Chuyện cô gái xinh đẹp 9 năm làm tình nguyện và người chồng khuyết tật

23/07/2016 19:31 GMT+7

Với gương mặt xinh xắn, nụ cười lúc nào cũng đầy trên môi, cử chỉ nhanh nhẹn, giọng nói ấm áp, ít ai biết Lê Thị Ngọc – cô gái sinh năm 1993 này đã có hơn 9 năm gắn bó với cuộc sống tình nguyện.

“Hôm nay anh thi đấu giỏi nè! Anh có mệt không? Để em đỡ anh xuống”, gương mặt của vận động viên khuyết tật bừng sáng, nhỏe ra nụ cười rộng tới mang tai khi nghe thấy lời hỏi thăm của Ngọc – một tình nguyện viên đã gắn bó với công việc hỗ trợ cho người khuyết tật 9 năm trời khi tuổi đời cô chỉ mới vừa tròn 23.
Một buổi sáng cuối tuần tháng 7, ở Nhà thi đấu thể thao quận Tân Bình, người ta trông thấy hàng trăm chiếc áo tình nguyện với dòng chữ “Kết nối yêu thương – Nảy mầm hạnh phúc” tất bật bồng bế, đẩy xe lăn cho những người khuyết tật lên thi đấu.
Cũng như mọi năm, giải Thể thao cho người khuyết tật diễn ra suôn sẻ, một phần đều nhờ các bạn tình nguyện viên nơi đây. Ngay cả nụ cười, sự chào đón, bàn tay chìa ra đỡ những thân thể không còn lành lặn cũng đủ khiến người ta thấy ấm lòng, hỏi sao cuộc đời lại đáng sống đến vậy.
Ngọc rơi nước mắt khi nhắc tới thời gian gắn bó với những anh chị khuyết tật tại các trung tâm Ảnh: Bùi Thư
9 năm vui buồn cùng người khuyết tật
Với gương mặt xinh xắn, nụ cười lúc nào cũng đầy trên môi, cử chỉ nhanh nhẹn, giọng nói ấm áp, ít ai biết Lê Thị Ngọc – cô gái sinh năm 1993 này đã có hơn 9 năm trời gắn bó với cuộc sống tình nguyện.
Cái ‘duyên’ dẫn cô gái 9x này đến với công việc tình nguyện đã bén từ năm 2007, trong một lần tham gia đưa những người khuyết tật đi Đầm Sen. Khoảnh khắc trông thấy gương mặt vốn dĩ đầy tự ti, mặc cảm của những anh chị ấy cười bừng bừng khi được trượt nước, được vui chơi, Ngọc đã khao khát mình được phụ sức làm nên những niềm vui ấy. Cứ như vậy, Ngọc tham gia tất cả những chương trình dành cho người khuyết tật, có mặt ở hầu hết các mặt trận tình nguyện khi chỉ mới 15 tuổi.
Năm 17 tuổi, gia đình gặp chuyện, Ngọc phải bỏ học lặn lội từ Vũng Tàu vào Sài Gòn mưu sinh. Lúc đó được một người chị dẫn vào làm việc tại Trung tâm bảo trọ và dạy nghề cho người tàn tật (quận 3), Ngọc được học về nghề may thêu, đồng thời phụ giúp chăm sóc những anh chị với những khiếm khuyết trên cơ thể. Được một thời gian, Ngọc chuyển sang làm cho tổ chứ DRD (Trung tâm khuyết tật và Phát triển). Ở đây, Ngọc học thêm về những khóa học về tâm lý và hành vi của người khuyết tật để hỗ trợ họ sống độc lập hơn.
Ngọc cảm thấy hạnh phúc khi có người chồng thấu hiểu, sẵn sàng cho cô đi những hoạt động tình nguyện Ảnh: Lý Quốc Đạt
Vẫn xông xáo đẩy lên đẩy xuống những chiếc xe lăn, dang tay ra ẵm những chị vận động viên vừa mới hoàn thành vòng thi bơi lội của mình, Ngọc bộc bạch: “Mình cũng có người chị là người khuyết tật vận động, tức liệt hai chi dưới nên hiểu được nỗi khổ của người khuyết tật. Có lẽ cũng từ đó mà nó ăn vào máu mình. Thực sự mà nói, ở đất Sài Gòn này, không có những anh chị khuyết tật đó thì mình không biết sống như thế nào. Đói cũng ở bên nhau, no cũng có nhau”.
Với đồng lương ít ỏi khi làm công việc tình nguyện, để duy trì đam mê của mình, Ngọc phải làm thêm những công việc khác. Hỏi về niềm hạnh phúc, Ngọc kể: “Có những cảm giác mà lần đầu tiên những anh chị được xuống biển, được leo núi rồi chia sẻ niềm vui đó với mình, mình cảm động muốn khóc. Việc leo núi đối với những anh chị khuyết tật chân tay dường như là không thể. Nhưng mình đã làm được. Mình từng tổ chức đi cho 36 người khuyết tật leo núi Thạch Sanh Lý Thông ở Hà Tiên. Khi ấy chỉ có anh Châu Thành Toàn (trưởng nhóm tình nguyện SV07) và mình, hai anh em làm mọi cách, đẩy lên, cõng lên, bế bồng…đưa tất cả lên núi. Cực nhưng mà vui”.
