Chính quyền lúng túng nên chọn ngao hay chọn... cát?

25/07/2017 08:04 GMT+7

Sinh kế của hàng trăm hộ dân nuôi ngao ở cửa sông Văn Úc (huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng) đang bị đe dọa bởi hoạt động khai thác cát.

Vừa đến bến Nam Hải (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy), chúng tôi được ông Vũ Văn Hướng (ngụ tại xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy) đón xuống chiếc xuồng rồi đưa ra khu vực cửa sông Văn Úc ghi nhận hoạt động của các tàu hút cát. Người đàn ông 46 tuổi này cho biết, khu bãi ngao có trên 1.000 ha mặt nước với 119 chòi canh, tạo việc làm cho rất nhiều lao động có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Nhưng từ trung tuần tháng 6, có khoảng 100 ha ngao của 14 hộ gia đình bị chết, với tổng khối lượng khoảng 2.000 tấn, thiệt hại khoảng 22 tỉ đồng. “Sở NN-PTNT thành phố Hải Phòng kết luận là do ngao nuôi quá dày, nhưng chúng tôi cho rằng ngao chết là do tàu hút cát làm ô nhiễm nguồn nước”, ông Hướng nói.
Theo lời ông Hướng, bãi ngao của người dân xã Đoàn Xá nằm ở khu vực hai ụ cát lớn giữa cửa sông Văn Úc, gọi là cồn Đông và cồn Nam. Khi chúng tôi lên cồn Đông thì tàu cát số hiệu HD - 0350 đang thò 8 đường ống xuống lòng sông hút cát làm vùng nước quanh con tàu sôi sục, đục ngầu. Tại đây còn có thêm 3 tàu hút cát khác đang hoạt động. “Mỗi tàu hút được khoảng 1.000 m3, mỗi ngày hút 2 chuyến và chở đi tiêu thụ. Vòi hút cát thế kia thì chẳng mấy chốc 2 cồn cát này biến mất, chúng tôi chỉ có nước chết đói”, ông Phạm Văn Nguyện (58 tuổi, ngụ tại xã Đoàn Xá) cho biết.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Quyết, Trưởng phòng TN - MT huyện Kiến Thụy cho biết, có 13 doanh nghiệp được TP.Hải Phòng cấp phép thăm dò, khai thác cát tại cửa sông Văn Úc. Trong đó, 4 doanh nghiệp được cấp phép khai khoáng sản từ các năm 2013 và 2014. Đến nay, 4 doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thành các thủ tục để được khai thác cát, gồm: hợp đồng thuê mặt nước, đóng phí bảo vệ môi trường, thành lập ban quản lý khai thác. Nếu đủ các điều kiện này, Sở TN-MT sẽ có thông báo về địa phương là UBND huyện Kiến Thụy. “Mặc dù vậy, đến ngày 17.7, huyện này vẫn chưa nhận được thông báo nào cho phép các đơn vị được chính thức khai thác cát”, ông Quyết nói. Trong khi đó, từ hơn 1 năm qua, đã có rất nhiều tàu ra vào cửa sông Văn Úc hút cát.

tin liên quan

Bãi biển Cồn Vành bị 'băm nát'
Mặc dù được quy hoạch thành khu du lịch nghỉ dưỡng từ năm 2011, nhưng bãi biển Cồn Vành (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, Thái Bình) vốn rất đẹp, nay đã bị băm nát, do sự tắc trách của chính quyền địa phương.
Chính quyền lúng túng
Khi được hỏi về việc “chọn ngao hay chọn cát”, ông Phạm Phú Xuất, Phó chủ tịch UBND H.Kiến Thụy cho biết, vấn đề này huyện không quyết được. “Nếu huyện nói cứ để làm ngao, nhưng thành phố muốn khai thác cát thì chúng tôi cũng không làm sao được. Việc hút cát cũng quan trọng trong việc khơi thông luồng lạch và giải quyết nhu cầu vật tư xây dựng, cũng là làm lợi cho thành phố. Còn bãi ngao tuy tự phát nhưng là nguồn sống của hàng nghìn người dân. Đó là xung đột về lợi ích, nên ưu tiên cái gì, bỏ cái gì thì huyện chưa thể có quan điểm”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Yến (44 tuổi, ngụ thôn Nam Hải, xã Đoàn Xá) cho biết: “Nếu nhà nước cần khơi thông luồng lạch hay thực hiện nhiệm vụ quốc phòng thì chúng tôi sẽ chấp hành. Nếu nhà nước yêu cầu chúng tôi sẽ đóng thuế, đóng phí. Bãi ngao nuôi sống hàng nghìn con người, không thể cho hút cát tại đây khiến chúng tôi mất đi sinh kế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.