Chuyện chưa kể 20 năm 'làm mẹ' của vú nuôi từng chăm cô gái Pháp gốc Việt

Lê Hồng Hạnh
Lê Hồng Hạnh
05/07/2020 14:33 GMT+7

Dành hơn 20 năm để chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi ở trung tâm trẻ mồ côi, niềm vui tuổi xế chiều của bà Lắm là được nhìn thấy những đứa trẻ mình từng nuôi nấng nên người và có cuộc sống tốt hơn.

Theo sự chỉ dẫn của người bảo vệ lâu năm tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp (ở P.4, Q.Gò Vấp, TP.HCM), PV Thanh Niên tìm đến căn nhà nhỏ với cánh cửa màu xanh lá đặc biệt của bà Nguyễn Thị Lắm (78 tuổi) ở cuối con hẻm gần trung tâm này.

Bà Lắm về hưu đã lâu, những người ở trung tâm nếu làm lâu năm sẽ nhớ đến bà

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Hơn 20 năm chăm sóc trẻ bị bỏ rơi

Năm 1966, bà Lắm rời quê Long An lên Sài Gòn trở thành nữ tu và bắt đầu làm việc tại Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp. Đến năm 1989, bà về hưu nhưng sau đó bà quay trở lại tiếp tục làm công việc chăm sóc trẻ sơ sinh (vú nuôi) tại trung tâm vì sức khỏe còn tốt. Bà Lắm chăm sóc cho đến lúc những đứa trẻ cứng cáp hơn, biết đi sẽ chuyển phòng và được các tu nữ khác chăm sóc.
Hiện tại, bà sống cùng em gái ruột là bà Nguyễn Thị Út (72 tuổi) ở sát bên một nhà thờ. Ở tuổi xế chiều khi đã không còn sức để chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi nữa, bà Lắm cùng bà Út sống nương tựa lẫn nhau trong ngôi nhà nhỏ bằng số tiền hưu của cả hai.

Những tấm hình được những đứa trẻ được bà chăm sóc tặng khi họ lớn khôn và trở về thăm bà

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Giờ cha mẹ ở quê cũng không còn, người thân cũng ở Sài Gòn cả nên hai chị em bảo nhau nương tựa lẫn nhau sống qua ngày”, bà Út tâm sự.
Gần 80 tuổi, mắt của bà Lắm mờ đi, sức khỏe cũng yếu hơn và hầu như không làm được việc gì nặng nhọc. Cầm trên tay tấm hình chụp với những đứa trẻ bà từng chăm sóc lúc chúng còn nhỏ, bà Lắm không giấu được niềm vui. Bà bộc bạch thỉnh thoảng có nhiều đứa quay trở lại thăm bà và mong muốn tìm cha mẹ ruột hoặc chúng đi cùng bố mẹ nuôi qua thăm Việt Nam trong các chuyến du lịch rồi ghé bà.

Mặt sau những tấm ảnh luôn có chú thích và lời nhắn gửi

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bà kể lại, tháng 1.2020, có một cô gái người Pháp tên Mai-anh Guillou ghé thăm. Tuy đã lâu không gặp nhưng cả hai đều xúc động. Mai-anh không nói được tiếng Việt mà đi cùng người thông dịch, cô tự đi một mình từ Pháp đến Việt Nam với hy vọng tìm lại được mẹ ruột.
Bà kể lại, lúc nhỏ, Mai-anh bị bỏ lại ở bệnh viện, sau khoảng thời gian không ai đến nhận nên được đưa vào trung tâm sau đó được nhận nuôi. “Hồi đó nó còn bé xíu mà giờ đã lớn rồi, lại còn rất xinh đẹp. Nhìn nó mà mình thương lắm. Thấy nó có cuộc sống tốt hơn thì mình rất mừng”, bà nói.
“Lúc ba mẹ nuôi nhận nuôi những đứa trẻ thường sẽ chụp hình kỷ niệm, nay tụi nó lớn trở về đưa tấm hình là người ta chỉ đến nhà tôi”, bà kể.

“Vẫn ngó xem có đứa trẻ nào bị bỏ rơi không”

Dành hơn 20 năm để chăm sóc những đứa trẻ không may mắn bị bỏ rơi tại trung tâm, ở tuổi xế chiều, niềm vui của bà Lắm là thấy những đứa trẻ bà từng chăm sóc ngày xưa nên người và có cuộc sống tốt hơn.
Bà Lắm thầm lặng tận tình chăm sóc những đứa trẻ dù biết rõ lúc ở với bà những đứa bé còn rất nhỏ và không nhớ đến bà khi chuyển phòng và lớn lên.

Yêu trẻ con, căn nhà của bà Lắm và bà Út được trang trí bằng những đồ chơi xinh xắn

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Chính mình vì chăm sóc nhiều đứa bé nên cũng không nhớ hết, vì khi chúng chuyển qua phòng khác thì mình cũng bận chăm sóc những đứa nhỏ hơn nên không có thời gian qua chơi với tụi nó. Dần dần mình cũng quên, chỉ những đứa bé nào đặc biệt lắm thì mình mới nhớ”, bà kể.
Nhìn ra khoảng sân trước cổng trung tâm, bà Lắm kể lại khu vực này ngày trước rất vắng người, cỏ mọc cao chứ chưa được láng bê tông và hiện đại như bây giờ. Ở khoảng đất đó, lâu lâu lại có một đứa bé bị bỏ lại, khi được quấn trong khăn, khi được để trong túi vải.

Ngôi nhà của bà Lắm đặc biệt với màu xanh lá cây nằm ở cuối một con hẻm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Giờ nhiều khi ngó ngó qua xem có đứa bé nào bị bỏ rơi không. Có lần có một đứa bé bị bỏ lại, người ta lót một tờ báo phía dưới rồi đặt đứa bé lên trên, đứa bé được quấn trong một chiếc khăn lông. Không biết đã ở đó bao lâu, cho đến khi có người của cô nhi viện phát hiện rồi mang vào cô nhi viện, nhìn thương lắm”, bà bộc bạch.

Bà Lắm phụ việc công quả cho nhà thờ suốt mười mấy năm sau khi nghỉ việc ở trung tâm

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Bà Út dọn dẹp lại nhà cửa trong thời gian chờ đi làm lễ ở nhà thờ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Dù đã về hưu, suốt mười mấy năm qua bà Lắm vẫn hằng ngày dậy từ lúc 3 giờ sáng để qua phụ làm công quả cho nhà thờ, sau đó trở về nhà làm việc nhà. Buổi chiều, bà lại qua nhà thờ kéo chuông nhà thờ (bằng cách nhấn nút chuông - PV) vào lúc 17 giờ 15 phút, phụ dọn dẹp đến tối.
“Trước đây, tôi từng làm công việc này thay chị khoảng 4 ngày mà chịu không nổi vì không quen dậy sớm. vậy mà mười mấy năm qua chị ấy cứ thức dậy vào giờ đó, hai chị em ngủ chung nên tôi biết. Chị ấy ngủ ít lắm, mà chắc cũng nhờ leo lên leo xuống cầu thang nên chị ít bệnh”, bà Út chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.