Chợ tự phát lấn chiếm lòng đường ở TP.HCM

02/06/2017 09:32 GMT+7

Báo Thanh Niên nhận được đơn phản ánh của một số hộ dân thuộc P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM về tình trạng tại địa phương có nơi người buôn bán tự ý chiếm dụng lòng lề đường để kinh doanh gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị nhưng địa phương vẫn thu phí chợ.

Đơn của bạn đọc phản ánh chợ tự phát trên đường Nguyễn Xí (P.13, Q.Bình Thạnh) chiếm dụng cả tuyến đường để bán buôn kinh doanh; ngã tư Nguyễn Xí - Phạm Văn Đồng đối diện chốt dân phòng của ban điều hành KP.1; các quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng chiếm dụng lề đường để giữ xe, vào mùa mưa nước ngập không có lối đi, các cá nhân kinh doanh tranh giành khách gây gổ làm mất trật tự…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (KP.3, P.13) cho biết: “Chúng tôi sống ở đây nhiều năm rồi, biết là chuyện lấn chiếm vỉa hè để buôn bán không phải chuyện lạ, nhưng chỉ một khu phố mà quá nhiều điểm bị lấn chiếm, khiến giao thông ách tắc. Bức xúc nhất là dù có phản ảnh, nhưng chính quyền địa phương không giải quyết, làm ngơ”.
Ngày 26.5, PV Thanh Niên đi thực tế tại các tuyến đường người dân phản ánh. Tại đường Nguyễn Xí, chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, người mua dừng xe hai bên đường, khiến giao thông lộn xộn. Trên con đường này treo băng rôn với nội dung: “Tuyến đường lập lại trật tự lòng lề đường, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường” nhưng lại ngổn ngang hàng hóa, rất nhếch nhác, lộn xộn. Một phụ nữ bán hàng tại đường Nguyễn Xí cầm trên tay biên lai thu phí hằng ngày, cho biết: “Bán lấn chiếm thì bị phạt, xui thì bị trật tự đô thị phạt 150.000 đồng, nhưng thuế chợ vẫn phải đóng, 4 năm qua tôi đều đóng thuế, mỗi ngày nộp 3.000 đồng, cả chợ ai cũng phải đóng”.
Thực tế là vậy, nhưng ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó chủ tịch UBND P.13, vẫn nói: “Từ trước đến nay chưa nhận bất kỳ đơn nào của người dân phản ánh, nên không có chuyện vô cảm hay làm ngơ. Tuyến đường Phạm Văn Đồng là một trong 5 tuyến đường văn minh đô thị cấp TP nên phường được kết hợp với đội quản lý trật tự đô thị quận thường xuyên lên lịch công tác xử lý lấn chiếm vỉa hè. Các quán nhậu, hay những điểm khác trong đơn mà dân phản ánh, để xe cộ đều nằm trong khuôn viên của quán”.

tin liên quan

Ám ảnh khi lưu thông qua tỉnh lộ 824
Nhiều năm nay, trên tỉnh lộ 824, đoạn qua khu công nghiệp Xuyên Á và cụm công nghiệp Hoàng Gia (thuộc địa phận 2 xã Mỹ Hạnh Nam và Mỹ Hạnh Bắc, H.Đức Hòa, Long An) trở thành nỗi ám ảnh của người dân vì tình trạng kẹt xe, sụp ổ gà và ô nhiễm khói bụi.
Còn về chợ trên đường Nguyễn Xí thì sao? Trả lời câu hỏi, ông Lĩnh cho biết: “Không có ban quản lý chợ gần 20 năm nay vì chợ này tự phát. Ở đây có 2 dạng: kinh doanh ổn định, tức buôn bán tại nhà và có giấy phép thì chúng tôi thu thuế; và kinh doanh không ổn định, tức là những người bán hàng rong, xe đẩy thì chúng tôi không thu thuế và ra quân xử lý lấn chiếm lòng đường vỉa hè”. Nhưng khi PV đưa ra chứng cứ người bán hàng rong, không có giấy phép kinh doanh vẫn phải nộp hoa chi, thì lãnh đạo phường cho biết sẽ kiểm tra và trả lời sau.
Ông Lĩnh cũng cho biết thêm, kế hoạch cuối năm 2017 sẽ giải tỏa chợ tự phát trên đường Nguyễn Xí theo quyết định của TP ban hành, nhằm mở rộng đường.
Luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Hành vi tự ý họp chợ, lấn chiếm lòng lề đường gây mất an ninh, ảnh hưởng đến giao thông không được pháp luật cho phép và có thể bị xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt tiền thấp nhất từ 100.000 đồng, cao nhất là 6 triệu đồng. Còn việc chính quyền địa phương bắt người dân đóng thuế chợ, mỗi ngày 3.000 đồng là không có căn cứ, bởi việc họp chợ tự phát lấn chiếm lòng lề đường như đã nêu trên bản chất là không được pháp luật cho phép, nên cũng không thể có quy định về việc thu, đóng thuế đối với loại chợ tự phát. Như vậy, chính quyền địa phương buộc phải hoàn thuế cho người dân đồng thời công khai xin lỗi, đính chính đối với hành vi thu thuế không có căn cứ của mình”.

tin liên quan

Chiếm đường họp chợ ngang nhiên ở Sài Gòn
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, mặc dù lãnh đạo TP.HCM đã chỉ đạo phải quyết liệt lập lại trật tự, giải tỏa lấn chiếm lòng lề đường buôn bán nhưng đến thời điểm này vẫn còn hàng trăm khu vực kinh doanh chợ tự phát (còn gọi chợ tạm, chợ cóc, chợ chồm hổm). 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.