Có nhiều quá không Đà Lạt?

01/12/2019 09:07 GMT+7

Với tôi, đến được Quy Nhơn, Tuy Hòa thì có thể nguôi nguôi nỗi nhớ Nha Trang. Thế nhưng để thỏa nỗi nhớ Đà Lạt thì chỉ còn cách xách gói về miền đất lạnh. Không gian, hồn cốt Đà Lạt là một cõi riêng, chỉ một mình mình có.

Nơi học... cao nhất nước
Hơn ba mươi năm trước, tôi xách gói đi thi Đại học Đà Lạt (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng). Thiệt tình, tôi chọn trường này thi cũng vì “lấy cớ” đi cho biết Đà Lạt, còn học gì tính sau. Khi đó, kinh tế cả nước đang khó khăn trong cơ chế bao cấp. Với nhiều gia đình vùng gió cát miền Trung, cho con đi thi đại học là chuyện “chơi trội”, chứ không “phổ cập” như bây giờ.
Thời xe cộ còn khó, lũ tôi phải đón xe đò theo quốc lộ 1 đến ngã ba Phan Rang, rồi đón xe tăng bo theo quốc lộ 27 ngược hướng tây. Qua đèo Ngoạn Mục (Sông Pha) quanh co lắt léo, đến đất Đơn Dương (Lâm Đồng) là đã thấy tiết trời lành lạnh. Xe chạy một lúc nữa là qua đèo Prenn: Đất trời mát ngọt hiện ra, Đà Lạt đây rồi!
Nhớ lại, lúc ấy cũng là giai đoạn cả nước bắt đầu xôn xao, vật vã chuyển mình sang thời kỳ đổi mới. Nhiều nơi đã nhấp nhổm bung ra làm ăn, kinh doanh, xây dựng tá lả. Thế nhưng, Đà Lạt vẫn “an yên, tà tà”. Phố vẫn nhấp nhô bên đồi dốc lên dốc xuống, đường vẫn “quanh co quyện gốc thông già”. Những quán cà phê, những quầy hàng ở khu Hòa Bình vẫn nho nhỏ, đơn đơn. Khách du lịch vẫn lác đác, đều đều; ít có cảnh lấn chen. Nông dân quanh phường 8 Đà Lạt vẫn sáng sáng ủng đen, ủng đỏ, ngồi bên cốc cà phê, phì phèo điếu thuốc thơm trước khi làm vườn...
Quả thực, nông dân quê tôi ngày đó làm gì có chuyện cà phê cà pháo trước khi ra đồng như... nông dân Đà Lạt. Lại còn có cảnh mấy ông bà làm vườn mà tối tối lại khoác măng tô đi dạo phố. Mấy đứa nhà quê xứ cát chúng tôi thấy như lạc vào thế giới khác! “Nhìn phong thái bên ngoài, người Đà Lạt chưa bao giờ lam lũ”, đó là lời ông bạn già “người Việt, gốc ngo (thông)” của tôi.
Bọn sinh viên chúng tôi thì nhìn chung đói vàng cả mắt. Cơm chảo khi đó nấu từ loại gạo hâm hẩm, thức ăn phần lớn là mấy loại rau củ ôn đới (loại 2 trở đi) nấu lờ lợ với ít dầu mỡ, đôi khi nổi lên một ít gân ngựa bạc nhạc. Việc làm thêm của sinh viên khi đó chủ yếu là đi nỉa đất, thu hái rau quả cho các nhà vườn.
Chớ mà hồi đó sinh viên Đà Lạt “sang” lắm, bởi đồi Cù (ngay trước cổng trường) chưa bị rào lại làm sân golf. Sau giờ học, chúng tôi dắt nhau ra đồi Cù đá banh, nằm trên thảm cỏ ngó trời, ngắm thông... làm thơ. Đôi đứa may mắn còn cùng bạn gái lãng mạn ở trên triền đồi mộng mơ nhìn xuống hồ Xuân Hương tuyệt đỉnh.
Học xong, tôi xách gói về quê ngay, bởi “Đà Lạt buồn quá”. Thế nhưng rồi nhớ sao mà nhớ, nhớ đất “cao sang” đến quặn lòng, năm nào cũng kiếm chuyện đi về để ngó dòm, hít thở chút không gian Đà Lạt. Và để đôi lần trà dư tửu hậu là tếu táo: “Tao học ở trường đại học cao nhất nước”. Mấy thằng cùng bàn liền lồng lên: “Trường Đà Lạt mày làm sao bằng trường quốc gia Hà Nội, TP.HCM?!”. Thế là tôi thản nhiên: “Thì tao chỉ nói là trường Đà Lạt nằm ở độ cao 1.500 m so mực nước biển mà!”.

