hoàn tất sứ mệnh đón đưa khách đi tàu của mình. Đến năm 1978, sau khi nước nhà thống nhất, vì nhu cầu chuyên chở nhiều hơn, cần có một vị trí rộng rãi hơn, nên ga được chuyển về khu vực trước đó, vốn dĩ đã có ga hàng hóa Hòa Hưng, được cải tạo xây dựng lại để trở thành ga hành khách Sài Gòn như bây giờ, tại số 1 Nguyễn Thông, P.9, Q.3.

Con đường mang tên quan Đốc học

Tôi từ ga trở về lại trung tâm Sài Gòn trên con đường Nguyễn Thông, vốn trước đây thường ngồi sum vầy với bạn bè ở một hội quán trên con đường này, để tiện ra ga đón người quen về nhà. Bỗng dưng nhớ rằng, vị danh sĩ từng là quan Đốc học Nguyễn Thông người Long An, đã từng xây dựng Văn thế miếu Vĩnh Long, và là vị thanh quan đã dâng bản sớ lên vua Tự Đức để kêu oan cho quan Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, lúc ông buộc phải tuẫn tiết ở Vĩnh Long. Lúc ấy, đó là một việc làm rất can đảm, bởi vì việc để mất 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên đã khiến vua Tự Đức nổi giận.
Điều liên tưởng trùng hợp khá kỳ lạ, là quan Đốc học Nguyễn Thông cũng mất vào đúng năm 1884, lúc Hòa ước Patenotre được ký kết, trước 1 năm khi ga Sài Gòn hoàn tất xây dựng.
Bây giờ, ga Sài Gòn lại hiện diện ngay trên con đường được đặt tên ông. Tiếng còi tàu ngày đêm đi và đến vẫn vang vọng, như hồi ức về một chứng nhân oanh liệt của thời quá vãng. Cùng với ông, những thăng trầm một đời làm quan, có khi kề vai sát cánh bên Đề đốc Trương Định đánh Pháp, có khi bị vua xuống lệnh bắt vào tù, có khi được nhân dân vinh danh vì đã có công khai khẩn đất đai lúc giữ chức Doanh điền sứ ở Bình Thuận, lại lắm lúc suy tư trước thời cuộc bằng việc dâng bốn bản điều trần về kế sách hưng thịnh quốc gia lên vua Tự Đức, nhưng rồi bị gièm pha bởi các đại thần khác chính kiến... Nguyễn Thông đã sống một cuộc đời với khí tiết của một bậc sĩ phu, luôn đau đáu với ước ao về một quốc gia hưng thịnh, là dấu ấn riêng của ông, mà lịch sử đã ghi khắc.
Bởi thế, khi đi trên con đường Nguyễn Thông dài hơn 1 km, qua 7 giao lộ với 6 ngã tư và 1 ngã ba để đến ga Sài Gòn trong buổi chiều mây xám, tự dưng nghĩ rằng mảnh đất thênh thang nhiều người đã từng đến rồi đi trên những toa tàu nặng nề chuyển bánh từ đây, vẫn lưu dấu nhiều kỷ niệm của bao người. Dù ở Q.1 trước đây hay ở Q.3 bây giờ, và tương lai nhà ga có di dời đi đâu nữa, thì sân ga với hình ảnh những con tàu xuôi Nam ngược Bắc vẫn còn trong tứ thơ, còn mãi với thời gian. Giống như nhà thơ Tế Hanh từng viết về chuyến tiễn biệt ở một ga tàu, xúc động và bay bổng: Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ. Lòng của người đi réo kẻ về...
Chiều trên sân ga Sài Gòn
Ga Sài Gòn tọa lạc tại Q.3, có diện tích 40.000 m2lúc mới chuyển về từ Q.1 năm 1978 và chính thức hoạt động từ năm 1983. Ga Sài Gòn là điểm cuối của hành trình đường sắt xuyên Việt tính từ Hà Nội vào. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, vào ngày 31.12.1976, tại ga Sài Gòn chuyến tàu đầu tiên chính thức rời đi từ TP.HCM để đến Hà Nội. Hiện nay đầu máy dùng để kéo đoàn tàu ấy, mang số hiệu 16-158 vẫn được trưng bày ở sân ga Sài Gòn (ảnh).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.