Vẫn với đôi mắt long lanh, Ngọc diễn tả: “Giống lúc đưa anh chị đi tắm biển, người bình thường thấy điều đó vô cùng dễ dàng nhưng với người khuyết tật thì như mơ. Có một chị nói với mình: “Cảm ơn các em, chị sinh ra tới giờ 40 tuổi mà lần đầu tiên được xuống biển tắm. Nào giờ chỉ xem trên tivi, thấy vô nghĩa với chị vì có khi cả đời chẳng thể tắm biển”. Trời ơi, lúc đó bao nhiêu mệt mỏi trong người mình đều tan biến. Đó gọi là tình nguyện, cho đi và cái mình nhận là hạnh phúc”.
Đám cưới, hình cưới của Ngọc đều có mặt những anh chị khuyết tật mà cô gắn bó Ảnh: Lý Quốc Đạt
“Chồng của Ngọc cũng là người khuyết tật”
Ngồi trò chuyện với Ngọc, thấy chiếc nhẫn cưới ở ngón áp út, tôi tò mò, hỏi ra càng bất ngờ hơn khi chồng của cô gái này cũng là người khuyết tật. Gặp nhau trong một lần Ngọc đưa các anh chị khuyết tật ra Phan Thiết chơi, chỉ chụp với nhau chung một tấm hình nhưng rồi Đỗ Đăng Phi Long (sn 1988) đã thương nhớ nụ cười duyên của cô tình nguyện trong chuyến đi ấy.
Tìm được Facebook, Phi Long kết bạn rồi hai bên nói chuyện qua lại, chia sẻ với nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất, vui buồn mỗi ngày trong cuộc sống.
Được 2 tháng, Ngọc đổ bệnh, Phi Long từ Phan Thiết bắt xe ngay vào Sài Gòn thăm. Từ đó, hai người chính thức yêu nhau: “Khi nói chuyện với anh Phi Long, Ngọc không thể tả được cái cảm giác đặc biệt đó. Bình thường với ai Ngọc cũng cởi mở và quan tâm vì họ là người khuyết tật nhưng với anh Phi Long đó là sự thu hút. Khi ảnh chủ động vô Sài Gòn thăm Ngọc, lúc đó bị thủy đậu vô cùng xấu, nhưng ảnh cứ chăm sóc, bảo đừng ngại. Tự dưng mình thấy vô cùng cảm động”.
Trong suốt 2 năm yêu nhau, với những chuyến đi luân phiên giữa Sài Gòn và Phan Thiết 1 tháng 1 lần, một ngày, Phi Long nhắn tin cho Ngọc: “Em có muốn làm vợ anh không?”. Ngọc vỡ òa, vừa mừng vừa lo: “Anh Long là người khuyết tật câm điếc nên không thể nói lời cầu hôn nên với mình, nhắn và ra ký hiệu là đủ. Lúc đó thấy hạnh phúc lắm, nhưng cũng lo vì sợ cả hai đứa chưa đủ chững chạc, rồi phải thưa chuyện với bố mẹ Ngọc dưới quê”.
Niềm hạnh phúc vào ngày cưới của cô gái gắn bó 9 năm với công việc tình nguyện Ảnh: Lý Quốc Đạt
Ngọc thừa nhận, khó có cha mẹ nào chấp nhận cho con lấy một người khuyết tật: “Lúc ấy mẹ Ngọc nói không thích, bảo lấy về rồi ai hiểu, chỉ mình con hiểu. Nhưng bố mẹ Ngọc là người tôn trọng con cái, buồn nhưng vì con vẫn chấp nhận, chỉ nói với Ngọc: Đó là lựa chọn của con, sướng nhờ, khổ chịu. Nhưng bây giờ thì bố mẹ Ngọc thương anh Long còn hơn Ngọc vì anh giỏi, có ý chí và hài hước”.
Điều khó khăn nhất với bản thân Ngọc khi lấy chồng là từ bỏ việc làm ở DRD vì phải theo chồng về Phan Thiết.
Hai tháng trước khi cưới là khoảng thời gian đầy nước mắt: “Mình đưa mấy anh chị đi khám bệnh, đi chơi. Mình nói anh chị: “Em chỉ giúp các anh chị thực hiện trong năm này nữa thôi, rất khó để tiếp tục gắn bó…”. Nói tới đây, Ngọc ràn rụa nước mắt: “Tụi mình dành cho nhau thời gian đó để làm tất tần tật những thứ mong muốn. Hình cưới mình cũng có các anh chị, đám cưới mình các anh chị tận lòng đưa tiễn..”
Hiện tại, Ngọc tiếp tục công việc dành cho người khuyết tật ở công ty Tranh cát Phi Long – công ty của chồng tại Phan Thiết. Nhưng hễ có hoạt động gì, Ngọc đều sắp xếp vào Sài Gòn tham gia cùng mọi người: “Tới bây giờ, Ngọc thấy mình là người hạnh phúc. Ngọc nghĩ mình có duyên với người khuyết tật, sinh ra có một người chị khuyết tật, lớn lên được làm việc với những anh chị khuyết tật và bây giờ cưới chồng, cũng là người khuyết tật. Công ty của chồng cũng toàn người khuyết tật, hai vợ chồng cùng nhau dạy nghề miễn phí cho họ”.
Vừa nói dứt câu, Ngọc lại lao người đến đỡ một bác ngồi xe lăn xuống cầu thang. Thảo Vân, một tình nguyện viên trong nhóm bật nói: “Thấy Ngọc là muốn làm tình nguyện. Có thời gian, ngày nào Ngọc cũng bế một chị khuyết tật lên 5 tầng lầu vì chung cư không có thang máy. Nó đi tình nguyện, sống bằng nghề tình nguyện”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.