Đà Lạt đừng náo động

Bạn tôi, một ký giả lang thang, từ cao nguyên nhắn tin: “Về cơ bản, hồn cốt Đà Lạt đã bị phá nát rồi!”. Tôi hiểu ý bạn: Đà Lạt đã và đang bị “hành hạ” đủ kiểu, với lớp lớp rừng thông ngã xuống, đồi đất đỏ ứa ra để nhà cửa xây dựng tầng tầng, các khu du lịch “xanh đỏ tím vàng” nghễu nghện mọc lên. Đà Lạt đang nóng lên nhanh quá, thời gian mặc áo ấm của người dân ngày càng bớt lại.
Mấy năm nay, lần nào về Đà Lạt, tôi cũng bị kẹt xe (trước đây làm gì có). Mùa cao điểm, nhiều cung đường nội ô ken cứng khách du lịch, còi xe inh ỏi, lầy lội trong “ổ voi, ổ gà”. Tiếng là người không xa lạ với Đà Lạt, vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn bị “chém sởn” khi đi mua đồ, vào quán xá.
Thôi thì tìm một cái quán cà phê vắng vắng, với mấy gã bạn trung niên. Thấy nhiều người Đà Lạt đang uống cà phê đá. Nhớ lúc mới từ xứ nóng về Đà Lạt uống cà phê, nhiều đứa tiện miệng “cho ly cà phê đá”, cô chủ mỉm cười “ở đây không có đá...”. Khi ấy, nghề sản xuất nước đá chưa phổ biến ở Đà Lạt, nhiều quán hàng phải đợi đến 9 - 10 giờ mới có mối hàng đem đến một góc nước đá nhỏ. Bây giờ thì ngồi sớm ở dãy cà phê đối diện chợ Đà Lạt, thấy xe nước đá tấp vào nườm nượp. Chen giữa ly cà phê cốc thấp (cà phê nóng) là những ly thủy tinh được lắc rổn rảng (cà phê đá). Trong quán ăn nhậu, tiếng “lắc ly” càng rổn rảng tợn!
Cũng như nghề kinh doanh nước đá, một số nghề như bán quạt điện, tủ lạnh... cũng đang dần “lên ngôi” ở Đà Lạt. Ngày trước tôi để ý, Đà Lạt khi ấy duy nhất một quán ăn có quạt điện; nằm chếch trước Bưu điện Lâm Đồng. Nay thì Đà Lạt đã “quạt hóa” chẳng những nơi quán xá mà ngay trong nhiều gia đình!
Nếu chịu khó tìm, đi rộng sang các vùng ngoại ô, vẫn còn đó những nét dễ thương, dễ mến của một Đà Lạt chập chùng cỏ cây thân thiện, những góc phố hoa ngỡ ngàng mơ mộng. Thế nhưng lúc này, nhà kính, nhà lưới sản xuất nông nghiệp đã phủ trắng xóa các khung đồi...
Không ai buộc Đà Lạt phải dừng chân trầm tư mãi. Thế nhưng Đà Lạt đang “nóng nảy và vô tốc”. Đà Lạt phải phát triển, phải xây dựng. Nhưng không thể là kiểu bê tông hóa, cao tầng, bất chấp cảnh quan. Sự bán buôn nhã nhặn, chân thật, giá cả phải chăng của người Đà Lạt đã mai một quá nhiều. Lắm du khách và người dân tại chỗ đã không còn tín nhiệm nhiều khu vực bán buôn ở Đà Lạt. Nhiều khách du háo hức đến Đà Lạt rồi “lủi thủi” ra về cũng vì sự tàn phai phong cách “ngàn vàng” của thành phố “một mình mình” này.
Có phải tôi đòi hỏi Đà Lạt nhiều quá không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.